Tầng lớp giàu có ở Ấn Độ đang chứng kiến xu hướng chuyển ra nước ngoài sinh sống, thông qua việc bỏ ra một khoản đầu tư lớn để đổi lấy quyền công dân hoặc quyền cư trú ở quốc gia khác, theo BBC News.
Năm 2018, báo cáo từ ngân hàng Morgan Stanley ở Phố Wall (Mỹ) chỉ ra 23.000 triệu phú Ấn Độ đã rời khỏi đất nước kể từ năm 2014.
Gần đây hơn, báo cáo của tổ chức Global Wealth Migration Review cho hay gần 5.000 triệu phú, tương đương 2% tổng số cá nhân có giá trị tài sản ròng cao ở Ấn Độ, đã chuyển ra nước ngoài sống chỉ trong năm 2020.
|
Số lượng người lắm tiền nhiều của ở Ấn Độ chọn định cư ở nước ngoài trong gần 10 năm trở lại đây tăng nhanh chóng. |
Người giàu chọn rời đi
Rahul (không phải tên thật) là thế hệ thứ hai trong một gia đình giàu có ở Delhi. Gia đình anh sở hữu một doanh nghiệp gần như độc quyền trong lĩnh vực xuất khẩu năng lượng mặt trời.
Nhưng người đàn ông không chọn cai quản cơ nghiệp tại Ấn Độ mà chuyển đến Dubai (UAE) vào năm 2015. Anh chỉ phụ trách một phần nhỏ trong công việc kinh doanh của cha mẹ.
Rahul cũng có một quốc tịch khác khi đầu tư vào một trong các quốc gia ở vùng Caribbean. Người này cho hay chính sách thuế nới lỏng hơn là một trong các lý do chính để dọn ra nước ngoài sinh sống, làm việc.
“Với hộ chiếu nước ngoài, vấn đề về cơ bản đã giảm đáng kể. Tôi bớt lo lắng hơn về các yêu cầu liên quan đến thuế”, Rahul cho hay.
Nhưng đó mới chỉ là một phần lý do. Rahul nói rằng sự phức tạp trong tình hình chính trị khiến anh không muốn con cái của mình lớn lên trong môi trường hiện tại ở Ấn Độ.
Người đàn ông giàu có cho hay nhiều người bạn trong tầng lớp lắm tiền nhiều của cũng đã lựa chọn từ bỏ quyền công dân hiện có và tìm đường định cư nước ngoài.
|
Để đổi lấy quyền công dân hay cư trú, giới nhà giàu Ấn Độ sẽ bỏ một khoản tiền lớn, đầu tư vào một lĩnh vực nào đó tại đất nước họ định chuyển đến. |
Dịch bệnh thay đổi cuộc chơi
Trước đó, người dân từ quốc gia Nam Á này đứng đầu trong danh sách đem tiền đi đầu tư ở nước ngoài để đổi lấy quyền công dân, theo thống kê của công ty tư vấn cư trú và quốc tịch toàn cầu Henley & Partners (H&P) có trụ sở tại London (Anh).
Theo H&P, đại dịch Covid-19 càng là động lực cho xu hướng chuyển đến nơi khác định cư của giới nhà giàu Ấn Độ. Nhu cầu cao đến mức công ty này đã thành lập văn phòng ở Ấn Độ trong thời gian phong tỏa toàn quốc để phục vụ kịp thời.
"Tôi nghĩ rằng những vị khách giàu có nhận ra rằng họ không muốn chờ đến khi dịch bệnh qua đi. Họ muốn có các giấy tờ cần thiết nhanh chóng ngay cả khi vẫn đang chôn chân ở nhà", Dominic Volek, người phụ trách nhóm di cư cá nhân tại Henley & Partners, nói với BBC từ Dubai.
Theo ông Volek, đại dịch có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi, khiến những người dư dả điều kiện tài chính chọn định cư theo cách toàn diện hơn.
Không chỉ là du lịch miễn thị thực hay dễ dàng tiếp cận thị trường toàn cầu, nhóm người giàu Ấn Độ hướng đến các mục tiêu khác như đa dạng hóa của cải, hưởng chế độ giáo dục và chăm sóc sức khỏe tốt hơn, giúp bảo vệ những gì họ sở hữu khỏi các bất ổn do đại dịch đe dọa.
|
Cuộc di cư ra nước ngoài của nhóm người giàu có Ấn Độ đồng nghĩa với nước này sẽ mất một khoản tiền thuế lớn từ những người này. Ảnh: Getty. |
Trong đó, các quốc gia như Bồ Đào Nha, Malta, đảo Sip với chương trình thị thực vàng là những lựa chọn ưa thích cho lớp nhà giàu ở Ấn Độ.
"Những cá nhân có khối tài sản ròng cao là những người đầu tiên rời đi. Không giống với tầng lớp trung lưu, họ có đủ điều kiện để tìm và chuyển đến quốc gia khác sinh sống theo cách khá dễ dàng", Andrew Amoils, trưởng bộ phận nghiên cứu của New World Wealth, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Johannesburg (Nam Phi), nói với tờ Business Standard.
Với nhóm đối tượng này, bản chất dòng tiền chảy ra nước ngoài chỉ đơn thuần là lựa chọn đầu tư vào một nước khác, trở thành phương án dự phòng thay vì rút hết tiền ra khỏi quê nhà, chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nói rằng điều đó không tốt cho một quốc gia đang phát triển như Ấn Độ.
"Nhóm người giàu di cư đồng nghĩa với một khoản thuế khổng lồ từ họ cũng biến mất. Điều này dễ gây bất lợi về lâu dài. Sự ra đi của họ là tín hiệu xấu cho môi trường kinh doanh ở Ấn Độ", Rupa Subramanya, thành viên tại quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada, cho biết.
Theo Zing