Khoảng một năm sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Park Hyun-seok tự soi mình trong gương và cảm thấy khiếp sợ trước những gì bản thân nhìn thấy.

Đứng trước mặt anh là một thân hình đã tăng hơn 10 kg. Park cảm thấy xấu hổ vì nghĩ mình thật xấu xí và lười biếng.

Theo Yonhap, người đàn ông 30 tuổi đến từ Seoul đã ngay lập tức đặt lịch hẹn với một studio để chụp ảnh "body profile" (tạm dịch: hồ sơ cơ thể) vào 3 tháng tới.

Body profile chỉ những bức ảnh đại diện trên mạng xã hội chỉ tập trung khoe cơ thể thay vì khuôn mặt, đang trở thành xu hướng trong giới trẻ Hàn Quốc.

                                      Bức ảnh body profile của Park Hyun-seok sau nhiều tháng tập luyện, ăn kiêng. Ảnh: Yonhap.


Với những người như Park, hồ sơ cơ thể là một động lực quan trọng giúp họ bắt tay vào giảm cân, lấy lại vóc dáng sau khoảng thời gian dài gián đoạn vì dịch bệnh.

Hành trình theo đuổi body profile thường đi kèm với quá trình tập luyện khắc nghiệt và chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt. Nếu làm đúng cách, kết quả mang lại có lợi cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.

Tuy nhiên, thực tế chứng minh thành tựu thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Thời điểm buổi chụp hình kết thúc cũng là lúc mọi người lao vào ăn uống ngấu nghiến, vô độ để thỏa mãn bản thân sau thời gian tự cấm túc.

Phòng gym chật cứng


Hồ sơ cơ thể được cho xuất phát từ giới huấn luyện viên cá nhân - những người xem việc duy trì thân hình, cân nặng là mục tiêu nghề nghiệp.

Thế nhưng, khoảng 6-7 năm trở lại đây, khái niệm này trở nên phổ biến với giới trẻ ở độ tuổi 20-30.

Kim Jeong-taek, người điều hành M-Class Studio, một studio ảnh ở Seoul chuyên chụp body profile, cho rằng đại dịch Covid-19 có liên quan trực tiếp đến xu hướng này.

"Khi đại dịch mới bùng phát, không có nhiều người muốn đến phòng tập. Nhưng giờ đây, khi chính phủ nới lỏng các hạn chế, mọi người tràn đến khiến phòng gym chật cứng".

Mặc dù đã đặt mục tiêu chụp ảnh hồ sơ cơ thể ở tuổi 20, mãi đến gần 30 tuổi, Yoo, ở Seongnam, phía nam Seoul, mới thực sự quyết tâm luyện tập.

"Tôi muốn tìm động lực mới cho cuộc sống, muốn thúc đẩy bản thân và có thêm cảm hứng", cô nói.

Giống như Park, Yoo bắt đầu chuẩn bị vào mùa xuân bằng cách đặt lịch hẹn với studio và đăng ký các khóa tập thể hình.

Phòng gym Hàn Quốc bắt đầu mở cửa trở lại sau khi chính phủ Hàn Quốc nới lỏng quy định chống dịch vào hồi tháng 7. Ảnh: iwonhoyou.


Một số studio nổi tiếng đến mức đã được đặt kín trong 6 tháng tới. Cuối cùng, Yoo cũng tìm được một nơi phù hợp, trống lịch sau 4 tháng.

Kể từ đó, mỗi ngày, cô đều tập luyện 2 tiếng, duy trì chế độ ăn kiêng chủ yếu là ức gà, protein và salad.

"Điều tồi tệ nhất là tôi bị căng thẳng trong công việc và chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng khiến tôi cảm thấy thực sự uể oải", Yoo nói.

Cô gái 28 tuổi tự nhận là kiểu người giải tỏa căng thẳng bằng cách ăn uống. "Nhưng vì không thể làm điều đó nữa, tôi đã rất áp lực và bắt đầu hiểu tại sao mọi người xem các clip phát sóng cảnh ăn uống 'mukbang'".

Yoo cho biết nguồn hỗ trợ tinh thần lớn nhất là huấn luyện viên cá nhân, người không chỉ hướng dẫn cô ăn gì và tập luyện như thế nào mà còn thường xuyên đến gặp để theo dõi tâm trạng, thể chất của cô.

Một điều khác giúp Yoo đi đúng hướng là việc cô đã đầu tư khoản tiền khá lớn.

Buổi chụp hình, bao gồm cả trang điểm và làm tóc, trị giá 650.000 won (560 USD), được trả trước. Các lớp huấn luyện cá nhân có giá 2 triệu won (1.700 USD) cho 40 buổi tập. Nhuộm da trong thời gian 2 tháng tốn khoảng 500.000 won (430 USD).

Trang phục có giá 100.000-150.000 won (85-130 USD) và chế độ ăn kiêng đặc biệt cũng tiêu tốn một khoản đáng kể.

Nghiện khoe thân


Theo nền tảng phân tích dữ liệu Black Kiwi, lượng tìm kiếm từ khóa “body profile” ở Hàn Quốc đã vượt qua con số 500.000 trong một năm qua. Trên Instagram, có hơn 2,3 triệu bài đăng gắn hashtag liên quan.

Kwak Keum-joo, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết hồ sơ cơ thể là một xu hướng tích cực nếu được thực hiện có chừng mực.

“Người trẻ đang chịu rất nhiều căng thẳng vì khó kiếm được việc làm và đại dịch đã lấy đi cơ hội gặp gỡ của mọi người. Nhưng bằng việc dành thời gian để hoàn thiện bản thân và chia sẻ kinh nghiệm của mình trên mạng xã hội, họ đã tìm ra cách để đối thoại và tạo ra không gian giao tiếp mới”.

Tuy nhiên, giáo sư Kwak cảnh báo không nên để ham muốn "khoe thân" trở thành nỗi ám ảnh, vì cho rằng nó có thể dẫn đến chứng nghiện mạng xã hội.

Kim Min-ji, bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Soonchunhyang, cũng cảnh báo những nguy cơ sức khỏe của việc giảm cân và xây dựng cơ bắp trong một thời gian ngắn. Bác sĩ Kim nói rằng mọi người nên dành ít nhất 6 tháng để tập luyện và chuẩn bị cho cơ thể.

“Nhiều người dễ bị tăng cân trở lại nếu giảm cấp tốc trong 1-2 tháng và có thể bị rối loạn ăn uống vì không thực hiện một chế độ dinh dưỡng cân bằng”.

                                           Những bức ảnh hồ sơ cơ thể phổ biến trên mạng xã hội Hàn Quốc. Ảnh: Marshell.


Ăn ít thức ăn và giảm cân đột ngột đôi khi dẫn đến kinh nguyệt không đều ở phụ nữ và đặc biệt có hại cho những người mắc bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao, bà Kim nói thêm.

Nhiều người cho biết thời điểm buổi chụp hình kết thúc, họ ngay lập tức bắt đầu lao vào ăn uống mất kiểm soát, đặc biệt là những thực phẩm bị cấm ăn trong nhiều tháng luyện tập.

Sau 2 tháng theo đuổi mục tiêu chụp body profile, vlogger Somzzi, người có 8,2 triệu follower, đã đăng video “Tôi hối hận vì đã chụp hồ sơ cơ thể”.

“Nếu tôi biết trước hậu quả, có lẽ tôi đã không chụp chúng. Sau khi chụp xong, tôi ăn liên tục trong 12 giờ tiếp theo. Tôi ăn bánh mì, bánh ngọt, súp với huyết bò, pizza, gà, bánh gạo cay, uống rượu… Tôi nghĩ rằng mình sẽ được giải phóng khỏi việc ăn kiêng, nhưng thực tế là tôi đã bị mắc kẹt. Bây giờ tôi còn nặng hơn so với trước khi bắt đầu ăn kiêng”.

Ca sĩ Kim Jong-kook, người điều hành kênh “Gym Jong Kook”, hoàn toàn phản đối việc tập thể dục chỉ để chụp ảnh.

"Mặc dù nó đem đến cảm giác tự thỏa mãn, tôi không hiểu tại sao mọi người lại tập trung vào việc chụp ảnh như vậy. Bạn không thể đặt cược cả cuộc đời mình vào một bức ảnh", Kim nói.

Theo Zing