Khi Dina Asher-Smith (Anh), vận động viên điền kinh, vượt qua vạch đích trong trận bán kết 100 m nữ tại Thế vận hội Tokyo, các bức ảnh chụp bộ móng tay màu xanh dương rực rỡ lúc cô ăn mừng đã tràn ngập trên nhiều phương tiện truyền thông.
Nó không chỉ thể hiện phong cách khác của Asher-Smith mà còn tái hiện tỉ mỉ kiệt tác “The Great Wave off Kanagawa” của họa sĩ Katsushika Hokusai.
Emily Gilmour, nghệ sĩ làm ra bộ móng, cho biết vận động viên người Anh đã nhiệt tình tham gia vào quá trình thiết kế. Tác phẩm này mang ý nghĩa chúc mừng nước chủ nhà đăng cai Olympic 2020 và kết hợp với văn hóa Nhật Bản, theo CNN.
Dina Asher-Smith khoe bộ móng của mình tại Olympic Tokyo.
Ý nghĩa của những bộ móng
Tại mỗi kỳ Thế vận hội, các vận động viên chuyên nghiệp được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là người phát ngôn cho quốc gia trên đấu trường thế giới.
Sự giám sát của công chúng không chỉ về mặt năng lực thể thao mà còn bao gồm cách thể hiện trên mạng xã hội và ngoại hình của tuyển thủ. Trong đó có cả nghệ thuật vẽ móng.
Những năm gần đây, việc làm móng ở Olympic đã trở thành một cuộc cạnh tranh. Thậm chí, với một số người, đây còn là hình thức “ngoại giao mềm” giống như cách Asher-Smith tôn vinh nước chủ nhà hay thể hiện lòng yêu nước.
Gilmour tin rằng việc có một bộ móng táo bạo đã trở nên phổ biến với các vận động viên vì chúng bắt mắt và là cách để thể hiện bản thân bên cạnh đồng phục quốc gia.
Bộ nail của Dina Asher-Smith được thiết kế khá cầu kỳ, tinh xảo.
Trong khi những mẫu móng sặc sỡ thể hiện sự vui tươi hay tinh thần yêu nước, vận động viên nhảy cao người Thụy Điển Emma Green Tregaro đã sử dụng chúng cho mục đích chính trị tại Giải vô địch điền kinh thế giới 2013 ở Moscow, Nga.
Cô trang trí móng tay hình cầu vòng để phản đối lệnh cấm của xứ sở bạch dương đối với khái niệm “tuyên truyền” đồng tính. Sau khi được thông báo đã vi phạm quy tắc ứng xử của sự kiện, cô phải sơn lại màu đỏ.
Làm móng ngày càng trở nên được ưa chuộng tại Thế vận hội. Một số ban tổ chức đã sắp xếp các tiệm nail tại làng Olympic, nơi ở của vận động viên trong suốt sự kiện.
Tại Olympic Tokyo, một tiệm nail vẫn được mở ra để phục vụ người thi đấu bất chấp những hạn chế về dịch Covid-19. Kelsey Robinson - VĐV bóng chuyền người Mỹ - đã chia sẻ các chuyến tham quan đến nơi này trên TikTok.
Chia sẻ với CNN, Robinson cho biết các tiệm làm móng ở làng Olympic rất nổi tiếng. “Đôi khi khó có thể đặt chỗ trước trong ngày", nữ VĐV nói.
Xu hướng mới tại Olympic
Truyền thống làm móng được cho là bắt đầu khi Florence 'Flo-Jo' Griffith Joyner, VĐV chạy nước rút của đội tuyển Mỹ, đã mang kinh nghiệm dày dặn về nail đến với đường đua thế giới.
Màn trình diễn huyền thoại của cô tại Thế vận hội Seoul 1988 đã gây ấn tượng với người hâm mộ cùng với bộ móng được đính pha lê các màu đỏ, trắng, xanh và vàng. Đây là sự kết hợp giữa 3 huy chương mà cô giành được trong năm đó.
Năm 2012, hơn một thập kỷ sau khi Joyner mất, chồng cô xúc động nói: “Mỗi khi nhìn thấy hình ảnh một phụ nữ chạy 100 m hay 200 m với khuôn mặt trang điểm và làm móng, đó là Florence. Cô ấy đã làm điều đó với phong cách khác”.
Kể từ đó, nghệ thuật vẽ móng tay đã trở nên phổ biến hơn trong giới vận động viên thể thao. Đó là một cách để họ thể hiện bản thân ngoài màn trình diễn trên sân thi đấu.
Bộ móng của VĐV Clemilda Fernandes Silva (Brazil) tại Olympic Rio 2016.
Theo Camille Cheng, thành viên đội tuyển bơi lội Hong Kong, những bộ nail cũng là cách để làm nổi bật trang phục.
"Với tư cách là những vận động viên bơi lội, chúng tôi phải thi đấu khi đội mũ kín, đeo kính bảo hộ và mặc quần áo đúng tiêu chuẩn. Tôi cảm thấy việc làm móng tăng thêm một chút tính cách của bản thân”, Cheng chia sẻ.
Bộ móng gel mềm được vẽ bằng tay của Cheng có các vòng tròn Olympic, cờ Nhật Bản và hoa bauhinia xuất hiện trên lá cờ của Hong Kong.
"Đối với Thế vận hội này, tôi muốn có hình ảnh đại diện cho Hong Kong, Nhật Bản, vòng tròn Olympic và những thứ liên quan đến nước hoặc bơi lội. Chúng tôi tự hào được đứng trên sân khấu thể thao lớn nhất hành tinh và muốn thể hiện điều đó thông qua việc làm nail”, Cheng cho hay.
Nhiều tuyển thủ khác cũng tiếp nối tinh thần yêu nước tại Thế vận hội năm nay. Trong đó có tay vợt người Thụy Sĩ Belinda Bencic (sơn màu đỏ, trang trí bằng dấu thập trắng), VĐV trượt ván 13 tuổi đến từ Brazil Rayssa Leal (sơn mỗi móng một màu trên quốc kỳ).
Ngoài ra, VĐV Naomi Osaka đã sơn 2 màu trắng và đỏ tượng trưng cho lá cờ của xứ sở hoa anh đào. Còn VĐV bắn súng người Pháp Melanie Couzy thiết kế bộ móng màu xám với các sọc đỏ, trắng, xanh.
Bùa hộ mệnh
Một số người thi đấu xem việc vẽ móng là để thể hiện mong muốn thành công tại Olympic. Vận động viên taekwondo Jade Jones (Anh) sơn huy chương vàng, nhẫn Olympic lên đầu ngón chân.
Nữ VĐV cử tạ Filipina Hidilyn Diaz đã vẽ hình HCV lên móng khi cô mang vinh quang về cho đoàn thể thao Philippines vào ngày 27/7.
Gilmour và Asher-Smith đang chuẩn bị cho bộ móng thứ 2 với những con sếu Nhật Bản kết hợp với chùa chiền, sóng biển và hoa anh đào. Gilmour nảy ra ý tưởng trên sau khi phát hiện loài chim này là biểu tượng của sự may mắn.
“Tôi tin rằng móng tay có thể là một hình thức may mắn. Đối với tôi, chúng không khác gì một chiếc vòng cổ cầu may hoặc lá bùa hộ mệnh”, Gilmour nói.
Tác phẩm mới của nghệ sĩ vẽ móng Emily Gilmour.
Tuy nhiên, việc đảm bảo các “lá bùa” vẫn nằm nguyên vị trí trên móng không phải là điều đơn giản. Đối với các thiết kế phức tạp như của Asher-Smith, Gilmour đã tạo ra một bộ móng dùng bằng keo dán vì chúng phù hợp với những môn thể thao cường độ cao, cần chịu áp lực.
ManiMe, một công ty chuyên làm móng gel, cũng đã cung cấp các sản phẩm tương tự cho đội chèo thuyền nữ của Mỹ trong quá khứ. Jooyeon Song, người sáng lập ManiMe, nói rằng các vận động viên đang tìm kiếm một giải pháp làm móng có thể chịu được lịch trình huấn luyện khắc nghiệt.
Đối với những người khác, như Cheng, việc làm đẹp móng tay đã trở thành một "nghi thức trước cuộc đua" và là phương pháp tự chăm sóc bản thân trong bối cảnh luyện tập căng thẳng.
"Chúng tôi làm việc chăm chỉ trong suốt mùa giải và đối với tôi, phần thú vị nằm ở giai đoạn bắt đầu cuộc đua. Tôi cảm thấy việc làm móng giống như một cách chiều chuộng, đối xử tốt với bản thân trước những công việc khó khăn”, Cheng nói thêm.
Theo Zing