Kết quả khám nghiệm hiện trường sơ bộ cho thấy nữ nạn nhân khoảng 30-40 tuổi, đã chết hơn 24 tiếng, mặc váy và áo khoác nhưng thiếu giày, không có dấu hiệu bị xâm hại tình dục. Khuôn mặt có nhiều vết trầy xước và thâm tím, miệng dính nhiều vết máu khô và vài chiếc răng bị lung lay. Những dấu hiệu trên cho thấy nạn nhân có thể bị sát hại trên xe, vứt bên lề đường trong đêm tối.
Trên thi thể không có giấy tờ tuỳ thân nhưng trong túi áo khoác lại có 6 viên đường được gói cẩn thận trong tờ giấy trắng nhỏ. Nguyên nhân chính dẫn đến cái chết là hai vết thương do cỡ đạn 9 mm gây ra ở cự ly gần trên bụng và ngực.
Khi bản phác hoạ chân dung của nạn nhân được đăng trên báo vào hôm sau, một phụ nữ nhận ra nạn nhân là bạn cùng phòng với mình - Irma Louise Pradier, 37 tuổi, người gốc Pháp đến định cư tại Mỹ vào năm 1929.
Cảnh sát bắt đầu điều tra bằng việc lấy lời khai của các nhân chứng từng tiếp xúc với nạn nhân trước khi xảy ra án mạng. Bạn chung phòng cho biết Pradier từng tâm sự về việc sẽ xin nghỉ làm hộ lý bệnh viện, rút hết khoản tiền tiết kiệm dành dụm trong thời gian dài với khoảng 350 USD (tương đương 6.500 USD ngày nay) để tới bang California kết hôn. Vị hôn phu được mô tả rất điển trai, là sĩ quan kỵ binh.
Người bạn chung phòng nói lần cuối cùng nhìn thấy Pradier vào khoảng 20h30 ngày 19/7/1937, khi cô ra khỏi nhà trên chiếc xe màu xanh không rõ biển kiểm soát để hẹn hò.
Một số tình tiết khiến điều tra viên nhận định nghi phạm có thể là sĩ quan công tác trong lực lượng kỵ binh như 6 viên đường trong túi áo khoác, vết thương do đạn cỡ 9 mm gây ra, cùng với việc vị hôn phu bí ẩn của Pradier được cho là kỵ binh. Loại súng cỡ nòng 9 mm thường được trang bị trong lực lượng kỵ binh. Những viên đường loại nhỏ cũng thường là phần thưởng cho ngựa.
Rà soát hơn 300 sĩ quan trong lực lượng kỵ binh toàn thành phố, cảnh sát thu hẹp danh sách người khả nghi xuống còn 50 người. Tiếp theo, cảnh sát tra sổ sách của những hãng xe hơi địa phương, từ đó phát hiện một sĩ quan trong danh sách gần đây đã mua chiếc xe màu xanh giống xe đưa đón Pradier vào đêm cô bị sát hại.
Người này tên Arthur Chalmers, 34 tuổi, sống ở quận Queens, thành phố New York, đã lập gia đình và có hai con, công tác trong lực lượng kỵ binh hơn 7 năm.
Chalmers ban đầu phủ nhận mọi cáo buộc về mối quan hệ bất chính với Pradier cũng như hành vi giết người. Chỉ khi đối diện với bằng chứng về lỗ đạn cỡ 9 mm trên ghế trước trong xe riêng, anh ta mới thừa nhận giết người nhưng lại khẳng định là phòng vệ chính đáng.
Chalmers khai mối tình vụng trộm giữa hai người diễn ra cách đây hơn một tháng, khi Pradier đến thăm nơi đóng quân và cho ngựa của hắn ta ăn những viên đường. Mối tình đơn phương của cô gái ban đầu không được đáp lại do Chalmers lấy lý do đã lập gia đình và có hai con. Tuy nhiên, trong những lần gặp sau ở công viên trung tâm, hai người đã vượt quá giới hạn.
Trong buổi hẹn vào chiều tối 19/7/1937, Chalmers được Pradier rủ đi cùng trốn về phía Tây nước Mỹ. Khi Chalmers không đồng ý, mâu thuẫn nổ ra. Theo Chalmers, trong lúc xe đang chạy, Pradier bỗng rút khẩu súng cất trong hộc xe. Trong lúc giằng co, súng cướp cò hai lần khiến Pradier tử vong. Do quá sợ hãi, Chalmers xoá vết tích và bỏ thi thể bên vệ đường.
Kết quả thực nghiệm cho thấy dấu vết tại hiện trường cơ bản trùng khớp với lời khai của hung thủ. Tuy nhiên, Chalmers nhiều khả năng đã gian dối về lý do gây án vì chỉ hai ngày sau khi thi thể được phát hiện, một số nhân chứng đã thấy anh ta có chuyến du lịch kéo dài hơn một tuần với người phụ nữ khác đã có gia đình. Như vậy, có thể Pradier đã phát hiện bộ mặt thật của gã nên dẫn tới mâu thuẫn.
Trong phiên toà diễn ra vào năm 1938, Chalmers bị phạt 20 năm tù. Sau 13 năm, Chalmers được ân xá vào năm 1951, qua đời vào năm 1961 ở tuổi 58.
Theo vnexpress