Tháng 12/2020, Israel bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19, với loại vaccine chủ yếu được sử dụng là của Pfizer/BioNTech.
Theo dữ liệu của Our World in Data, đến ngày 19/5, Israel đã tiêm được khoảng 10,5 triệu liều vaccine Covid-19. 56% dân số nước này đã tiêm đủ hai liều vaccine. Đây là con số cao nhất trong các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tổ chức quy tụ các nước phát triển, có tiềm lực kinh tế bậc nhất thế giới.
Công dụng của vaccine
Giáo sư Eyal Leshem, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu Israel cho rằng nước này đã gần đạt được miễn dịch cộng đồng. Tính đến tháng 4, 68% dân số nước này đã có khả năng miễn dịch, tính cả miễn dịch tự nhiên (ở những người đã từng mắc Covid-19) và miễn dịch nhờ vaccine.
“Số ca nhiễm liên tục giảm dù cuộc sống đã trở lại gần như bình thường”, ông nhận xét. “Điều này cho thấy rằng dù một người có mắc Covid-19, những người đi xung quanh anh ta cũng không bị lây nhiễm”.
Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí y khoa Lancet vào tháng 5 cho thấy hiệu quả của vaccine Pfizer/BioNTech tại Israel.
Theo kết quả nghiên cứu, vaccine Pfizer/BioNTech có hiệu quả 95,3% nếu được tiêm đủ 2 liều. Việc tiêm vaccine cũng giúp giảm 96,7% nguy cơ tử vong, 97% nguy cơ xuất hiện triệu chứng và 91,5% nguy cơ lây nhiễm mà không có triệu chứng.
|
Vaccine của Pfizer/BioNTech đã phát huy hiệu quả đáng kể tại Israel. Ảnh:PRI. |
Nếu chỉ tiêm một liều vaccine, hiệu quả phòng chống lây nhiễm chỉ là 58%. Tuy vậy, trong trường hợp này, người được tiêm cũng ít có nguy cơ phải nhập viện hơn 76% và giảm nguy cơ tử vong 77% so với việc không tiêm vaccine.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm mũi vaccine thứ hai, theo Guardian.
“Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tiêm vaccine cao sẽ giúp đẩy lùi đại dịch và cho thấy hy vọng kiểm soát dịch bệnh, trong bối cảnh các chương trình tiêm chủng vaccine đang được tổ chức trên toàn thế giới”, nhóm nghiên cứu viết.
Một trong những yếu tố tạo nên thành công của Israel là việc sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech. Tuy vậy, điều này cũng bị coi là nguyên nhân khiến thành công của Israel không dễ học hỏi.
“Việc tiêm chủng nhanh chóng cho toàn dân không dễ được thực hiện ở nhiều quốc gia. Hơn nữa, việc sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech bị hạn chế do giá thành cao, vấn đề về nguồn cung và việc vaccine này đòi hỏi lưu trữ ở phòng siêu lạnh”, giáo sư Eyal Leshem bình luận về kết quả của nghiên cứu trên.
Những bài học thu được
Thành công của Israel đã mang tới nhiều bài học cho thế giới.
Đầu tiên, các quốc gia cần đội ngũ nhân viên y tế đủ trình độ để tiêm chủng vaccine với số lượng lớn. Do luôn đứng trước mối đe dọa chiến tranh và xung đột, Israel có mạng lưới nhân viên y tế cộng đồng được đào tạo bài bản.
|
Israel đã xây dựng thành công hệ thống y tế có năng lực phản ứng hiệu quả với các tình huống khẩn cấp. |
Trong khi đó, nhiều quốc gia cần điều các nhân viên y tế đang có nhiệm vụ khác vào đội ngũ tiêm chủng vaccine, trong bối cảnh hệ thống y tế đang quá tải. Thực tế này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tế, bao gồm nhân lực, vật lực và hệ thống y tế dự phòng để đề phòng khủng hoảng.
Thứ hai, các nước cần xác định đối tượng ưu tiên tiêm chủng và có hình thức phân phối vaccine phù hợp. Hầu hết quốc gia ưu tiên tiêm vaccine cho người cao tuổi, nhân viên y tế và những người ở tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên, Israel đi xa hơn một bước. Họ gắn từng đối tượng ưu tiên với một hệ thống phân phối vaccine riêng biệt.
Những người trên 60 tuổi có bệnh lý nền được tiêm chủng bởi các tổ chức y tế phi lợi nhuận. Những người trong viện dưỡng lão được một tổ chức đối phó với thảm họa cấp quốc gia cung cấp dịch vụ tiêm vaccine. Trong khi đó, các bệnh viện phụ trách quá trình tiêm chủng cho nhân viên y tế của chính mình.
Israel đã phát triển hệ thống thông tin hiện đại, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý dân cư. Do đó, từng tổ chức biết rõ nhiệm vụ của mình và không bỏ sót một ai trong chiến dịch tiêm chủng.
Thứ ba, Israel đã gặp phải thách thức khi thuyết phục một số đối tượng nhất định tiêm vaccine, cụ thể là những người Do Thái giáo chính thống cực đoan và người Israel gốc Arab. Đây là những cộng đồng dễ bị ảnh hưởng bởi những luận điệu tuyên truyền chống vaccine. Đây cũng là những người yếu thế bên trong đất nước Israel.
Một số quốc gia cũng gặp phải tình trạng tương tự. Những cộng đồng yếu thế trong xã hội thường có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn và chịu tác động nhiều hơn về kinh tế từ đại dịch. Do đó, tiêm chủng vaccine cho các cộng đồng này là điều cấp bách, vừa nhằm tạo tấm lá chắn trước dịch bệnh, vừa giúp ngăn ngừa nguy cơ gia tăng bất bình đẳng xã hội.
|
Israel đã tốn nhiều công sức để thuyết phục cộng đồng Do Thái giáo chính thống cực đoan chấp nhận tiêm vaccine Covid-19. Ảnh:PRI. |
Thứ tư, chiến dịch tiêm chủng cần đi kèm với khảo sát để đánh giá chất lượng, hiệu quả của vaccine đối với từng nhóm đối tượng. Khảo sát của Israel vào tháng 1/2021 cho thấy 17% số người có triệu chứng nặng do Covid-19 đã tiêm một mũi vaccine. Do đó, giới chức y tế có cơ sở để khuyến cáo người dân tiêm đủ hai mũi để đạt hiệu quả phòng vệ tối ưu.
Cuối cùng, cần phải ghi nhớ rằng vaccine chỉ là một phần của chiến lược tổng thể chống Covid-19. Tiêm chủng cần đi kèm với các biện pháp làm giảm nguy cơ lây nhiễm như truy vết, xét nghiệm, cách ly và giãn cách xã hội.
Cả người dân và các chính trị gia cần tránh xem vaccine như một “liều thuốc thần”, là giải pháp cho mọi vấn đề. Khi không đi kèm với các biện pháp khác, hiệu quả của tiêm chủng sẽ không tương xứng với kỳ vọng.
Theo Zing