Dũng - cậu bạn tôi từ Hà Nội trở về TPHCM, kết thúc 3 năm làm việc xa nhà. Hành lý mang về của cậu ấy gồm 150kg. Dũng nói, may mà những chuyến về trước bạn đã mang gần hết sách về rồi.

Tôi tò mò hỏi xem trong những chiếc thùng giấy được đóng rất cẩn thận ấy gồm những gì? Dũng cởi mở chia sẻ, bạn có đam mê đặc biệt với những vật dụng màu sắc. Vì vậy mà những loại bạn thích, bạn phải sắm cho đủ màu mới thỏa mãn. Nếu không, cảm giác cứ thấy thiếu thiếu.

Rồi bạn kể chi tiết hơn về những món đồ đóng gói trong thùng giấy để mang về, nào giày thể thao, dép đi ở nhà, ba lô, quần áo, mũ… Tôi hình dung thử xem bạn tốn bao nhiêu tháng lương để sắm sửa bằng ấy thứ đồ, rồi chẳng mấy khi dùng đến.

Bạn lập luận rằng, có người thích thư giãn với thiên nhiên, hoa lá cỏ, thú cưng, thì bạn chọn đồ vật. Không được sao? Đồ vật cũng có nguồn năng lượng mà! Vậy nên mỗi khi cảm giác ngập tràn trong những món đồ, bạn mới thấy đủ đầy và an tâm.

Bạn nói không sai. Mọi thứ đều có nguồn năng lượng. Chỉ một ly cà phê thôi, đến với người thưởng thức là đã đi qua rất nhiều công đoạn của biết bao người. Vì vậy mà mọi vật dụng đều có sự liên kết bởi nhiều nguồn năng lượng. Hơn nữa, mọi vật dụng đều mang đến sự tiện nghi cho cuộc sống của mình.

Nhưng cuộc sống chẳng thể lúc nào mình mang vác theo mọi thứ như vậy được. Tôi còn nhớ trong mùa dịch. Trước thời khắc “ai ở đâu ở yên đấy”, một người bạn đến nhà tôi ở. Bạn chỉ mang theo chiếc túi nhẹ tênh, trong ấy có vài bộ đồ và ít quyển sách. Cứ tưởng ở một hai tuần thôi, ai ngờ dịch kéo dài vài tháng, và bạn vẫn sống tốt chỉ với túi đồ nhẹ tênh như vậy.

leftcenterrightdel
 Loại bỏ bớt những thứ không dùng tới cho căn nhà thoáng đãng (ảnh minh họa)

Sau chuyến đó, trở về nhà, bạn loại bỏ hết những thứ không dùng tới. Có những thứ rất chiếm diện tích trong nhà, nhưng cả năm chẳng dùng một lần. Chưa kể những món đã hết hạn sử dụng. Có để lại cũng chẳng dùng được nữa. Sau khi loại bỏ hơn phân nửa số đồ dùng trong nhà, bạn thở phào nhẹ nhõm.  

Căn nhà khi ấy trở nên rộng thênh thang. Những ô cửa sổ thông thoáng nên gió đã lùa được vào nhà. Mỗi sáng, ánh nắng ban mai chan hòa khắp căn phòng. Trên chiếc bàn nhỏ ở phòng khách, bạn đặt một bình hoa tươi. Cả căn phòng như được thổi vào luồng gió mới, trở nên sinh động hơn. Nhờ đó mà tâm trạng mỗi thành viên trong nhà cũng tốt lên.

Bạn kể, trước đây bạn cũng thuộc típ người cầu kỳ. Mỗi lần sang nhà tôi chơi, dù chỉ cách vài kilomet nhưng trong chiếc túi bạn xách theo cũng phải có đủ các vật dụng đáp ứng nhu cầu của bạn, để khi cần dùng đến là ngay lập tức có ngay. Một lần, ra quán cà phê mà quên dây nghe điện thoại ở nhà, bạn nhấp nhổm mãi không yên. Người đi cùng hỏi bạn dùng dây nghe làm gì? Bạn bảo, lỡ người thân bạn gọi video, không có dây nghe lại làm ồn quán. Nhưng ngồi suốt buổi, điện thoại bạn chẳng có bất cứ cuộc gọi đến nào.

Sau khi trải nghiệm lối sống đơn giản trong mùa dịch, bạn mới nhận ra cuộc sống không cần nhiều đồ đạc như mình nghĩ. Nhưng để làm được bài toán loại trừ ấy, không phải ai cũng dễ dàng làm được.

Khó, nhưng không phải là không làm được. Ra đường, nhìn những người tha phương vất vả kiếm sống từng bữa để nhận ra hạnh phúc không hẳn liên quan đến vật chất. Chỉ cần còn mạnh khỏe, có công việc làm mỗi ngày, là trên môi họ đã có thể nở nụ cười rạng rỡ…

Và lối sống đơn giản cũng là một trong những cánh cửa mở ra con đường đi đến hạnh phúc. Tại sao trẻ em luôn vui vẻ với những điều bé nhỏ, còn người lớn thì không? Bởi vì trẻ em sống đơn giản, dễ vui, dễ cười, giận hờn cũng nhanh quên, và chẳng nặng lòng mang vác thêm bất cứ gánh nặng nào cho mình.

Dịp cuối năm này, không chỉ dọn dẹp nhà cửa, bỏ bớt những món đồ cả năm không dùng đến mà vẫn chất chứa trong nhà, tôi còn ngồi lại để dọn dẹp lòng mình, xem những điều cần buông bỏ, đã bỏ được chưa? Và cuộc sống đã thực sự nhẹ nhàng như mình hướng tới chưa?

Xong việc dọn dẹp, lòng mình mới thênh thang rộng mở để đón chào những điều tốt đẹp.

Theo phụ nữ TPHCM