Vào buổi sáng, khi mặt trời dần len lỏi qua các tòa nhà chung cư cũ, những rào chắn bằng sắt đã được dựng sẵn dọc theo chiều dài của quảng trường Suvorov. Trên quảng trường nằm ở trung tâm thành phố Tiraspol, nhiều gia đình đã tụ tập đông đủ, mặc quần áo truyền thống. Họ phấn khích, rạng rỡ khiến không ít du khách lần đầu ghé thăm nghĩ rằng nơi đây sắp diễn ra đám cưới hoàng gia.

Người dân mặc trang phục truyền thống trong những ngày lễ trọng đại. Văn hóa của Transnistria ảnh hưởng nhiều từ văn hóa Nga. Ảnh: BBC.

Người dân mặc trang phục truyền thống trong những ngày lễ trọng đại. Văn hóa của Transnistria ảnh hưởng nhiều từ văn hóa Nga. Ảnh:Sarah Reid/BBC.

Trên thực tế, mọi người đang hân hoan và sẵn sàng cho ngày Quốc khánh của họ. Tại Transnistria, ngày lễ 2/9 này được coi là điểm nhấn trong năm, với những màn diễu hành của quân đội và biểu diễn ca nhạc. Bài hát thường được phát là Eye of the Tiger, tác phẩm nổi tiếng của ban nhạc rock người Mỹ Survivor.

Sau đó, đội diễu hành khỏi quảng trường và đi vào đại lộ 25/10 (đại lộ chính ở Tiraspol) rồi tràn vào một công viên, đi qua con đường ven sông Dniester. Nơi đây được coi là biên giới giữa Transnistria với Moldova, cũng là võ đài thi đấu quyền Anh. Các gia đình xếp hàng đợi lấy những đĩa thịt lợn nướng nóng hổi. Hai bên đường đi là những quầy hàng rong bày bán đồ trang trí, bánh mì thủ công... Trẻ con đùa nghịch trên phố hoặc xếp hàng để đợi đến lượt chụp ảnh tay cầm kiếm shashka.

Tuy nhiên, có một điều thú vị rằng, Transnistria là quốc gia "tự phong", với tên gọi chính thức Cộng hòa Pridnestrovian Moldavian; ly khai khỏi Moldova, tự tuyên bố độc lập vào năm đầu những năm 1990 nhưng không được Liên Hợp Quốc công nhận. Dù vậy, Transnistria vẫn hoạt động như một "quốc gia" với chính phủ, quân đội, hiến pháp, tiền tệ và hộ chiếu riêng. Vera Galchenko, một người dân chia sẻ: "Chúng tôi buồn vì sự độc lập của chúng tôi không được công nhận chính thức. Nhưng chúng tôi luôn cảm thấy độc lập".

Lính Nga cũng tham gia diễu hành trong ngày quốc khánh của Transnistria. Ảnh: BBC.

Lính Nga cũng tham gia diễu hành trong ngày Quốc khánhcủa Transnistria. Ảnh:BBC.

Tuy có hộ chiếu riêng, tấm hộ chiếu này không có tác dụng khi muốn nhập cảnh vào các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới, ngoại trừ Abkhazia, Nagorno-Karabakh và Nam Ossetia. Tuy nhiên, cả ba nơi này đều là những vùng lãnh thổ đang tranh chấp và cũng không được công nhận giống Transnistria.

Dù vậy, công dân nơi đây cũng không hoàn toàn bị mắc kẹt tại nơi này. Họ có thể thoải mái ra bên ngoài thế giới vì hầu hết người dân đều có ít nhất 2-3 quốc tịch. Ngoài quốc tịch Transnistria, họ còn là công dân của Moldova, Nga hoặc Ukraine. 

Transnistria là nơi dành cho du khách yêu thích sự yên tĩnh, vì có những ngôi làng tĩnh lặng đến mức ru ngủ, các nhà máy bị bỏ hoang và những vườn nho rộng ngút mắt.

Từ khi Transnistria tuyên bố độc lập cách đây 30 năm, dân số Tiraspol giảm ít nhất một phần ba. Phần lớn người dân đều đi tìm việc ở Nga và tiền lương ở đây thậm chí còn thấp hơn Moldova, dù Moldova bị xếp vào danh sách những quốc gia nghèo nhất châu Âu.

Tuy nhiên, khi khám phá khu vực này, du khách lại nhận ra một điều dường như đối lập: nhiều người hài lòng với cuộc sống của họ. Sarah Reid, nhà báo của BBC, nói rằng khi đi dạo quanh thành phố bán hoang mạc và khá cũ kỹ này, cô cảm thấy rất an toàn. Cô thường có xu hướng tránh nơi tụ tập đám đông. Nhưng tại đây, cô lại háo hức đứng xem người dân tổ chức các hoạt động của ngày Quốc khánh. Điều duy nhất đọng lại trong ấn tượng của cô là không khí thân thiện, ấm cúng như trong một gia đình.

Pháo đài có từ thế kỷ 16, bên trong là một bảo tàng nhỏ và có thể nhìn sông Dniester là một trong những điểm du lịch hút khách ở đây. Ảnh: BBC.

Pháo đài có từ thế kỷ 16, bên trong có một bảo tàng nhỏ,có thể nhìn sông Dniester là một trong những điểm du lịch hút khách ở đây. Ảnh:BBC.

Nikol Smolenskiy, người sáng lập công ty du lịch Transnistria Tour, chia sẻ: "Chúng tôi có khí hậu, sản vật địa phương tốt như trái cây, rau củ và cả sự giúp đỡ từ nước ngoài". Công ty của Smolenskiy cũng là công ty du lịch đầu tiên ở Tiraspol, bắt đầu dẫn khách quốc tế từ năm 2011. Và từ "nước ngoài" mà ông muốn nói đến là Nga. Chính phủ Nga đã hỗ trợ xây dựng bệnh viện, trường học, cung cấp năng lương và trợ cấp cho người già tại Transnistria. Cờ Nga thường tung bay cùng cờ riêng của vùng đất này và binh lính Nga cũng thường tham gia diễu hành vào ngày Quốc khánh của Transnistria.

Mỗi năm, ước tính khoảng 20.000 du khách đến Transnistria. Phần lớn họ đều mua tour một ngày và di chuyển từ Moldova. Cuộc sống về đêm không diễn ra ồn ào, dù đó có là ngày Quốc khánh. Sau 21h, Sarah Reid ngạc nhiên khi bước ra từ một nhà hàng địa phương. Thành phố lúc đó đã vắng lặng, sự đông đúc buổi sáng được nhường chỗ cho những chiếc xe bus cũ, chạy ầm ầm dọc theo những con đường bê tông.

Transnistria là một dải đất hẹp nằm giữa sông Dniester và biên giới Ukraine, ly khai khỏi Moldova sau cuộc chiến ngắn năm 1992. Chính phủ tự phong của khu vực này vẫn đang trong tình trạng căng thẳng chính trị với Moldova. Trong cuộc trưng cầu dân ý về độc lập vào tháng 9/2006, người dân thống nhất bỏ phiếu yêu cầu được độc lập và ủng hộ trở thành liên minh với Nga. Dù vậy, cuộc trưng cầu này không được Moldova hay cộng đồng quốc tế công nhận. Ngôn ngữ chính là tiếng Nga, Moldova và Ukraine.

Tiraspol là thành phố lớn thứ hai ở Moldova và được coi là thủ đô của Transnistria. Cách dễ dàng nhất để tới Tiraspol là du khách xuất phát từ thủ đô Chisinau của Moldova. Hai thành phố cách nhau gần 80 km và có nhiều xe ôtô đi lại giữa hai nơi này, mất khoảng 2 tiếng. 

Thời điểm tốt nhất để du lịch là mùa xuân và thu, mùa hè thời tiết nóng nực và mùa đông lạnh lẽo. Công dân châu Âu và Mỹ có thể tới Transnistria mà không cần xin visa. Du khách từ Việt Nam phải xin thị thực vào Moldova. Hầu hết trường hợp có thị thực Moldova đều được xét duyệt để tới Transnistria dễ dàng.  


Theo vnexpress