"Tôi hy vọng các chuyên gia sẽ thu thập được các bằng chứng để tạo nên một bức tranh chính xác về điều gì đã xảy ra, về thời điểm và nguyên nhân gây nên Covid-19", Clark trả lời câu hỏi của VnExpress về trông đợi của bà, với tư cách là đồng chủ tịch Ủy ban điều tra Covid-19.

Clark, từng là thủ tướng New Zealand trong giai đoạn 1999 đến 2008, cùng với Ellen Johnson Sirleaf, cựu tổng thống Liberia, là hai người dẫn dắt Ủy ban điều tra độc lập về cách thế giới ứng phó đại dịch. Đây là ủy ban do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lập ra, có 13 thành viên, bắt đầu hoạt động từ ngày 17/9. Báo cáo điều tra dự kiến được công bố vào tháng 5 năm sau. Có 11 thành viên được chọn thêm, trong đó có chuyên gia dịch tễ hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn, cựu đại sứ Mỹ Mark Dybul, cựu bộ trưởng Y tế Ấn Độ Preeti Sudan.

                     Cựu thủ tướng New Zealand Clark. Ảnh:Tedxauckland.

Để có được kết quả nói trên, cựu thủ tướng New Zealand cho rằng Ủy ban điều tra cần thiết lập được bộ câu hỏi chi tiết, trong đó gồm những câu hỏi khó.

"Tôi muốn làm rõ lý do một số nước có phản ứng mạnh mẽ trước Covid-19, giúp bảo vệ mạng sống người dân, trong khi một số quốc gia lại có những quyết sách dẫn tới hệ quả tồi, khiến ca nhiễm và ca tử vong gia tăng", bà nói.

Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào cuối 2019. Dịch nhanh chóng lan ra toàn cầu khiến hơn 35 triệu người đã nhiễm và hơn một triệu người chết. WHO cảnh báo số liệu thống kê có thể thấp hơn thực tế. Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận hơn 7, triệu ca nhiễm và hơn 200.000 ca tử vong.

Đồng chủ tịch Ủy ban điều tra Covid-19 cho biết theo lộ trình cơ quan này sẽ họp 6 tuần một lần để xem xét các chứng cứ và nêu thêm câu hỏi. Giữa các cuộc họp, các bên liên quan sẽ chia sẻ ý kiến, gồm đại diện chính phủ, chuyên gia y tế, các nhà kinh tế, chuyên gia về tác động xã hội, khu vực tư nhân, những người chịu ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn của đại dịch.

Về phương pháp, Ủy ban sẽ có cách tiếp cận đa chiều gồm nghiên cứu từ các dữ liệu có sẵn, tổng quan lý thuyết, xem xét tài liệu nội bộ, nghe ý kiến chuyên gia, ủy thác tài liệu, biên soạn các trường hợp điển hình, phỏng vấn sâu, tổ chức điều trần mở và tham vấn, gồm cả khảo sát qua web. Ủy ban sẽ sớm quyết định về cách thu thập thông tin cho mỗi chủ đề.

Khi có các dữ liệu cần thiết, Ủy ban sẽ báo cáo thường kỳ theo lịch trình: cập nhật thông tin cho Ban điều hành WHO vào ngày 5/10 và 6/10; báo cáo về tiến triển cho Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 73 từ 9/11 đến 14/11. Báo cáo tiến độ thứ hai sẽ được gửi đến Ban điều hành WHO từ ngày 18/1 đến 26/1/2021, báo cáo lên Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 74 từ ngày 24/5 đến 1/6/2021.

Theo Clark, trọng tâm của Ủy ban điều tra Covid-19 là thiết lập chứng cứ, dữ liệu, tạo nên cơ sở đưa ra các khuyến nghị, giúp các nước sửa sai trong đại dịch này. Ủy ban cũng sẽ đưa ra gợi ý để bảo vệ tốt hơn sức khỏe con người, bảo đảm các điều kiện kinh tế xã hội khi thế giới đối diện với đại dịch tiếp theo.

Nói cách khác, cuộc điều tra xem xét các cảnh báo và phản ứng của các quốc gia cũng như toàn cầu khi Covid-19 xuất hiện, đánh giá những gì đã làm tốt và chưa tốt. Từ đó Ủy ban sẽ giúp chính phủ các nước và hệ thống toàn cầu cải thiện phản ứng với Covid-19.

"Hoạt động này không nhằm vào việc 'đổ lỗi' cho bất cứ cá nhân hay tổ chức nào, mà tập trung vào thiết lập các dữ liệu thực tế, rút ra bài học và đưa ra các khuyến nghị", Clark lưu ý.

Theo vnexpress