Alex Han, chàng trai tới từ phía đông bắc Trung Quốc, không bao giờ nghĩ mình sẽ bị rụng tóc ở tuổi 20.
Trước đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra hầu hết đàn ông da trắng sẽ đối mặt với chứng hói đầu, với khoảng 50% sẽ rụng tóc ở tuổi trung niên. Trong khi đó, tỷ lệ hói đầu ở đàn ông châu Á thuộc diện thấp nhất thế giới.
Báo cáo năm 2010 từ 6 thành phố ở Trung Quốc cho thấy dưới 3% nam giới 18-29 tuổi và hơn 13% người trên 30 tuổi mắc chứng rụng tóc nghiêm trọng. Còn ở Hàn Quốc, chỉ 14,1% nam giới bị ảnh hưởng bởi tình trạng này.
|
Nam giới phương Tây vốn có tỷ lệ rụng tóc cao và sớm hơn đàn ông châu Á. Ảnh:Freepik. |
Tuy nhiên, Han, hiện 34 tuổi, phát hiện ra rằng di truyền không phải là tất cả. Các yếu tố như căng thẳng, chế độ ăn uống kém, thiếu ngủ và hút thuốc thường xuyên đều góp phần khiến tóc rụng nhanh hơn.
"Thời điểm chuẩn bị cho kỳ thi đầu vào thạc sĩ, tôi gặp rất nhiều áp lực, không ngày nào được ngủ ngon giấc nhưng vấn đề tóc tai không quá đáng ngại. Song, sau khi chuyển tới Đức học thạc sĩ, tôi nhận ra mình và nhiều sinh viên châu Á ở đây cùng có chung tình trạng trên", Alex Han nói với CNN.
Thực tế, đây là vấn đề phổ biến ở không ít người châu Á, nhất là nam giới, ở độ tuổi của Han.
Khảo sát do Hiệp hội Giáo dục và Nâng cao Sức khỏe Trung Quốc trên 50.000 công dân cho thấy những người ngoài 30 tuổi ở xứ tỷ dân đang có tốc độ rụng tóc nhanh nhất.
Một nghiên cứu khác do ĐH Thanh Hoa (Bắc Kinh) thực hiện cũng cho thấy 60% sinh viên trải qua tình trạng rụng tóc ở các mức độ khác nhau. Thậm chí, đài truyền hình quốc gia CGTN còn mô tả hiện tượng này là "đại dịch rụng tóc" ở giới trẻ.
Do nhu cầu tăng cao, ngành công nghiệp cấy tóc ở xứ tỷ dân chạm mốc 20,8 tỷ yuan (2,9 tỷ USD) vào năm 2020, theo công ty dữ liệu Statistica.
Định kiến ngoại hình
"Đối với tôi, kiểu tóc là đặc điểm lưu lại ấn tượng đầu tiên của cánh mày râu", Alex Han khẳng định tầm quan trọng của mái tóc với CNN.
Thực tế, đây là quan điểm chung của phần lớn đàn ông trên khắp thế giới. Họ coi mái tóc như tiêu chuẩn đánh giá ngoại hình, có ảnh hưởng lớn tới sự tự tin, triển vọng nghề nghiệp và con đường tình duyên.
Đặc biệt, tại những quốc gia coi trọng vẻ ngoài như Trung Quốc hay Hàn Quốc, việc sở hữu một mái tóc dày, khỏe thường đem lại lợi thế lớn trong các mối quan hệ xã hội.
|
Tại Trung Quốc và Hàn Quốc, mái tóc dày, khỏe được coi là tiêu chuẩn ngoại hình với nam giới. |
Năm 2018, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc đã kêu gọi các nhà tuyển dụng ngừng phân biệt đối xử với đàn ông không có hoặc thưa tóc sau khi một công ty bị cáo buộc đối xử bất công với ứng viên hói đầu trong buổi phỏng vấn.
David Ko (37 tuổi), phóng viên người Hàn Quốc, cho rằng sự thiếu vắng những người có mái tóc mỏng khiến hình ảnh mái đầu hói trở thành "đại kỵ" của người trẻ xứ kim chi.
"Nếu có nhiều ngoại lệ hơn, tôi nghĩ mọi người sẽ thêm tự tin dù tình trạng tóc họ có ra sao", Ko nhấn mạnh.
Saul Trejo, doanh nhân người Mỹ gốc Hoa, từng sống ở nhiều thành phố khác nhau khắp châu Á từ năm 2011. Anh bắt đầu rụng tóc khi học tập ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
|
Việc cấy tóc đã giúp cuộc sống của doanh nhân Saul Trejor hoàn toàn thay đổi. Ảnh:Saul Trejor. |
Trả lời CNN, người đàn ông 30 này thừa nhận tỷ lệ nam giới hói đầu ở Bắc Kinh thấp hơn rất nhiều so với Mỹ. "Điều đó khiến tôi trở nên khác lạ với mọi người. Dù có lúc bận lòng, tôi cố gắng không để nó ảnh hưởng tới cuộc sống của mình".
Năm 2018, Trejo thực hiện thủ thuật cấy tóc ở Bangkok, Thái Lan. Gần một năm sau, nam doanh nhân cho biết mái tóc mới đã "thay đổi cuộc đời, cải thiện đáng kể đời sống tình cảm" của anh.
Thay đổi quan niệm
Để giải quyết vấn đề rụng tóc trầm trọng, nhiều nam giới châu Á đã tìm đến thủ thuật cấy tóc giống.
Tuy nhiên, phương pháp này không hề rẻ. Theo CNN, một buổi điều trị trong 8-10 tiếng có thể tiêu tốn 9.000 USD.
Do đó, không ít người quyết định thực hiện cách thức nhanh chóng, tiết kiệm hơn - cạo đầu.
|
Xu hướng thời trang đường phố lên ngôi cũng giúp quan niệm đối với nam giới cạo đầu thay đổi theo hướng tích cực. Ảnh:Pinterest. |
Song, ở châu Á, việc thanh thiếu niên cắt bỏ mái tóc đen, dày của mình được coi là biểu hiện cho sự nổi loạn, ăn chơi sa đọa.
"Ngày xưa, nếu một chàng trai trẻ quyết định cạo trọc đầu, người lớn sẽ lên tiếng chỉ trích, buộc tội họ là nổi loạn, phản xã hội hoặc có ý định tham gia các tổ chức bạo lực", phóng viên Ko lý giải.
Anh khẳng định rằng giờ đây, định kiến với nam giới cạo đầu đã giảm bớt nhiều, song mọi người vẫn có xu hướng e dè khi trông thấy một người đàn ông với mái đầu "sáng bóng".
Eric But, nhân viên tại công ty người mẫu Synergy Model Management chi nhánh Hong Kong và Quảng Châu (Trung Quốc), nói rằng khách hàng vẫn có xu hướng tuyển chọn người mẫu "có mái tóc dài và dày như diễn viên phim Hàn".
Dù vậy, vài năm gần đây, Eric nhận thấy những người mẫu nam có ngoại hình cá tính, đầu trọc có xu hướng được ưa chuộng ở châu Á nhờ sự phổ biến của phong cách thời trang đường phố, bụi bặm.
"Thế hệ cha mẹ chúng tôi nghĩ rằng nam giới đầu trọc đều là xã hội đen. Nhưng với thế hệ Millenial hay Gen Z, việc cắt tóc thật ngắn hoặc cạo trọc là xu hướng thời trang thịnh hành", anh chia sẻ.
Theo Zing