Ngày 21 và 23/12, 153 khách du lịch Việt Nam đi theo bốn đoàn nhập cảnh Đài Loan. Hai ngày sau, Cục Di dân Đài Loan thông báo truy tìm 152 khách Việt biến mất, nhiều khả năng đã bỏ trốn, trở thành lao động nhập cảnh trái phép.
Một số người trong 152 khách đã bị tạm giữ điều tra.
Điều 29 Bộ luật Xuất nhập cảnh và người nhập cư, quy định người nước ngoài trong thời gian lưu trú ở Đài Loan không được thực hiện hoặc có liên quan tới những công việc hoặc hoạt động không đúng với lý do khai trong đơn xin lưu trú. Nếu vi phạm, người đó sẽ bị cưỡng chế trục xuất, theo điều 36.
Dù không quy định về hình phạt tiền với người gian dối khi xin nhập cảnh, người ở lại quá hạn visa sẽ bị phạt 2.000-10.000 tân đài tệ, theo khoản 4, điều 85.
Bên cạnh việc hủy visa, những người này cũng sẽ không được Cục quản lý xuất nhập cảnh và người nhập cư Đài Loan cấp lại thị thực trong tương lai, theo khoản 5, điều 18, vì đã có hành vi che giấu lý do xin nhập cảnh thật sự trong quá khứ.
Bộ luật dành nguyên chương 7 để nói về trường hợp có dấu hiệu buôn bán người xuyên biên giới. Điều 42, chương 7 nếu du khách là nạn nhân của đường dây mua bán người, nhà chức trách cần hỗ trợ về thể chất, tâm lý, cần sắp xếp chỗ ở thích hợp, giúp đỡ về ngôn ngữ và tư vấn pháp lý, bảo vệ an toàn cá nhân, và cung cấp sự hỗ trợ trên các phương diện khác.
Nếu người bị hại là trẻ em hoặc thiếu niên, cần phân công cán bộ công tác xã hội quan tâm chăm sóc, đồng thời cần lấy ý kiến cán bộ trong quá trình tìm hiểu, điều tra, xét xử vụ việc.
Điều 43 của Bộ luật quy định nạn nhân nào đứng ra làm nhân chứng, kể lại những điều mình biết về hành vi phạm tội, tiến hành đối chất hợp pháp tại tòa án, qua đó hỗ trợ quá trình giải quyết vụ việc sẽ được áp dụng các biện pháp bảo vệ theo Luật Bảo vệ nhân chứng. Ngoài ra, nếu vì là nạn nhân buôn người mà những người này vi phạm pháp luật Đài Loan (hành chính hoặc hình sự), họ sẽ được giảm nhẹ hoặc miễn trừ trách nhiệm.
Theo VNExpress