Ngày 26/5, Sở Nội vụ tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) đã thông báo về những cải cách về văn hóa cưới xin trên trang web của mình, theo SCMP.

Sở cho biết họ sẽ xóa bỏ những truyền thống “không lành mạnh”, bao gồm quà tặng đính hôn xa hoa, đám cưới lãng phí và lễ hội ăn mừng “thô tục”.

                                                             Ngày vui của cô dâu, chú rể Trung Quốc ngày càng bị biến tướng. Ảnh: Zhou Pinglang/Sixth Tone.


Trong văn bản, sở nêu rõ những cải cách sẽ được thi hành trong thời gian thử nghiệm là 3 năm ở Hùng An và một số khu lân cận thuộc tỉnh Hà Bắc, bao gồm quận Liên Trì (thành phố Bảo Định), quận Ký Châu (thành phố Hành Thủy), quận Phì Hương (thành phố Hàm Đan) và thành phố Tân Tập.

“Chúng tôi hy vọng đám cưới truyền thống lành mạnh, đơn giản, thanh đạm có thể trở thành xu hướng chủ đạo trong xã hội”, trích văn bản đăng trên website.

Nhiều người Trung Quốc lên tiếng ủng hộ chính sách mới của chính quyền. “Đám cưới nên là một kỷ niệm đẹp đẽ, chứ không phải nơi để so gang tiền bạc”, một tài khoản Weibo để lại bình luận.

“Tôi thậm chí chưa bao giờ muốn tổ chức hôn lễ. Tôi không muốn trao nụ hôn với chồng trước mặt họ hàng. Tôi chỉ muốn dành tiền đi du lịch với ý trung nhân mà thôi”, người khác cho biết.

                                                                               Nữ vũ công múa cột giữa quan khách tại một đám cưới ở tỉnh Hà Bắc. Ảnh: SCMP.


Hành động ngông cuồng và thô tục trong hôn lễ là chủ đề tranh luận sôi nổi ở xứ tỷ dân, theo SCMP. Tập tục này có tên là naohun, tức “làm náo loạn đám cưới”, xuất hiện từ hàng nghìn năm trước.

Khách dự đám cưới thường tỏ ra thích thú khi cô dâu và chú rể hôn nhau. Thậm chí, họ bắt đôi uyên ương cùng đám phù dâu, phù rể làm những nhiệm vụ đáng xấu hổ, chẳng hạn bị trói bằng dây, mặc đồ hở hang hoặc thực hiện một hành vi khiếm nhã.

Hôm 4/5, một đoạn video ghi lại tiết mục múa cột tại một đám cưới ở Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc được lan truyền trên mạng xã hội, thu hút sự chỉ trích rộng rãi từ công chúng.

Trong clip, nữ vũ công diện trang phục gợi cảm, đeo khẩu trang, trình diễn trên bục nhỏ giữa hôn trường, xung quanh là khách dự tiệc.

Phần lớn cho rằng những màn trình diễn như vậy không phù hợp với một sự kiện như đám cưới, chưa kể đến một số hành vi bị coi là quấy rối.

Ngay từ năm 2018, Bộ Nội vụ Trung Quốc đã khẳng định rằng những đám cưới hiện đại ngày càng xa hoa và đôi khi gây ra các vấn đề đạo đức gây tranh cãi.

Những sự vụ đó “không chỉ cản trở tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn, mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ hòa thuận giữa các gia đình và sự phát triển lành mạnh của xã hội”.

                                                                              Trung Quốc muốn hướng tới một văn hóa đám cưới lành mạnh, giản đơn. Ảnh: iStock.


Bộ cũng khẳng định họ sẽ giao cho các cơ quan chính phủ đầu ngành nhiệm vụ tiêu chuẩn hóa các nghi thức hôn nhân để giải quyết những vấn đề trên.

Trong vài tháng trở lại đây, một số tỉnh thành tuyên bố sẽ xóa bỏ những tập tục cưới xin “không lành mạnh”, bao gồm Sơn Đông, Hà Nam và Quảng Đông.

Nhân dịp ngày 20/5 - Lễ Tình nhân không chính thức ở Trung Quốc, chính quyền Hùng An cũng tổ chức đám cưới tập thể cho 11 cặp vợ chồng đã góp phần xây dựng tân khu, qua đó thúc đẩy đám cưới truyền thống trong giới trẻ và khuyến khích nhiều hơn nữa người dân di cư tới đây.

Theo Zing