leftcenterrightdel
Nhiều người cảm thấy chưa đủ tự tin để đảm bảo một cuộc sống ổn định cho gia đình, từ đó lựa chọn trì hoãn hoặc thậm chí từ bỏ ý định kết hôn. Ảnh minh họa: Marisse Caine. 

Tại đảo quốc sư tử, độc thân đang dần trở thành xu hướng phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ. Nhiều đàn ông Singapore lựa chọn cuộc sống độc thân ở độ tuổi 30, thậm chí muộn hơn.

Theo các ý kiến trên nền tảng Quora, nguyên nhân chính bao gồm áp lực kinh tế, thay đổi chuẩn mực xã hội và việc tập trung vào giáo dục và phát triển sự nghiệp, The Independent SG đưa tin.

Cụ thể, nhiều người cho rằng thách thức tài chính ở Singapore, đặc biệt là chi phí nhà ở đắt đỏ, là một trở ngại lớn đối với hôn nhân. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ ưu tiên học tập, thi cử và phát triển sự nghiệp, dẫn đến việc hạn chế thời gian cho các hoạt động xã giao và tìm kiếm bạn đời.

Một số ý kiến khác chỉ ra rằng xã hội Singapore ngày càng cởi mở và chấp nhận lối sống độc thân, không còn gây áp lực buộc phải kết hôn như trước. Hơn nữa, nhiều người trẻ coi trọng việc trải nghiệm cuộc sống, du lịch và theo đuổi đam mê cá nhân hơn là ràng buộc bởi hôn nhân và gia đình.

leftcenterrightdel
 Tại Singapore, hôn nhân và gia đình có thể được xem là một bước lùi, đặc biệt khi có con cái. Ảnh minh họa:Stephanie Lee / RICE file photo.

Trong khi đàn ông Singapore tự chủ lựa chọn cuộc sống độc thân, nhiều đàn ông Trung Quốc lại đang gặp khó khăn trong việc thực hiện mong ước kết hôn.

Quốc gia này đang phải đối mặt với hậu quả nặng nề từ chính sách một con, với số lượng nam giới nhiều hơn nữ giới đến 35 triệu người.

Trước tình trạng trên, Giáo sư Ding Changfa từ Đại học Hạ Môn đã gây tranh cãi khi đề xuất nam giới Trung Quốc nên tìm kiếm vợ ở nước ngoài.

Ông Ding cho rằng giải pháp này nhằm giảm bớt áp lực kết hôn cho nam giới nông thôn Trung Quốc, những người phải gánh nặng mua nhà, mua xe và chi trả sính lễ cao ngất ngưởng.

Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải làn sóng phản đối dữ dội. Nhiều người cho rằng việc "nhập khẩu" cô dâu nước ngoài chẳng khác nào buôn người, đồng thời lo ngại về những khác biệt văn hóa có thể dẫn đến xung đột gia đình.

leftcenterrightdel
 Với người Trung Quốc hôn nhân được xem là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời người trưởng thành, tồn tại áp lực xã hội đòi hỏi phải kết hôn trước một độ tuổi nhất định. Ảnh minh họa:VCG.

Cuộc tranh luận về đề xuất "nhập khẩu" cô dâu của giáo sư Ding Changfa vẫn đang gây chia rẽ trong dư luận Trung Quốc.

Một số ý kiến thậm chí còn so sánh thị trường hôn nhân với ngành công nghiệp ôtô, cho rằng việc mở cửa thị trường hôn nhân cho cạnh tranh quốc tế có thể giúp giảm "giá" và nâng cao "chất lượng". Trong khi đó, các dịch vụ mai mối chuyên nghiệp đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ sự chênh lệch nhân khẩu học này.

Đất nước này gọi những người đàn ông chưa kết hôn, được coi là đã qua độ tuổi kết hôn phổ biến trong xã hội, là "sheng nan" (trai ế). Phụ nữ qua độ tuổi kết hôn cũng được gọi là "sheng nu" (gái ế).

Tại Trung Quốc, việc bị gắn mác "trai ế" có thể mang hàm ý tiêu cực, cho thấy người đàn ông kém hấp dẫn trên thị trường hôn nhân. Điều này có thể xuất phát từ nhiều yếu tố như tình trạng kinh tế, trình độ học vấn hoặc sở thích cá nhân.

Theo lifestyle.znews