Đàn ông 'sợ chết' thường ngủ trễ hơn dự định
Cập nhật lúc 19:22, Chủ nhật, 13/10/2019 (GMT+7)
Việc đàn ông hay ngủ trễ hơn giờ dự định, cứ đến giờ ngủ là lần khần trì hoãn có thể xuất phát từ tiềm thức và vô thức sợ chết hoặc lo lắng về cái chết.
Tại sao mối liên hệ giữa lo lắng về cái chết và việc trì hoãn giờ ngủ chỉ xảy ra ở đàn ông nhỉ?
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Đại cương, những người đàn ông bị xáo trộn bởi suy nghĩ về sự tử vong của chính họ có nhiều khả năng trì hoãn giờ ngủ dự định.Các tác giả nghiên cứu đã giải thích rằng thời gian dành cho việc ngủ không phải là khoảng thời gian sống có ý thức. Nói cách khác, càng ngủ ít, ta càng có nhiều thời gian để sống. Do đó, những người sợ chết hoặc lo lắng về cái chết có thể có thái độ chống đối tiềm thức hoặc vô thức đối với giấc ngủ. Họ cố gắng tránh điều đó bằng cách trì hoãn giờ đi ngủ, theo PP.
Nhóm nghiên cứu đề tài “Life is short, stay awake: Death anxiety and bedtime procrastination” (tạm dịch: Cuộc sống ngắn ngủi, hãy tỉnh táo: Lo lắng về cái chết và sự trì hoãn trước khi đi ngủ) đã khảo sát 229 người Thổ Nhĩ Kỳ về hành vi ngủ, thái độ của họ về cái chết, tự kiểm soát và một số yếu tố khác.
Sau khi kiểm soát yếu tố tuổi tác, con cái, tình trạng hôn nhân, việc làm, giới tính… họ nhận thấy rằng sự lo lắng về cái chết là một yếu tố dự báo đáng kể sự trì hoãn khi đi ngủ, nhưng chỉ dành cho những người tham gia là nam giới.
Tại sao không có mối liên hệ giữa lo lắng về cái chết và sự trì hoãn khi đi ngủ ở phụ nữ? Các nhà nghiên cứu tin rằng do sự khác biệt trong việc chấp nhận rủi ro. Nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng nhắc nhở về cái chết có xu hướng làm tăng thái độ chấp nhận rủi ro ở đàn ông chứ không phải phụ nữ.
“Một người trì hoãn giờ đi ngủ thường nhận thức được kết quả hành động của mình (ví dụ, mệt mỏi vào ngày hôm sau, giảm sự tập trung, chú ý và năng suất), và họ cố tình chọn cách cư xử theo cách đó”, các nhà nghiên cứu chia sẻ trên PP.
Tất nhiên, lo lắng về cái chết chỉ là một trong số nhiều yếu tố liên quan đến sự trì hoãn khi đi ngủ. Ví dụ, dường như cũng có một mối liên hệ giữa sự trì hoãn trước khi đi ngủ và thời gian sinh học, một phần được xác định bởi di truyền. Những người có đồng hồ sinh học trễ thường trì hoãn giờ ngủ của họ.
Theo Thanh Niên