Xu hướng thời trang bền vững của gen Z (những người sinh từ 1997 đến 2012) đang thúc đẩy sự gia tăng của các nền tảng bán lại quần áo như Vinted và Depop hay các ứng dụng cho thuê như Hurr, ByRotation, theo Bloomberg.

Trên mạng, vô số clip nói về các tip, mẹo làm mới quần áo cũ được chia sẻ, những cách thêu thùa, đan móc, trang trí cũng hot trở lại để giúp các bộ cánh trở nên độc nhất vô nhị.

Tuy nhiên, những nỗ lực này mới chỉ manh nha, chưa đủ làm nên bước ngoặt trong ngành thời trang. Sẽ mất nhiều hơn một thế hệ để ngành công nghiệp thời trang bền vững chiếm ưu thế.

                           Mặc lại đồ cũ, mua hàng second hand, bán lại đồ không sử dụng nữa là những thói quen ăn mặc mà nhiều gen Z áp dụng. Ảnh: Getty.

Thị trường may mặc toàn cầu trị giá 1.500 tỷ USD là một trong những ngành công nghiệp gây hại nhất cho môi trường. Khí thải carbon, ô nhiễm hay người lao động bị bóc lột mới chỉ là số ít khía cạnh tiêu cực, chưa phản ánh hết mặt tối.

Những vấn đề này phần lớn gây ra bởi việc sản xuất trang phục hàng loạt, hay còn gọi là thời trang nhanh, ngành công nghiệp vẫn đang chứng kiến mức doanh thu lớn.

Sự trái ngược giữa những gì người tiêu dùng trẻ tuổi mong muốn với những thứ họ thực sự mua xuất phát một phần từ áp lực trên mạng. Trong thế giới mạng luôn đòi hỏi nội dung, trend mới, quần áo bắt mắt, chuyện tiêu dùng bền vững càng khó theo đuổi hơn, nhất là với một thế hệ gắn liền với mạng xã hội.

Ngay cả khi trở thành người ảnh hưởng kêu gọi thúc đẩy bảo vệ môi trường, tranh cãi xoay quanh hành động của họ vẫn thường xuyên xảy ra.

                                                                       Thời trang là một trong những ngành công nghiệp gây hại nhất cho môi trường. Ảnh: AP.


Nhà tâm lý học thời trang Shakaila Forbes Bell giải thích rằng thời trang nhanh và mạng xã hội có điểm tương đồng ở chỗ chúng cung cấp số lượng lớn và sự hài lòng ngay lập tức cho người sử dụng.

“Các hoạt động thời trang bền vững hoặc giảm thiểu việc shopping gần như đối lập với những thứ có mặt trên mạng xã hội: nhanh, mới và hấp dẫn".

Mặt khác, người tiêu dùng trẻ tuổi vẫn đang có những thói quen thời trang hữu ích, ngay cả khi điều này không liên quan đến môi trường mà chủ yếu để tiết kiệm tiền cho bản thân.

Không dư dả về mặt tài chính, nhiều thanh, thiếu niên vẫn muốn làm mới quần áo, thời trang bằng cách: đầu tư vào các mặt hàng có chất lượng lâu bền, tự may hoặc mua đồ second hand, bán lại các món đồ không còn mặc nữa.

Orsola de Castro, người đồng sáng lập Fashion Revolution, tin rằng việc đánh vào mặt túi tiền sẽ hình thành thói quen tốt hơn là những lời kêu gọi hành động vì môi trường.

Trong các thế hệ, Gen Z là những người sẵn sàng bỏ tiền cho một chiếc áo thun có giá thành đắt nhưng có thể mặc lâu dài. Theo ông Orsola, vẫn còn một chặng đường dài để biến thời trang thành ngành công nghiệp thân thiện với hành tinh và con người hơn, nhưng người trẻ đang đi đúng hướng.

Theo Zing