“Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên trao quyền cho nhân viên để giúp họ cảm thấy có thể tiến lên thông qua những nỗ lực của chính họ”, Tiến sĩ Zoë Fortune, Giám đốc điều hành tại City Mental Health Alliance Hong Kong cho biết.
Bà cho biết, mặc dù các chính sách và chiến lược cần được linh hoạt đưa ra để hỗ trợ nhân viên, nhưng điều quan trọng hơn tất thảy là thực hành lãnh đạo lấy con người làm trung tâm. Phát biểu tại sự kiện ảo HR Leaders Asia gần đây, tiến sĩ Zoë Fortune cho biết việc duy trì hạnh phúc là điều không thể thiếu với mọi thứ chúng ta làm. Trích dẫn từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà nói thêm rằng sẽ không có sức khỏe nếu chúng ta không sở hữu một sức khỏe tinh thần tốt.
Đại dịch Covid-19 đã chỉ ra cho chúng ta rằng sức khỏe tinh thần là điều quan trọng thế nào. Mặc dù mọi thứ có trở nên tồi tệ hơn trong điều kiện hiện tại, nhưng nếu bạn biết cách chăm sóc cho sức khỏe tinh thần của mình, bạn sẽ vẫn “khỏe mạnh” hơn rất nhiều người.
Tiến sĩ Fortune còn cho biết, đã có quá nhiều thay đổi xảy ra và điều này khiến nhiều người lo lắng. Các phản ứng khác nhau đã xảy ra với những trải nghiệm rất khác biệt trong toàn bộ quá trình Covid-19. Điều thực sự quan trọng là phải hiểu rằng trải nghiệm của mỗi người đều có sự khác biệt. Và thừa nhận những trải nghiệm đa dạng là bước đầu tiên quan trọng để giúp mọi người quản lý hoàn cảnh của chính mình theo những thách thức và khó khăn theo các cách khác nhau.
THAY ĐỔI ở tất cả các cấp
Để giúp nhân viên duy trì hạnh phúc trong suốt cuộc khủng hoảng, đó là nỗ lực của cả một tổ chức. Mặc dù, sự thật là người quản lý phải đề cao trách nhiệm chăm sóc của họ đối với nhân viên, nhưng tiến sĩ Fortune nhắc nhở rằng tất cả nhân viên đều có vai trò và trách nhiệm ở mọi cấp độ của một tổ chức. Chúng ta thực sự cần sự thay đổi. Sự thay đổi đó có thể diễn ra ở người làm chủ, nhân sự hoặc bất kỳ một nhân viên nào. Nếu chúng ta tạo ra sự thay đổi trong toàn tổ chức, chúng ta cần trao quyền cho mọi người ở mọi cấp của tổ chức. Đó là thứ mang lại cho họ sự tự tin để nâng cao khả năng làm việc của mình trong lúc khủng hoảng.
Là người làm chủ, việc đơn giản bạn có thể làm là học cách giúp nhân viên sắp xếp nhiệm vụ của mình theo cách tự chủ nhất.
Tuy nhiên, sự dẫn đầu vẫn là một ưu tiên, và người làm chủ cần phải ý thức về những thách thức của nhân viên cũng như các nhu cầu khác nhau của họ. Bên cạnh đó, đừng quên cởi mở với các câu hỏi và giao tiếp nhiều hơn để hiểu rõ hơn về những gì đang diễn ra. Và cũng đừng quên cung cấp sự linh hoạt, để cho thấy rằng bạn có thể tin tưởng nhân viên của mình dù họ thực hiện nhiệm vụ của mình từ xa và tự do quản lý thời gian của mình.
GIẢI TỎA bằng sự thấu hiểu
Ngoài những biện pháp hỗ trợ nhân viên kiểm soát sự tự do trong công việc, người làm chủ và lãnh đạo doanh nghiệp cũng có thể áp dụng những chiến lược khác để hỗ trợ sức khỏe tinh thần như: xác định sự căng thẳng của từng thành viên, cung cấp những gì nhân viên cần hay tạo ra một chuyến đi đảm bảo an toàn để tất cả cùng giải tỏa.
Những biện pháp như vậy sẽ khiến nhân viên cảm thấy tự tin rằng công ty có thể hỗ trợ môi trường làm việc lành mạnh khi họ trở lại văn phòng hoặc đối phó với giai đoạn “bình thường mới”.
Gìn giữ “sức khỏe tinh thần” là một cuộc chiến lâu dài trong hành trình sự nghiệp, và nó càng khó khăn hơn trong giai đoạn khủng hoảng như Covid-19.
Tất cả những khoảnh khắc nhỏ bé đều quan trọng không kém, hãy bớt tạo áp lực, có nhiều hơn những lời động viên và khen ngợi. Tất cả chúng ta đều cần phải tương tác nhiều hơn trong lúc này, không chỉ vì giữ kết nối, mà còn vì tạo ra những khoảnh khắc thấu hiểu mà đôi khi không phải lúc nào cũng có thể làm được. Từ đó, chúng ta sẽ biết điều gì là tốt nhất từ góc độ sức khỏe tinh thần và vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19 một cách mạnh mẽ, lạc quan nhất.
Theo Nữ doanh nhân