Ông cố vấn mất nết

Vụ “tỉnh rụi” đi kèm cú đánh mắt, ai cũng biết người được nói tới là ai. Ông ta là chuyên gia kỳ cựu của công ty, cố vấn của văn phòng sếp tổng, chuyên về đào tạo. Tuổi đã gần 70, ông ta được sếp mời cộng tác, không cần đến công ty theo giờ hành chính. Thực tế, ông ta nói mình “yêu công việc” nên có mặt khá thường xuyên, bất kể giờ giấc.

Công ty đèn đuốc sáng choang, cả tầng văn phòng rộng thông thống chứ nào có vách ngăn hay khuất lấp gì, vậy mà ông ta vẫn tìm được cách thả dê bầy. Lúc thì ông kiếm cách đi len ngang qua một lối hẹp khi có cô nào đang đứng đó, cái “bụng bia” của ông cà quẹt chậm rãi, cố tình nấn ná. Ông cũng hay mời trao đổi công việc đến quá giờ, “cầm tay chỉ việc” đúng nghĩa đen; hay nửa chừng đứng lên, bực bội kéo ghế, sẵn sàng áp sát vào nữ nhân viên bé nhỏ đang run lẩy bẩy. Chị em văn phòng phần lớn đều được cảnh báo, truyền tai nhau để né, nhưng sớm muộn cũng bị “dính” một đôi lần.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Vợ ông ta năm nay cũng qua tuổi 60, được mọi người thương mến gọi là “má Tám”. Chuyến đi nghỉ, đi chơi chung nào của công ty, má Tám đều đi theo để… giữ chồng. Bà biết rõ tật xấu của chồng nên chỉ cần nhìn, má Tám biết ngay con mồi nào đang bị “săn”. Thoáng nhận ra thái độ lúng túng, sợ hãi, má Tám biết đó là nạn nhân mới nhất.

Có vợ canh chừng, hình như ông cũng tự kiềm chế được. Điều quan trọng là bà đi theo để… xin lỗi. Tối về, có chị kể má Tám gặp chị ở phòng ăn, nói: “Em ơi em bỏ qua cho ổng nha. Đó là cái bệnh, cái tật từ hồi còn trẻ, không chữa được, mà “ổng cũng chỉ chụp giựt vậy thôi chứ hông làm gì được nữa đâu”.

Nỗi đau của những phụ nữ trong gia đình có người “có máu dê” là một góc khuất đầy cay đắng, nhục nhã. Ai cũng thấy, cũng phê phán những kẻ quấy rối tình dục (QRTD), nhưng không ai biết nỗi đau, nỗi nhục nhã của những người vợ, người mẹ có chồng, có con mắc vào “bệnh” thả dê mất kiểm soát đó. Má Tám kể, bà từng phải khăn gói lên tận miệt gần biên giới Tây Ninh, xin lỗi cha mẹ một chị giúp việc từng làm cho nhà bà; chắc là bị ông chủ quấy rối, đến mức phải bỏ nhà đi mà không dám hé răng nói lời nào với người trong nhà. Lần dò hỏi han mãi bà mới biết được địa chỉ nhà chị ở quê. Bà tìm đến tận nơi, mong nói lời xin lỗi chị mà không gặp, chỉ gửi được món tiền nhỏ giúp đỡ gia đình chị.

Bụng bia, tóc thưa bạc trắng… nhìn vẻ bề ngoài là biết ông ta đã có tuổi nên mới gặp đâu có cô nào đề cao cảnh giác. Cũng vì sống lâu nên ông có nhiều kinh nghiệm, rất giỏi trong một số việc nhất định. Sếp cũng biết chuyện, nhưng nói người có tài có tật. Công ty sử dụng ông, cấp trên tin cậy ông, mọi người trong công ty đành bảo nhau thôi thân ai nấy giữ.

Môi trường trẻ trung, năng động, hội đàn ông được nước có ông già mất nết chống lưng, tuần đôi ba lần tụ bạ bô bô kể chuyện tiếu lâm mặn, sờ vuốt đụng chạm, bình luận bỗ bã. Đến nỗi, giờ có ai trong văn phòng nheo mắt khen mặc cái áo này đẹp quá, người được khen cũng cảm thấy sởn gai ốc. Nhưng không ai lên tiếng, vì người ta nghĩ công việc là quan trọng. Mặt khác, người ta có sự vị nể nhất định với tuổi tác. Bây giờ nói ra chẳng được gì, có khi còn bảo mình làm quá; thôi cứ chấp nhận cười xòa, thấy ông thì mình tránh cho xong.

Má Tám nói chồng đi làm thì má đỡ lắm, vì mọi người còn biết, còn có ý thức tránh né, cũng là giữ gìn cho ông; chứ ông ở nhà làm sao má Tám giữ được, rồi lỡ có xảy ra chuyện gì… Như cái lần ông cán bộ về hưu nào đó mất nết, quấy rối một đứa nhỏ ngay trong thang máy. Vợ con của gã “có hành động khiếm nhã với phụ nữ” đó chắc nhục nhã tới nỗi không biết trốn đi đâu. Nạn nhân QRTD có thể là bất kỳ ai, ở bất kỳ trạng huống nào.

Nhưng rồi trong kỳ hội nghị người lao động năm ngoái, có một tin nhắn đã được gửi tới ban chấp hành công đoàn, đề nghị xây dựng môi trường làm việc an toàn, thân thiện, văn minh và nghiêm khắc loại bỏ những hành vi quấy rối vô văn hóa. Không thể để các nữ nhân viên của công ty phải chịu đựng mãi, thủ thân mãi. Hành vi QRTD muôn hình muôn vẻ, khó lường, khó kiểm soát. Nếu không nghiêm khắc với các biểu hiện quấy rối, môi trường làm việc sẽ trở nên đầy rủi ro, độc hại với mọi người.

Họ cũng là nạn nhân

Phải mất bao nhiêu thời gian, công sức, nước mắt, mồ hôi, thậm chí cả đổ máu, phụ nữ mới có thể giành được sự công nhận của xã hội, để có thể bước ra khỏi xó bếp góc nhà, tham gia vào những môi trường làm việc công cộng và dân chủ, trở thành luật sư, bác sĩ, nhà văn, chuyên gia tài chính… thể hiện năng lực chuyên nghiệp của mình. Nếu những con “yêu râu xanh” ấy được thả rông không kiểm soát trong môi trường công sở, phụ nữ sẽ phải thu mình lại, tự vệ trong bất an, lo lắng, sợ hãi. Bao nhiêu năng lượng đã bị hao phí vào đó, còn nói chi đến cống hiến, làm việc hết mình?

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Dư luận, luật pháp đang chỉ nhìn thấy những nạn nhân bề nổi - những nạn nhân bị quấy rối, bị xúc phạm thân thể. Nhưng có những nạn nhân khác cũng đang im lặng nuốt xuống bao cay đắng, tủi cực mà số phận đã chất lên mình. Đó là những người thân, vợ, con của những kẻ biến thái. Họ phải chịu đựng nỗi đau đớn nhục nhã khi người thân của mình quấy rối các nạn nhân khác. Họ chưa hề được tính tới, được an ủi hay được hỏi han tìm kiếm giải pháp nào cho cuộc sống hằng ngày.

Ta có thể dễ nghĩ đến việc sao phải sống với kẻ biến thái như thế, ly hôn đi cho nhẹ mình, chia tay là một hình phạt, hãy cắt khối u ra khỏi cuộc đời mình… Nhưng chuyện đời đâu đơn giản vậy. Gia đình, con cái, tài sản chung, công việc, khả năng nuôi con… nhiều thứ khiến việc chia tay không phải là chọn lựa. Mặt khác, còn gia đình là còn gì đó để ràng buộc, canh chừng, hạn chế bớt tác hại của những người hay sàm sỡ phụ nữ. Thử nghĩ, nếu chỉ có một mình, họ có thể còn mất khả năng tự kiểm soát và bị kiểm soát, rồi còn tới đâu nữa.

Má Tám chỉ có cách đi theo mà giữ, tới nay cũng đã hết một đời.

Áp lực khi người thân là kẻ quấy rối tình dục

Từ quan điểm của người thân những kẻ QRTD, đó có thể là một bậc cha mẹ đầy yêu thương, một đứa con biết quan tâm hoặc một người bạn đời tận tụy. Azadeh Nematyis - nhà tâm lý học lâm sàng tại Khoa Tâm thần học, Đại học Trinity Dublin, Ireland - cho biết: “Thân nhân của những người gây ra hành vi xâm hại tình dục đều bị tổn thương và xấu hổ vì tội ác người thân của họ đã gây ra, nhưng tâm trí họ thường lưu giữ phần nhân đạo của người thân yêu”. Kết quả, họ có thể bắt đầu tự trách bản thân vì không thể đáp ứng được những mong đợi từ xã hội hoặc vì họ đã đặt niềm tin vào thủ phạm, vì đã không nhận ra hành vi lệch lạc của người thân yêu…

Sự thiếu hiểu biết của công chúng về bản chất phức tạp của tội phạm tình dục có thể khiến mọi người đổ lỗi cho cha mẹ thiếu dạy dỗ hoặc dè bỉu người bạn đời (thường là vợ) vì không thỏa mãn được nhu cầu tình dục của kẻ quấy rối. Cô Nematyis cho biết, các yếu tố dẫn đến hành vi lệch lạc về tình dục rất phức tạp và thường bao gồm rủi ro phát sinh từ sự tương tác của nhiều yếu tố sinh học, sự phát triển cá nhân và quan hệ xã hội.

Đáng chú ý, trẻ em trong gia đình thủ phạm QRTD đặc biệt dễ bị tổn thương về tinh thần. Cuộc sống hằng ngày của chúng có thể bị gián đoạn khi người thân (cha mẹ hoặc anh chị em) phải rời khỏi nhà hoặc bị bắt. Bọn trẻ cũng có thể chứng kiến sự tức giận và tuyệt vọng của các thành viên khác trong gia đình.

Linh La (theo Psyche)

Theo phụ nữ TPHCM