Trước đây, mỗi khi xem phim Hàn Quốc có cảnh nữ nhân viên đi nhậu với sếp nam, phải rót rượu mời các ông và cắn răng chịu đựng khi các ông đụng chạm, bẹo mông, nựng má… tôi rất khó chịu. Tôi tưởng điều đó chỉ diễn ra ở Hàn Quốc, trong phim. Vậy mà, cuối năm vừa rồi, tôi đã trở thành nhân vật nữ không mong muốn đó.

leftcenterrightdel
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok 

Chuyện ngày mới vào nghề

Tôi mới ra trường được 2 năm, làm phóng viên tập sự của một tờ báo nhỏ, vì yêu thích công việc nên tôi chịu khó theo sát nguồn tin, bám chắc cơ sở để có tin bài hay. Cuối năm 2023, tôi dự sự kiện tổng kết một ngành tại TPHCM. Sau buổi lễ tổng kết là phần tiệc. Những vị lãnh đạo nhiệt tình mời tôi và N. - phóng viên trẻ của báo T. ở lại dự.

Buổi tiệc chưa đến 20 người, được tổ chức trong phòng VIP của một nhà hàng sang trọng. Tôi và N. bị/được một chú A (tạm gọi như thế), lớn tuổi, ăn mặc rất sang trọng, đẩy mạnh về phía đầu bàn - nơi có một sếp là lãnh đạo ngành ngoài Hà Nội vào và một là trưởng đại diện ở phía Nam.

Chú A cười vồn vã và ra hiệu: “2 em ngồi gần 2 sếp cho tình cảm”. Chúng tôi chưa kịp từ chối thì bị ấn xuống 2 chiếc ghế trống và vòng vây thít chặt lại (mọi người kéo ghế sát vào để ép chúng tôi). Tôi và N. còn đang lúng túng, chưa biết xưng hô thế nào với 2 người đáng tuổi cha mình thì chú A lại xuất hiện, giọng oang oang: “2 bé rót rượu mời 2 sếp đi”.

Tôi nhắn tin cho N.: “Về, chịu hết nổi rồi, tới đâu thì tới”. N. nhắn lại “go” (đi). Chúng tôi đứng bật dậy, nói lớn: “Muộn rồi, tụi cháu xin phép về trước”.

Tôi và N. ngớ ra. Chú A lấy chai rượu đã được khui sẵn đặt vào tay chúng tôi. Cùng lúc, người đàn ông kế bên chìa chiếc ly ra hiệu cho tôi rót. Tôi chưa kịp làm gì thì chú A tiếp tục hướng dẫn: “Em phải đứng lên, hơi cúi người về phía trước, tay trái áp vào ngực, tay phải rót rượu mời sếp”.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Lúc này, tôi và N. thật sự bối rối và bắt đầu bực bội. Khi tôi đứng lên, người chúi về trước như hướng dẫn thì chiếc áo cổ thuyền của tôi trễ một bên vai, lập tức nhiều ánh mắt đổ vào. Tôi vội sửa áo cho thẳng thớm thì người đàn ông chìa chiếc ly ra khi nãy đã nhanh tay kéo áo tôi. Tay ông ấy cố tình sượt vào da tôi còn ông thì nhìn tôi cười và đá mắt: “Em có làn da đẹp và mềm mại quá”. Lần đầu trong đời tôi nghe một lời khen mà cảm giác muốn nôn.

Phía bàn bên kia, N. cũng chẳng hơn gì tôi. Chú trưởng đại diện phía Nam, không lấy ly rượu mà cứ chụp vào tay N., người N. Chú cứ khen N. có mái tóc dài óng đẹp, rồi chú vuốt tóc N. Chú vừa khen N. dáng người nhỏ xinh vừa kéo N. đứng lên đo chiều cao của chú và kéo mạnh cho N. áp sát vào người chú. Ngay lập tức chú cúi xuống, vờ như vô tình, nhưng rõ ràng là một nụ hôn lên tóc N.

Thấy cảnh đó, những người đàn ông trong bàn nhậu trở nên phấn khích. Chú A hối tôi: “Em thấy chưa, các em sung lên xíu là bàn mình sung liền, 2 em đừng làm các anh xìu, tội các anh nha”. Cả bàn cười hô hố. 2 ông sếp liên tục “dô dô” và mỗi lần cụng ly là các ông khoác tay lên vai chúng tôi hoặc ôm eo. Chúng tôi né ra, nhưng 2 ông ghìm lại.

Trong khoảnh khắc, tôi chợt thấy tôi và đồng nghiệp N. giống những cô gái “dịch vụ” mà chúng tôi thường thấy trên phim. Những người đàn ông lớn tuổi, bụng phệ, khệnh khạng, khật khưỡng vây quanh, ép chúng tôi uống rượu. Cả bàn hò hét cổ vũ.

Rượu vào, tay 2 ông ấy còn lạng quạng hơn. Ông gác hẳn tay qua thành ghế của tôi và cứ xoa xoa gáy tôi. Ông thủ thỉ bên tai tôi: “Bọn anh đang làm một dự án đỉnh lắm, em muốn độc quyền có tin bài hấp dẫn thì vui vẻ với bọn anh nhé”.

Tôi giận run người, nhưng cố kìm lại. N. khi đó còn bị chú trưởng đại diện yêu cầu vòng tay với chú uống rượu theo kiểu giao bôi. N. từ chối. Cả bàn vỗ tay “uống đi, uống đi”. Tôi thấy 2 chị cũng hơi lớn tuổi, cũng có chút địa vị xã hội, có học thức, đang trong bàn tiệc cũng nhiệt tình hưởng ứng. Tôi không thể hiểu, tại sao là phụ nữ với nhau, các chị có thể cổ xúy, hưởng ứng hành vi của những người đàn ông đáng tuổi cha chú làm chuyện mất nết.

Mấy lần định đứng lên ra về nhưng bị chú A giấu túi xách, tôi không còn sợ mất nguồn tin, hay thậm chí mất việc cũng chẳng sao. Tôi nhắn tin cho N.: “Về, chịu hết nổi rồi, tới đâu thì tới”. N. nhắn lại “go” (đi). Chúng tôi đứng bật dậy, nói lớn: “Muộn rồi, tụi cháu xin phép về trước”. 2 sếp và cả bàn nhao nhao: “Còn sớm mà 2 em, còn tăng 2 đi karaoke nữa chớ. Không có 2 em đi cùng thì các anh đi có vui vẻ gì”.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Lúc này tôi quá giận, nghiêm mặt và lớn giọng hơn: “Mọi người thích thì cứ đi, không liên quan gì đến tụi cháu”. Người đàn ông ngồi cạnh tiến tới nắm tay tôi, kéo quay lại chỗ ngồi, tôi giằng mạnh ra và nói rõ từng tiếng: “Chúng tôi là phóng viên, vì nể mọi người mời nên chúng tôi mới dự bữa tiệc này, nhưng mọi người hành xử không đúng mực, nên chúng tôi không việc gì ở lại”.

Mọi người há hốc nhìn tôi và N., chú A gườm 2 đứa: “Tụi mày quá hỗn, rượu mời không uống, muốn uống rượu phạt. Tao không nói chuyện với tụi mày. Tao nói chuyện với sếp mày. Coi thử mày có cửa vào được tòa soạn nữa không”.

Ông ta tưởng hù dọa điều này tôi và N. sẽ sợ, nhưng khi đó, lòng tự trọng, sự tổn thương của một cô gái bị mấy tên “dê xồm” quấy rối, coi thường khiến chúng tôi không còn biết sợ. Tôi nói to: “Tôi thách ông đó. Mấy ông làm chuyện xấu không sợ thì thôi, sao tụi tôi phải sợ. Nếu ông muốn, ngay bây giờ tôi gọi công an tới ghi nhận tại hiện trường luôn”.

Bản lĩnh ở chính ta

Khi thoát khỏi căn phòng đó và lấy xe ra khỏi bãi, tôi và N. dừng lại giữa đường khóc ngon lành. Khóc vì quá sợ hãi, vì đã thoát được khỏi đám người kia, khóc vì không biết chuyện gì chờ đợi mình phía trước. Tôi gọi điện thoại kể cho anh trưởng ban nghe.

Tôi cũng chờ nếu anh bác bỏ, không tin tôi hoặc xả giận thì tôi sẽ xin nghỉ việc. Nhưng thật may, giọng anh ân cần và không thiếu sự nghiêm khắc: “Mai mốt em đừng tham dự những buổi tiệc riêng tư vậy. Đừng tự đưa mình vào thế khó. Làm nghề, có nhiều cách để lấy tin, thiết lập nguồn tin, không việc gì phải đánh đổi, bao nhiêu cũng không đáng”. Lời của anh an ủi tôi rất nhiều và giúp tôi mạnh mẽ, đường đường chính chính đi làm nghề.

Khi kể lại việc này với các nữ đồng nghiệp của nhiều tòa soạn, phần lớn họ đồng tình với phản ứng của chúng tôi. Họ khen chúng tôi còn trẻ mà can đảm; mới vào nghề, nhưng không vì sợ mất việc mà hạ thấp bản thân. Một số đồng nghiệp còn khuyên chúng tôi nên tố cáo hành vi của họ.

leftcenterrightdel
 Ảnh Shutterstock

Tôi và N. suy nghĩ rất nhiều. Chúng tôi không hề có chứng cứ nào, lúc đó đâu nghĩ đến và cũng đâu có cơ hội ghi âm hay chụp hình. Việc tố cáo chỉ làm chúng tôi lãng phí thời gian và có thể họ sẽ “trả thù” chúng tôi.

Tuy nhiên, tôi và N. không giấu câu chuyện của mình với các bạn nữ, nhất là các em mới đi làm. Tôi hay nói với các em, mình đi làm nên dựa vào thực lực. Môi trường làm việc có những kẻ xấu đứng đầu, không đáng để mình cống hiến, phấn đấu.

Xã hội vẫn còn nhiều nơi tốt đẹp đón nhận sự cộng tác của mình. Đặc biệt, sau này, cũng còn vài lần tôi gặp “dê xồm”, nhưng nỗi sợ, nỗi lo của tôi đã không còn. Thậm chí, tôi còn nhận ra những dấu hiệu thăm dò của kẻ quấy rối. Sức mạnh của tôi đã bảo vệ tôi. Tôi không để cho họ thực hiện hành vi rồi mới phản kháng mà chủ động tránh xa họ, không nhận những cuộc mời đi “lấy tin” từ bàn nhậu, từ quán karaoke.

Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải lên tiếng, góp ý thẳng khi xem chị em phụ nữ là “tay vịn”.

Theo phụ nữ TPHCM