Cuộc chia tay của cặp vợ chồng tỷ phú Bill Gates và Melinda Gates vẫn chưa giảm sức nóng khi dư luận tiếp tục bàn những câu chuyện bên lề.

Trước câu hỏi có nên ly hôn hay không, nếu phụ nữ thường suy tính các yếu tố con cái, bố mẹ, khả năng chịu đựng của bản thân... rồi mới đi đến quyết định, thì đàn ông thường theo hướng ngược lại: từ việc xem xét chất lượng cuộc hôn nhân, chất lượng sống... họ đưa ra quyết định.

NKT Chương Đặng chia sẻ: Hôn nhân nên có hạn kỳ.
NKT Chương Đặng chia sẻ: "Hôn nhân nên có hạn kỳ"

Nhà thiết kế Chương Đặng chia sẻ trên trang cá nhân gần 40.000 lượt theo dõi của anh: “Thiệt mà, hôm bữa tôi có nói rằng hôn nhân nên có hạn kỳ. Ví dụ sau 20 năm sống chung người ta có thể ngồi lại nghiêm túc xem có nên tiếp tục thêm bao lâu nữa không. Một phần đời đẹp nhất đã sống cùng nhau. Phần lớn tài sản vun đắp cùng nhau. Có con cái, thú cưng, nhà, xe, và những thăng trầm, bồng bột, khổ đau và vui sướng cùng nhau.

Sau 55, 60 tuổi, cơ thể chúng ta trở nên mẫn cảm với mọi điều xung quanh; nhất là với một cơ thể khác… chúng ta cần một người để bầu bạn, một người để đỡ nâng, và an ủi; một người để chăm sóc và được chăm sóc. Chứ không phải những tiếng thở dài cằn nhằn, dằn hắt. Người phối ngẫu lâu năm đã tự tiện cho mình cái quyền đi quá sâu vào cuộc đời của người còn lại khiến cả hai mắc kẹt trong những phức cảm bất lực”.

Theo đó, anh cũng cho rằng, nếu bố mẹ ly hôn khi lớn tuổi, con cái thậm chí nên làm tiệc chúc mừng và tặng quà, tạo điều kiện để ông bà có thể theo đuổi những kế hoạch mới. Bởi đó là khi họ được thật sự bỏ xuống mọi gánh nặng và định kiến để sống cuộc sống mình muốn.

Đôi khi không cần chia tay vì ghét nhau, thà chia tay vì thương nhau, để cứu lấy cuộc sống của cả hai người. Ly hôn như vậy là một cuộc giải thoát huy hoàng.

Quan điểm ly hôn văn minh của nhà thiết kế Chương Đặng được nhiều người khen ngợi. Một người bày tỏ: “Em rất đồng tình với quan điểm này của anh. Đôi lúc chúng ta bị níu kéo bởi quan niệm nghĩa - tình rồi cố gắng gồng mình lừa dối những xúc cảm trong lòng. Em thích anh nói “thà chia tay vì thương nhau”. Nhưng chẳng mấy ai hiểu và chịu đối diện”.

Phía bên trang cá nhân có hơn 32.000 lượt theo dõi, Giáo sư (GS) Trương Nguyện Thành cũng đưa ra quan điểm tương đồng: “Chỉ có ai đã từng ly dị mới hiểu khi hôn nhân không hạnh phúc thì điều nhân văn nhất là trả tự do cho nhau”. 

GS. Trương Nguyện Thành cho rằng: Chỉ những ai đã từng ly dị mới hiểu hôn nhân không hạnh phúc thì trả tự do cho nhau là nhân văn nhất.
GS. Trương Nguyện Thành cho rằng: "Chỉ có ai đã từng ly dị mới hiểu khi hôn nhân không hạnh phúc thì điều nhân văn nhất là trả tự do cho nhau”

Những người chưa ly hôn, vẫn cố gắng chịu đựng một mối quan hệ mất kết nối, đày đọa nhau chỉ vì sợ điều tiếng bên ngoài sẽ không thể có sự so sánh rõ ràng. Đơn giản là bởi chưa trải nghiệm cả hai khía cạnh, chịu đựng và ly hôn, nên sẽ không biết bên nào tốt hơn bên nào.

Nhưng theo GS Thành, chỉ khi đã ly dị, tức là đã trải nghiệm đủ một cuộc hôn nhân không hạnh phúc và việc trả tự do cho nhau, người trong cuộc sẽ thấy quyết định ly hôn chính là điều nhân văn nhất.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều người phản bác, cho rằng việc giải thoát cho nhau một cách văn minh chỉ là bao biện. Một ý kiến nam giới khẳng định: “Ly dị là thất bại hơn là thành công”.

Giải thích thêm, người này lý giải: “Đạo tào khang là đạo trọng. Tào khang là bã rượu và cám gạo. Thực ra là thứ đồ bỏ. Đạo vợ chồng lúc khốn khó hàn vi mới quý. Ly dị là sự đổ vỡ. Chính là thất bại”.

Phía đồng tình với quan điểm ly hôn là thất bại cũng phân tích kỹ hơn cái nghĩa thất bại: “Để đến ly dị là hôn nhân thất bại. Khi cưới nhau, chúng ta không nghĩ là sẽ ly dị. Nhưng thất bại chỉ là trong cuộc hôn nhân đó mà thôi”.

Phần lớn những người tham gia cuộc tranh biện thống nhất không thể đưa tiêu chuẩn thành công hay thất bại để áp vào một cuộc hôn nhân. Có những người chia tay, sống một cuộc đời tự do và thú vị, chắc chắn không thể xem đó là thất bại.

Ngược lại, nếu lấy cái tờ giấy kết hôn để trói buộc những người không có hôn nhân hạnh phúc thì không thể tính là thành công.

GS Trương Nguyện Thành cũng đưa thêm phân tích: “Trong tiếng Anh có câu “It takes two to tango”, cần cả hai người để có hôn nhân hạnh phúc. Chính nhận thức “thất bại hay thành công” trở thành cái bẫy tư duy làm nhiều người sống rất đau khổ. Không có gì xấu và cũng chẳng có gì tốt. Không có thất bại và cũng chẳng có thành công. Tất cả là kết quả của chuỗi nhận thức, hành động, ứng xử và phản ứng”.

Có thể thấy, đa số đàn ông cho rằng: Không nên nặng nề như ly hôn là hết, là thất bại hay phải đối mặt với trạng thái tồi tệ mới.

Mà ngược lại, ly hôn văn minh, trả tự do cho nhau là cách để mở ra cánh cửa cho mình và người mà mình từng thương, giúp họ được sống vì bản thân, dù ở tuổi xế chiều đi nữa. Đó đương nhiên là một sự kiện đáng để chúc mừng, như ý kiến của nhà thiết kế Chương Đặng, thay vì đã thấy sai nhưng vẫn cố chịu đựng nhau trong sự sợ hãi tương lai hay những định kiến từ bên ngoài.

Theo  phunuonline.com.vn