Ám ảnh vợ sinh, nuôi con nhỏ

Khi phóng viên hỏi chị Mỹ Thanh (tên nhân vật đã được thay đổi) - 31 tuổi, công tác tại một bệnh viện phụ sản lớn ở TPHCM - vì sao con gái đã 6 tuổi mà chưa có bé thứ hai, chị đưa tôi xem tin nhắn của chồng trả lời má ruột của anh: “Nuôi 1 đứa không đủ oải sao, còn muốn tụi con đẻ nữa hả má?”.

leftcenterrightdel
 Người chồng, người cha có vai trò rất lớn trong việc nuôi dạy con cái, duy trì hạnh phúc gia đình - Nguồn ảnh minh họa: Canva

Chị Thanh cho biết, vợ chồng chị kết hôn năm 2016, đến năm 2018 sinh con gái đầu lòng. Từ khi con chào đời đã được bà nội từ Đồng Tháp lên TPHCM chăm sóc, anh chị nhàn như vợ chồng son. 3 năm trôi qua, mẹ chồng hối vợ chồng chị sinh đứa thứ hai cho vui cửa vui nhà. Chị Thanh cũng muốn sinh thêm cho “đủ chuẩn”, nhưng anh Quốc - chồng chị - gạt ngang.

Chưa yên tâm, anh Quốc còn khuyên vợ đi cấy que tránh thai, nhưng chị Thanh không đồng ý. Chị Thanh nhiều lần thuyết phục sinh thêm con, nhưng chồng vẫn một mực “chờ con lớn đã”. Con 3 tuổi, anh hẹn 4 tuổi. Con 4 tuổi, anh hẹn tiếp đến khi con vào lớp Một. Giờ con sắp vào lớp Một, anh “quay xe”, nói 1 đứa đủ rồi. Chị Thanh bực mình: “Sinh con thì bà nội trông, còn em thì mang nặng đẻ đau, chứ anh có chửa đẻ gì đâu mà hổng chịu?”.

Lúc này, anh Quốc mới nói thật với vợ: “Anh sợ em gặp nguy hiểm”. Khi đó chị Thanh mới biết, lần chị bị động thai ở tháng thứ bảy của thai kỳ, nửa đêm máu tuôn xối xả. 2 tháng dưỡng thai trong bệnh viện, ngày nào vợ chồng chị cũng có cảm giác như “ôm bom”, không biết sự cố có thể xảy ra lúc nào. May mắn, chị Thanh đã mẹ tròn con vuông. Thế nhưng lần mang thai và vượt cạn đó đã ám ảnh anh Quốc, khiến anh muốn từ bỏ hạnh phúc làm cha lần nữa.

Không chỉ ở các thành phố lớn, ở vùng nông thôn ngày nay cũng nhiều ông chồng không muốn sinh thêm con hoặc “câu giờ” chuyện có thêm bé thứ hai.

Hơn 1 năm nay, chị Nguyễn Thùy Trang - 34 tuổi, giáo viên một trường mầm non ở huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang - cũng ấm ức vì anh Minh Khang - chồng chị - ra tối hậu thư: “Bà đẻ thì bà tự nuôi nghen”. Lý do khiến anh Khang “nói không” với việc làm cha lần hai là vì: “Cha mẹ 2 bên đều già yếu, bả (vợ) thì suốt ngày đi dạy, mình tui vừa canh tiệm tạp hóa, thêm mấy công ruộng, vừa chăm con nhỏ, mà thằng nhỏ khó nuôi, 1 tháng 30 ngày thì đi bác sĩ hết 27 ngày. 3 năm nuôi con nhỏ, tôi quá đuối”.

Anh kể, thời gian nuôi con nhỏ, chưa bao giờ được thong dong ngồi cà phê hay lai rai với bạn bè. Có khi đi đám tiệc, mới ngồi chưa nóng chỗ thì vợ đã réo “Anh ơi con sốt”. Giờ con học mẫu giáo anh mới nhẹ thở chút mà vợ đòi sinh nữa, anh muốn “chạy làng”. Anh Khang hẹn với vợ “chờ con lớn chút”, nhưng khái niệm “lớn chút” của anh là bao giờ thì chị Trang cũng không biết.

Cách đây 10 năm, anh Đức Minh - kỹ thuật viên điện của một bệnh viện tỉnh - cũng kiên quyết không cho vợ sinh thêm, vì vẫn còn bị ám ảnh hành trình nuôi đứa con gái đầu lòng gian khó, phải uống sữa bằng ống tiêm từ lúc con 5 tháng đến khi 2,5 tuổi. Anh từ chối cả chuyện kiếm con trai nối dõi tông đường.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Mỗi khi mẹ anh hối sinh thằng cháu nội đích tôn, anh gạt phăng: “Con có làm vương làm tướng gì mà cần con trai nối dõi. Khi nào tụi con mua được nhà, có tiền tiết kiệm rồi tính sau đi mẹ”.

Hối tiếc khi nhà "có biến"

Không trực tiếp chịu nỗi vất vả mang nặng đẻ đau hay trực tiếp cho con bú mớm, nỗi lòng của người đàn ông thường mang tính chất lo xa. Có cả 1.001 lý do khiến các ông từ chối có (thêm) con: không muốn chia sẻ tình thương dành cho đứa con đầu, áp lực tài chính của người trụ cột gia đình, gánh nặng nuôi dạy con từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành…

Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều người đã phải hối hận, day dứt cả phần đời còn lại vì quyết định này. Tại buổi trao giải cuộc thi “Làm bạn với con” do Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức trước đây, câu chuyện của vợ chồng ông Đinh Thành (ngoài 60 tuổi) làm những người tham dự đều xót xa và thương cảm.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Ông bà bày tỏ nỗi đau khôn nguôi vì cậu con trai duy nhất đã chọn từ bỏ cuộc sống bằng cách nhảy lầu ngay trong đêm giao thừa, ở tuổi 19. Nỗi đau mất con khiến ông bà như điên dại và trên hết là sự day dứt vì đã không kịp phát hiện ra nỗi đơn độc và khủng hoảng của con trai khi con chìm vào cơn nghiện game. Tuổi xế chiều cô độc, buồn bã càng khiến ông bà thêm hối tiếc vì quyết định “đẻ 1 đứa để nuôi dạy tốt” ngày xưa. Giấc mơ sinh thêm con đã vĩnh viễn không thành vì vợ chồng giờ đã lớn tuổi.

Hối hận, day dứt là điều thường gặp ở những đôi vợ chồng chỉ sinh 1 con, chẳng may có “biến” hoặc đến một lúc, đứa con duy nhất lớn khôn, căn nhà trở nên trống trải, vợ chồng bỗng dưng thèm tiếng khóc cười trẻ thơ thì đã không còn kịp nữa, vì tuổi tác không cho phép. Đó là chưa kể đến chuyện đứa trẻ không có anh chị em ruột sẽ bị “hội chứng con một”.

10 năm sau ngày có con gái đầu lòng, đến nay, anh Đức Minh mới tự nhận mình đã sai khi lúc trẻ “máy móc còn ngon lành” thì không chịu sinh. Đến bây giờ, vợ chồng anh quyết định có “tập 2” thì lực bất tòng tâm. Chị Loan - vợ anh - chia sẻ: “Ngày xưa ổng cản tui không cho sinh, để tới giờ ham con đến mức ai chỉ đi đâu, làm gì để có con cũng đi. Tôi nhìn chồng uống thuốc bắc, ăn cật heo chưng mỗi ngày theo như bài thuốc má chồng bày mà thấy tội ổng. Tiền bạc vợ chồng chắt mót dành dụm bao năm, giờ đổ theo giấc mơ tìm con mà không biết cơ hội thành công được bao nhiêu”.

Gia đình ít con - gánh nặng khi cha mẹ về già

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Công ty Khoa học ứng dụng tâm lý Hồn Việt - việc trì hoãn, né tránh sinh con, dù ở người vợ hay người chồng, đều dẫn đến hệ quả không tốt; không chỉ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình mà còn tác động đến sự phát triển chung của xã hội. Tỉ lệ sinh thấp dẫn đến nguy cơ già hóa dân số, thiếu hụt nguồn lực lao động, ảnh hưởng đến nền kinh tế…

Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm phân tích: vợ chồng nên sinh đủ 2 con. Thứ nhất, cha mẹ bớt căng thẳng, sợ hãi với những bất trắc khi chỉ có 1 đứa con. Thứ hai, gia đình tránh được “hội chứng con một” khi trẻ được cưng, nuông chiều thái quá vì là con duy nhất. Đặc biệt, khi trẻ có chị/anh/em chơi cùng, trẻ sẽ không có cảm giác cô độc và có thể chia sẻ trách nhiệm cùng nhau khi cha mẹ già yếu. Ví dụ, mỗi gia đình chỉ có 1 đứa con thì đứa trẻ sau này phải gánh, chịu trách nhiệm ít nhất đến 3 gia đình: tổ ấm nhỏ của vợ chồng, con cái của chúng; cha mẹ ruột; cha mẹ vợ/chồng và nội ngoại bên vợ, bên chồng…

Bà Nguyễn Thị Tâm cũng chia sẻ: để khuyến khích các ông chồng sẵn sàng làm cha thì vợ chồng cần chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con cái và việc nhà một cách công bằng, không nên dồn gánh nặng đó cho riêng người nào. Khi đàn ông tham gia vào việc nuôi dạy con, họ sẽ cảm nhận được niềm vui và gắn kết hơn với con, từ đó giảm bớt lo lắng và sẵn sàng đón nhận con cái.

Tỉ lệ gia đình chỉ có 1 người, 2 người gia tăng

Theo điều tra của Tổng cục Thống kê và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỉ lệ hộ gia đình 1 người (người độc thân) tăng từ 7,2% vào năm 2009 lên 10,4% năm 2019. Mặt khác, gia đình từ 5 người trở lên lại giảm từ 28,9% xuống còn 25,1%.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỉ lệ hộ gia đình 2 người (chỉ có vợ - chồng) tại Việt Nam là 28,8%. Tỉ lệ này có sự chênh lệch giữa khu vực thành thị và nông thôn: thành thị: 33,3%; nông thôn: 26,5%. Riêng tại TPHCM, tỉ lệ này cao hơn, lên đến 38,2%. Hộ gia đình 2 người thường phổ biến ở các gia đình trẻ, mới cưới, chưa có con.

Nguyên nhân tỉ lệ hộ gia đình chỉ có 2 người gia tăng có thể kể đến do chi phí nuôi dạy con cái cao, áp lực công việc, vợ chồng trẻ mong muốn dành nhiều thời gian cho nhau.

Theo phụ nữ TPHCM