Ngày 12.7, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTTN), tiếp tục có những chia sẻ về nội dung Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc mà Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Du Kiến hoa đã ký.
Nghị định thư này có hiệu lực từ 11.7.
Theo ông Hoàng Trung, Nghị định thư đã ký là cơ sở để chúng ta hoàn thiện các thủ tục tiếp theo, cũng như các khâu chuẩn bị để các lô hàng sầu riêng tươi có thể thông quan chính ngạch sang Trung Quốc. Nội dung trong Nghị định thư thực chất là các yêu cầu kỹ thuật cụ thể, chi tiết mà bên xuất khẩu buộc phải tuân thủ.
|
Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo các nhà vườn, cơ sở đóng gói, các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm các quy định để được xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc
|
Cụ thể, Trung Quốc đặt ra rất rõ ràng về tiêu chí có mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu vào thị trường này như: phải ghi chép nhật ký từ gieo trồng cho đến thu hoạch; các biện pháp theo dõi, xử lý các đối tượng sinh vật gây hại mà phía Trung Quốc quan tâm gồm: 1 loài ruồi, 3 loài rệp và 2 loài nấm.
Về vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với vùng trồng sầu riêng xuất khẩu vào Trung Quốc, các nhà vườn tuân thủ đúng quy định của phía Việt Nam thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng”. Bên cạnh đó, các nhà vườn phải thực hiện các yêu cầu của phía Trung Quốc như như không sử dụng các hoạt chất không được sử dụng; áp dụng các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với cây sầu riêng…
Cũng theo ông Trung, đây là nội dung Cục Bảo vệ thực vật sẽ tăng cường công tác quản lý, giám sát diện tích trồng cây sầu riêng để tất cả các sản phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc không vượt mức dư lượng tối đa cho phép.
Để chuẩn bị tốt nhất cho xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu các nhà vườn, cơ quan chuyên môn tại địa phương phải thường xuyên theo dõi, giám sát để đảm bảo tính bền vững và duy trì được tất cả các yêu cầu kỹ thuật đối với mã số vùng trồng.
“Chúng tôi cũng đã có chương trình tập huấn cho các cán bộ kỹ thuật “nằm” tại cơ sở đóng gói rất kỹ càng, khi mọi thứ được chuẩn hóa, sản phẩm mới được chuyển đi”, ông Trung nói.
Sầu riêng Việt Nam có lợi thế ở thị trường Trung Quốc
Cũng theo chia sẻ từ ông Hoàng Trung, trái sầu riêng Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế ở thị trường Trung Quốc khi đang có diện tích từ 85.000 - 95.000 ha, sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn.
Trong canh tác, nông dân hoàn toàn có thể sản xuất để rải vụ thu hoạch rất nhiều tháng trong năm, điều này sẽ thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch để xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc ở mọi thời điểm.
Bên cạnh đó, sầu riêng của Việt Nam được đánh giá có chất lượng rất cao, kể cả mùi vị và hàm lượng các dưỡng chất. Qua kiểm tra bước đầu, Cục Bảo vệ thực vật ghi nhận có rất nhiều nhà vườn trồng sầu riêng đã đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc.
Trong những ngày tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tổ chức 2 hội nghị tập huấn tại Tiền Giang và Đắk Lắk về các nội dung liên quan đến Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng để các địa phương, doanh nghiệp và cơ sở đóng gói nắm được thông tin và tuân thủ tốt nhất các quy định của phía Trung Quốc và Việt Nam.
Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật, cả nước hiện có 123 mã số vùng trồng và 57 cơ sở đóng gói sầu riêng tham gia xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Danh sách này đã được Cục Bảo vệ thực vật gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét phê duyệt và cập nhật lên website trước khi lô hàng sầu riêng đầu tiên tại Việt Nam được xuất khẩu vào Trung Quốc.
Theo Thanh niên