Theo số liệu của Hiệp hội mỳ ăn liền Thế giới (WINA), Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ mỳ gói lớn thứ ba toàn cầu với hơn 7 tỷ gói mỳ ăn liền trong năm 2020. Số lượng trên chỉ xếp sau Trung Quốc/Hong Kong và Indonesia. Tốc độ tăng tiêu thụ mỳ gói của Việt Nam là gần 30% trong năm ngoái. Tính chung giai đoạn 2016-2020, chỉ số này tăng trưởng trung bình 8,6% mỗi năm.
Tính theo bình quân đầu người, Việt Nam đứng nhì thế giới khi mỗi người tiêu thụ hơn 72 gói mỳ một năm, chỉ xếp sau Hàn Quốc. Mức trung bình trên cao gấp rưỡi Thái Lan, Nhật Bản, Indonesia, Philippines và gấp đôi Trung Quốc, gấp ba so với Mỹ.
Việt Nam hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mỳ ăn liền, bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện nay, phở ăn liền và mỳ ăn liền sản xuất tại Việt Nam có mặt tại hơn 40 thị trường.
2016:
13 010Là "ông lớn" nội địa, Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - MCH) đang sở hữu các dòng mỳ ăn liền như Omachi, Kokomi, Komi... Báo cáo thường niên năm 2020 cho thấy, doanh thu thuần của ngành hàng thực phẩm tiện lợi, trong đó có mỳ gói, đạt gần 6.900 tỷ đồng, tăng trưởng 38,5% so với năm 2019. Trong đó, doanh số mỳ Omachi tăng 32% so với năm 2019, chiếm lĩnh phân khúc cao cấp với 45% thị phần. Dòng mỳ ăn liền này cũng trở thành nhãn hiệu bán chạy nhất tại kênh siêu thị và mỳ tô bán chạy nhất cả nước. Ở phân khúc trung cấp, mỳ Kokomi cũng có mức tăng trưởng 43% so với cùng kỳ năm 2019 và hiện là nhãn hiệu mỳ bán chạy nhất miền Bắc.
Sang nửa đầu năm 2021, Masan Consumer ghi nhận doanh thu hợp nhất hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế gần hơn 2.000 tỷ đồng, tăng gần 8%. Trong đó, các sản phẩm tiêu dùng có thương hiệu có kết quả kinh doanh tăng trưởng đáng kể, đặc biệt các dòng sản phẩm mỳ gói hay snack khác được tiêu thụ mạnh giữa đại dịch.
Nhóm hàng thực phẩm tiện lợi có doanh thu tăng hơn 12% trong quý II so với cùng kỳ năm trước, kéo đà tăng trưởng cho doanh thu nửa đầu năm. Kết quả kinh doanh tích cực chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu cao hơn từ người tiêu dùng gia tăng dữ trự thực phẩm trước bối cảnh dịch bệnh trong tháng 6, kéo dài sang tháng 7. Dự kiến nhóm mỳ, cháo và bữa ăn liền của Masan sẽ tăng trưởng ở mức hai chữ số cho cả năm. Trong đó, phân khúc cao cấp đóng góp gần một nửa doanh thu toàn ngành hàng.
Thị trường mỳ ăn liền Việt Nam còn có Acecook, "ông lớn" đến từ Nhật Bản. Acecook tuyên bố trên website rằng đang chiếm khoảng một nửa thị phần Việt Nam sau gần 30 năm gia nhập. Trong năm 2020, doanh thu của họ đạt hơn 11.500 tỷ đồng, gấp rưỡi doanh thu nhóm ngành thực phẩm tiện lợi của Masan. Báo cáo hồi tháng 6 của Facts & Factors cũng chỉ ra, Acecook Việt Nam là một trong 11 nhà sản xuất mỳ gói lớn nhất khu vực châu Á.
Chia sẻ trên Asian Nikkei Review, đại diện nhà sản xuất mỳ ăn liền đến từ Nhật Bản đặt mục tiêu tăng doanh số bán mỳ ly tại Việt Nam lên khoảng 350 triệu sản phầm vào năm tới. Mức này tăng gấp đôi so với năm 2017. Kế hoạch của Acecook đề ra là có cơ sở khi tiêu thụ mỳ ăn liền nói chung của Việt Nam trong năm 2020 đã tăng gấp 1,4 lần so với 2017.
Ngoài ra, thị trường mỳ ăn liền Việt Nam cũng đang có nhiều doanh nghiệp chia nhau từng ngách lớn nhỏ. Các doanh nghiệp dù chiếm thị phần thấp cũng mang về doanh thu hàng nghìn tỷ đồng. Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (Vifon) từng chia sẻ với truyền thông, công ty này đang sở hữu hơn 100 mã hàng. Doanh thu trung bình hằng tháng của Vifon đạt 200-220 tỷ đồng.
Cũng có phần "lép vế" trong suốt thời gian dài nhưng Công ty cổ phần Thực phẩm Colusa - Miliket vẫn có thể bán được hơn 50 tấn "mỳ hai con tôm" mỗi ngày. Trong năm 2020, tổng sản lượng bán ra của Colusa - Miliket đạt hơn 18.500 tấn, đem về doanh thu hơn 620 tỷ đồng và lãi trước thuế hơn 28 tỷ đồng. Nếu không chịu khoản chi thu thuế đất gần 4 tỷ đồng thì công ty này có thể ghi nhận lợi nhuận hơn 32 tỷ đồng, tăng 28%.
Theo vnexpress