Kana Tsuyama có một con gái 5 tuổi. Cô là một trong số hàng nghìn phụ nữ ở "hòn đảo thiên đường" Okinawa nuôi con một mình. Tỉnh Okinawa, nơi có 1,5 triệu dân, đứng đầu Nhật Bản về số người trở thành mẹ đơn thân.
Tsuyama nghĩ rằng cô khó có thể sống qua ngày nếu không làm thêm nghề tiếp viên hộp đêm.
“Nhiều người ở Okinawa sống kiểu kiếm đồng nào, tiêu đồng đó. Chẳng hạn, số tiền tôi kiếm được trong một ngày sẽ lập tức dùng để trả học phí cho con hoặc trang trải sinh hoạt phí. Công việc chính của tôi không đủ để hỗ trợ cuộc sống hai mẹ con”, cô nói với VICE.
Okinawa vốn nổi danh là “hòn đảo thiên đường” của mọi thú vui, theo The Economist. Các chuyến du lịch trọn gói đã mời gọi nhiều khách quốc tế đổ dồn về sân bay thành phố Naha để tận hưởng ánh nắng ấm áp giữa mùa đông, các trung tâm mua sắm miễn thuế và ẩm thực hấp dẫn. Năm 2019, tỉnh đã đón hơn 10 triệu du khách.
Tuy nhiên, sự nghèo đói ở "hòn đảo thiên đường" dần bao phủ mọi khía cạnh của cuộc sống nơi đây, khiến người dân địa phương lo lắng rằng cái nghèo sẽ trở thành một phần của bản sắc văn hóa Okinawa.
Tsuyama cho biết thu nhập từ công việc chính ban ngày của cô không đủ nuôi 2 miệng ăn. Ảnh: Sebastian Stein.
Lo từng bữa ăn
Tại Nhật Bản, sự nghèo đói hoành hành gần 50% số hộ gia đình cha hoặc mẹ đơn thân. Ở Okinawa, vấn đề này cộng thêm tỷ lệ trẻ em nghèo đáng báo động - khoảng 30%, gần gấp đôi mức trung bình cả nước.
Theo giáo sư Kotaro Higuchi đến từ ĐH Okinawa, tỷ lệ nghèo đói cao ở các bà mẹ trẻ đơn thân đồng nghĩa rằng nhiều người trong số họ sẽ chuyển sang công việc bán dâm - một cách thuận tiện và sinh lợi để giúp họ thanh toán các hóa đơn.
“Những phụ nữ nghỉ học để lập gia đình không có đủ bằng cấp cần thiết để nhận một công việc văn phòng toàn thời gian. Do đó, họ chỉ biết nội trợ rồi tìm công việc làm thêm tới 2h sáng - một lịch trình quá sức đối với bất kỳ cá nhân nào và có thể dẫn đến tình trạng bỏ bê con cái”, giáo sư Higuchi, người nghiên cứu về nghèo đói và kinh tế ở tỉnh, cho hay.
Tsuyama cho biết khoảng 60% bạn bè là mẹ đơn thân của cô đã chọn làm tiếp viên hộp đêm - một trong số nhiều công việc ở ngành công nghiệp tình dục của Okinawa.
“Tôi luôn có những người bạn nói rằng ‘Ồ tôi hiện độc thân’ hoặc ‘Tôi sắp ly hôn rồi nên hãy chỉ cho tôi biết mình có thể làm tiếp viên ở đâu’”, cô kể lại. Ở Nhật Bản, các tiếp viên hộp đêm thường giữ chân khách hàng bằng cách rót nhiều rượu cho họ và ngồi trò chuyện.
Khung cảnh thơ mộng của Okinawa khiến hòn đảo được mệnh danh là "thiên đường". Ảnh: AP.
Tuy nhiên, tỷ lệ nghèo đói cao ở Okinawa phản ánh mối quan hệ phức tạp của tỉnh với phần còn lại của Nhật Bản và lịch sử bị chiếm đóng lâu dài.
Theo trợ lý giáo sư Yuko Irie đến từ ĐH Tokyo Gakukei, người nghiên cứu tình trạng trẻ em nghèo đói, ảnh hưởng nặng nề từ văn hóa Mỹ sau 28 năm bị chiếm đóng, cùng với sự hiện diện của các căn cứ hải quân lớn của Mỹ ngày nay khiến người dân đảo Okinawa khó có thể tái hòa nhập vào xã hội Nhật Bản.
Ngoài ra, trợ lý giáo sư cho biết khoảng cách vật lý giữa Okinawa với phần còn lại của Nhật Bản cũng khiến thương mại thêm khó khăn và đắt đỏ hơn.
Ảnh hưởng tâm lý nhiều thế hệ
Giáo sư Higuchi cho biết nghèo đói không còn đơn thuần là vấn đề kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của người dân. Năm 2018, Okinawa có tỷ lệ tự tử cao nhất cả nước.
Nghiện rượu và tử vong do say rượu là những vấn đề xã hội khác có liên quan đến cái nghèo ở Okinawa. Năm 2017, tỉnh có tỷ lệ tử vong do bệnh gan liên quan đến rượu cao nhất, ở cả nữ giới và nam giới.
Teruyuki Fukumoto, người đã đấu tranh với chứng nghiện rượu từ năm 18 tuổi, cho biết anh bắt đầu nghiện rượu khi làm việc tại một quán nhậu izakaya.
“Mọi chuyện đến mức tôi bắt đầu uống vào buổi sáng. Tôi trốn việc để uống, hoặc thậm chí đến chỗ làm rồi, tôi vẫn không thể ngừng uống rượu. Ông chủ đã đưa ra lời cảnh báo, nhưng tôi không thể ngừng lại. Do đó, tôi bị sa thải rồi trở thành vô gia cư. Tôi đi trộm rượu để thỏa mãn cơn thèm và đã ngồi tù 5 lần”, anh nói với VICE.
Các học giả lo lắng rằng ảnh hưởng của sự nghèo đói là theo chu kỳ và truyền qua nhiều thế hệ.
Fukumoto đấu tranh với chứng nghiện rượu trong nhiều năm. Ảnh: Sebastian Stein.
Trước tình hình này, chính quyền Okinawa bắt đầu các bước xóa đói giảm nghèo. Tỉnh đã thành lập trung tâm tham vấn và hệ thống cho vay quỹ phúc lợi để hỗ trợ người dân địa phương gặp khó khăn về tài chính.
Tuy nhiên, đối với mẹ đơn thân Tsuyama, vay tiền không phải là vấn đề. Chính những tác động cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống của cô tới con gái 5 tuổi khiến cô phiền lòng.
“Tôi lo lắng về sự ổn định cảm xúc của con gái trong tương lai. Mỗi khi tôi đi làm ban đêm, con bé khóc và cầu xin tôi đừng đi. Nhưng tôi hứa với con bé rằng tôi sẽ luôn trở về nhà. Và khi làm vậy, tôi thường mang về cho con gái nhiều tiền, bảo rằng ‘Thấy chưa, xem mẹ đã kiếm bao nhiêu tiền cho con này’”, cô nói.
Tsuyama cho biết cô không xấu hổ về công việc tiếp viên hộp đêm của mình. Tuy nhiên, cô không muốn con gái chịu cuộc sống tương tự. Thay vào đó, cô muốn bảo vệ niềm vui trẻ thơ của con gái.
Theo Zing