Hàng ngày, đội kiểm lâm Akashinga (có nghĩa "người dũng cảm" trong ngôn ngữ Shona bản địa) đi tuần trong Khu bảo tồn động vật hoang dã Phundundu rộng gần 300 km2 để bảo vệ voi, tê giác, và sư tử khỏi bẫy của kẻ săn trộm. Đội kiểm lâm bán quân sự này là lực lượng thuộc tổ chức phi lợi nhuận - Quỹ Chống săn bắn trộm quốc tế (IAPF).

Để gia nhập Akashinga, nữ ứng viên phải trải qua chương trình tuyển chọn khắt khe kéo dài ba ngày. Ảnh: Brent Stirton.

Ý tưởng về đội nữ kiểm lâm đến với Damien Mander, người sáng lập IAPF, sau khi ông trải qua nhiều năm đào tạo nam giới và đúc kết ra rằng phụ nữ phù hợp hơn nhiều với công việc bảo tồn. Họ không dễ bị mua chuộc và nhạy bén hơn trong việc hóa giải các tình huống có thể xảy ra xung đột.

Những phụ nữ trong Akashinga đều được tuyển chọn từ các làng quê xung quanh khu bảo tồn Phudundu. Bên cạnh chọn người bản địa, Mander còn ưu tiên người từng gặp biến cố trong đời như người mồ côi do AIDS, nạn nhân xâm hại tình dục hoặc bạo lực gia đình. "Liệu có ai thích hợp hơn với công việc bảo vệ động vật dễ tổn thương ngoài những người cũng từng bị ngược đãi?", Mander nhận định.

Được xây dựng dựa trên khóa đào tạo đặc vụ, chương trình tuyển chọn vào Akashinga yêu cầu ứng viên hoạt động ba ngày liên tục để thử thách khả năng làm việc nhóm trong tình trạng ướt quần áo, lạnh lẽo, và đói mệt. Trong 37 nữ ứng viên đầu tiên, Mander chọn được 16 người, nhưng chỉ ba người từ bỏ. Nhiều năm trước, Mander từng có buổi tuyển chọn tương tự với 189 nam ứng viên nhưng sau một ngày, chỉ còn ba người ở lại. "Chúng tôi tưởng rằng khóa tuyển chọn này sẽ là "địa ngục" với nữ ứng viên, nhưng hoá ra họ vốn dĩ đã trải qua "địa ngục" từ lâu", Mander nói.

Năm 2017, đội ngũ Akashinga chính thức ra đời, trở thành đội nữ kiểm lâm có vũ trang đầu tiên trên thế giới, theo IAPF. Nhưng dù được huấn luyện kỹ, tháng 3/2018, đội Akashinga cũng gặp phải bi kịch đầu tiên khi hai nữ kiểm lâm và một thầy huấn luyện chết đuối trong lúc qua sông. Sau thời gian bị sốc, các thành viên trong đội kiểm lâm dần lấy lại tinh thần và ngày càng dốc sức vào công việc.

Nguy hiểm vẫn luôn rình rập quanh các nữ kiểm lâm Akashinga khi làm nhiệm vụ. Petronella Chigumbura, bà mẹ đã ly hôn, cho biết từng gặp phải bắt giữ kẻ săn trộm có thái độ chống đối. "Tình hình rất khó đoán vì hắn ta có dao và giáo sắc", Chigumbura chia sẻ. Đôi khi, chị phải bắt giữ người họ hàng dù không muốn.

                   Các nữ kiểm lâm bảo vệ động vật hoang dã. Ảnh: Brent Stirton.

Dù một số người vẫn hoài nghi về việc đưa phụ nữ vào khu bảo tồn để chống lại những kẻ săn trộm bạo lực, Mander cho biết hiệu quả của chương trình rất hiển hiện. Từ 2017 tới nay, Akashinga đã thực hiện hàng trăm vụ bắt giữ, giúp giảm 80% số vụ săn trộm voi tại khu vực Thung lũng Vùng thấp Zambezi, một trong những quần thể voi lớn nhất còn sót lại trên trái đất, theo IAPF.

Thông qua mô hình Akashinga, cuộc sống của những nữ kiểm lâm cũng được cải thiện. Nhiều người trong số họ hiện đã có đủ khả năng kinh tế để nuôi con cái ăn học, lấy bằng lái xe, học đại học, hoặc xây nhà,...

Với kết quả khả quan, IAPF cho biết đang trong quá trình đào tạo thêm 160 nữ ứng viên nữa trong năm nay để trở thành cán bộ kiểm lâm toàn thời gian. Mục tiêu của chương trình tới năm 2025 sẽ đạt tới quy mô 1.000 nữ kiểm lâm để bảo vệ 20 khu bảo tồn thiên nhiên.

Theo  vnexpress