Tràn lan sách giả, sách lậu, vi phạm bản quyền 

Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng” (trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á - ABPA) vừa diễn ra ngày 15/9 ở TPHCM. Đại diện các nước đã có những trao đổi, chia sẻ về thực trạng cũng như đề xuất giải pháp đối phó với tình trạng sách giả, sách lậu và vi phạm bản quyền trên không gian mạng hiện nay.

Hội thảo quốc tế “Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng” đề xuất nhiều giải pháp để giải quyết trình trạng sách giả, sách lậu, vi phạm bản quyền
Hội thảo quốc tế “Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng” đề xuất nhiều giải pháp để giải quyết trình trạng sách giả, sách lậu, vi phạm bản quyền

 

 Theo số liệu của Media Partners Asia, năm 2022, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực, sau Indonesia và Philippines về tỉ lệ vi phạm bản quyền trên không gian mạng. Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - nêu ra 3 hình thức vi phạm phổ biến gồm: bán sách giả, sách lậu trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội; sử dụng các website, ứng dụng (app) OTT… để cung cấp các sản phẩm sách số (đọc, nghe, nhìn) vi phạm bản quyền; lợi dụng AI tạo ra các tác phẩm phái sinh.

 
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh:“Tôi vẫn trông chờ nhất ở các cơ quan có trách nhiệm”

Với mức độ lộng hành hiện nay của sách giả, sách lậu, đã có thể gọi đây là “quốc nạn”. Nó giống như một thứ vi rút, dịch bệnh liên tục bào mòn sức khỏe văn hóa, sức khỏe tinh thần của cộng đồng. Nhìn xa hơn, nạn sách giả, sách lậu còn làm xấu hình ảnh của đất nước, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung và kinh doanh văn hóa của Việt Nam nói riêng.

Với một quốc gia mà nạn xâm phạm bản quyền diễn ra ngang nhiên từ năm này qua năm khác với quy mô ngày càng lớn, các nhà đầu tư hiển nhiên sẽ dè dặt khi hợp tác. Dẹp hay không dẹp được tệ nạn này sẽ cho thấy năng lực quản lý và quyết tâm của Nhà nước trong việc làm trong sạch hóa môi trường văn hóa và kinh doanh của đất nước.

Chúng ta không thể xây dựng văn hóa đọc bằng cách để phát tán ngày càng nhiều sách giả, sách lậu, sách vi phạm bản quyền, vi phạm luật pháp, vi phạm các công ước quốc tế.
Để đẩy lùi tệ nạn này, cần có sự chung tay của toàn xã hội, kêu gọi nâng cao ý thức của cộng đồng nhưng tôi vẫn trông chờ nhất ở các cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền. Nếu chỉ để những nạn nhân thâm niên của tệ nạn này là các nhà văn và các đơn vị xuất bản tuyệt vọng lên tiếng như lâu nay thì đó là hiện tượng bất thường và tất nhiên hành trình chống sách giả, sách lậu sẽ chẳng thể nào đến đích.

 

 “Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi. Các đối tượng vi phạm có xu hướng chuyển dịch từ phương thức truyền thống sang phương thức thương mại điện tử, thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… Ngoài ra, những hành vi xâm phạm quyền tác giả này còn được người dùng tiếp tay khi đọc/xem các bản sao chép lậu trên mạng” - bà Phan Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ - nói. 

Tham gia hội thảo, đại diện các nước cũng chia sẻ về thực trạng vi phạm bản quyền trên không gian mạng tại quốc gia mình.

Ông Arys Hilman Nugraha - Chủ tịch Hội Xuất bản Indonesia - cho biết sau COVID-19, hơn 75% đơn vị xuất bản tại quốc gia này đã đẩy mạnh kinh doanh sách trực tuyến và đã có hơn 75% thành viên Hiệp hội Xuất bản Indonesia phát hiện sách của họ bị vi phạm bản quyền.

Tương tự, tình trạng này cũng phổ biến ở Thái Lan, Malaysia, Philippines… Sách giả, sách lậu là vấn đề không của riêng quốc gia nào trong thời đại số. Hội thảo lần này hướng đến mục đích các nước ASEAN cùng đề ra giải pháp và có tuyên bố chung trong việc bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng. 

Hợp tác để tìm giải pháp 

Nhiều năm qua, các đơn vị làm sách trong nước đã “kêu trời” vì liên tục phải đối phó với các fanpage bán sách giả, sách lậu. Report (báo cáo) trang này thì trang khác mọc lên, hoạt động với hình thức tinh vi hơn. Dù giới truyền thông tích cực cảnh báo nhưng không ít độc giả vẫn bị lừa mua sách giả hoặc tự nguyện mua vì giá rẻ. Nạn sách giả, sách lậu trên không gian mạng không chỉ do người bán vi phạm mà còn có phần tiếp tay của người mua. Đây thuộc về vấn đề nhận thức của một bộ phận người dùng. 

Giải pháp báo cáo các trang bán sách giả trên mạng cũng được các quốc gia ASEAN áp dụng nhưng đây chỉ là cách xử lý phần ngọn, không đạt hiệu quả triệt để. Ông Phạm Minh Tuấn - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á - cho rằng nạn sách giả, sách lậu trên không gian mạng không thể được giải quyết chỉ nhờ một quốc gia riêng lẻ mà cần có sự chung tay, phối hợp đấu tranh của các nước ASEAN.

Bạn đọc, người dùng cần chung tay bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng.
Bạn đọc, người dùng cần chung tay bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng

 

“Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á cần phải đi tiên phong trong vấn đề này. Nỗ lực phối hợp cùng nhau đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp, chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh với hành vi vi phạm bản quyền là giải pháp cần được đẩy mạnh trong thời gian tới” - ông Phạm Minh Tuấn nói.

Đại diện Philippines cho biết, hiện quốc gia này đã có sự kết nối giữa tổ chức bảo vệ bản quyền và các nền tảng số để có thể gỡ bỏ sách giả, sách lậu ngay lập tức. “Trong tương lai, chúng tôi sẽ cố gắng thúc đẩy các chính sách để có thể thu hồi giấy phép của các cơ sở in lậu, cũng như giáo dục để mọi người tôn trọng bản quyền” - ông Atty. Dominador D.Buhain - Chủ tịch Hội Xuất bản Philippines - nói. Ở Indonesia, Malaysia… đều có các đơn vị, tổ chức kiểm soát tình trạng vi phạm bản quyền trên không gian mạng. 

Giải pháp được hầu hết các đại biểu đồng thuận là: cần có sự can thiệp về mặt chính sách, cơ chế và biện pháp công nghệ, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân. “Để chống lại nạn sách lậu trong ngành xuất bản, chính phủ và các đơn vị trong ngành cần phối hợp với nhau nhằm nâng cao nhận thức về luật bản quyền và luật sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, cũng cần xử phạt nghiêm khắc hơn đối với người vi phạm” - ông Sheikh Faisal Sheikh Mansor - Chủ tịch Hội Xuất bản Malaysia - nêu quan điểm.

“Kinh nghiệm ở các quốc gia cho thấy, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần bổ sung thêm các thiết chế để hỗ trợ, bảo vệ bản quyền. Việc thành lập trung tâm bảo vệ bản quyền của Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á cũng là điều cấp thiết để có thể tạo ra tiếng nói chung mạnh mẽ, buộc các nền tảng xã hội xuyên biên giới như Facebook, TikTok phải thực hiện những cam kết về bảo vệ bản quyền, đưa ra những chính sách hỗ trợ các nước trong khu vực” - ông Nguyễn Nguyên đúc kết. 

Ông Nguyễn Xuân Minh - Giám đốc kế hoạch và bản quyền, Công tyVăn hóa và Truyền thông Nhã Nam: "Cần tận dụngkhông gian mạngđể nâng cao nhận thức"

Nền tảng mạng xã hội, internet hiện nay đang là “sân chơi” chủ đạo của các đối tượng kinh doanh sách lậu, sách giả, ebook, audiobook vi phạm bản quyền. Vì vậy, cần tận dụng các nền tảng này để tuyên truyền nâng cao ý thức của độc giả, bằng các cách:

- Xây dựng kênh thông tin chính thức của Hội Xuất bản Việt Nam trên mạng xã hội nhằm chia sẻ thông tin, kiến thức để độc giả phân biệt sách thật - sách giả; đồng thời giới thiệu các địa chỉ bán sách uy tín.

- Các đơn vị xuất bản tăng cường đăng bài hướng dẫn độc giả của mình, sản xuất thêm nhiều nội dung sáng tạo về chủ đề này.

- Đề nghị các tác giả, dịch giả, những người đánh giá sách có ảnh hưởng trên mạng xã hội chia sẻ thông tin, kêu gọi độc giả không mua sách lậu, sách giả.

- Tổ chức các cuộc thi, mini game online về chủ đề này, nhằm có thêm nhiều cách thức sáng tạo hơn để truyền tải thông tin đến độc giả.

Theo phụ nữ TPHCM