|
|
Người dân Hàn Quốc ngày càng đặt nặng các vấn đề về tiền bạc trong cuộc sống. Ảnh minh họa: James Oaten/ABC News. |
Trải qua quá trình phát triển đầy biến động trong thế kỷ 20, Hàn Quốc dường như bị ám ảnh bởi tiền bạc hơn bao giờ hết và tụt hậu so với các nền kinh tế lớn khác trong việc theo đuổi các giá trị phi vật chất.
Khảo sát Giá trị Thế giới năm 2018, một dự án nghiên cứu khám phá giá trị, niềm tin, góc nhìn, quan điểm của con người và ảnh hưởng của chúng tới tình hình chính trị xã hội của các quốc gia trên thế giới, củng cố quan điểm này.
Khảo sát cho hay 45% công dân Hàn Quốc được xác định là những người theo chủ nghĩa duy vật, cao hơn đáng kể so với Nhật Bản (21,6%), Pháp (19,2%) và Mỹ (14,4%), theo Asia News Network.
Tác động lên lựa chọn nghề nghiệp
Tại Hàn Quốc xuất hiện một thuật ngữ là "financial treatment" (tạm dịch: liệu pháp tài chính), chỉ ra rằng riêng kiếm tiền cũng có thể đóng vai trò như một phương pháp hoặc "phương thuốc" chữa trị các vấn đề tâm lý và thể chất khác nhau.
"Liệu pháp" đặc biệt phổ biến trong giới lao động trẻ Hàn Quốc, phản ánh niềm tin mãnh liệt rằng tiền bạc là trọng tâm hàng đầu trong nền kinh tế tư bản hỗn hợp với mạng lưới an sinh xã hội hạn hẹp của đất nước họ.
|
|
Nhiều người lao động Hàn Quốc đặt tiền là động lực đi làm của họ. Ảnh minh họa:Karolina Kaboompics/Pexels. |
Những người ủng hộ "liệu pháp tài chính" thường tập trung vào tiền bạc và ít tìm kiếm sự thỏa mãn cá nhân trong công việc. Nói cách khác, tiền kiểm soát lựa chọn nghề nghiệp của họ.
Theo khảo sát Statistics Korea năm ngoái, tỷ lệ thanh niên Hàn Quốc trong độ tuổi 13-19 theo đuổi nghề nghiệp để kiếm tiền chiếm đến 35,7%. Phát hiện này đánh dấu một sự thay đổi mạnh mẽ so với một thập kỷ trước, khi 38,1% ưu tiên sự nghiệp dựa trên niềm đam mê và tài năng cá nhân của họ.
Lee Eun-hee, giáo sư khoa học tiêu dùng tại Đại học Inha (Hàn Quốc), nhấn mạnh khoảng cách ngày càng lớn giữa "professional pursuits" (theo đuổi sự nghiệp) và "personal fulfillment endeavors" (sự thỏa mãn cá nhân) trong xã hội Hàn Quốc hiện đại.
Theo bà Lee, trong thời đại mà sự nghiệp kéo dài cả đời đang dần biến mất, đối với nhiều người, dường như tiền bạc mới là sự công nhận thành công và đảm bảo đạt được những mục tiêu sống của họ.
|
|
Hàn Quốc đặt tiền bạc lên trên cả gia đình. Ảnh minh họa:REUTERS/Kacper Pempel/Illustration/File Photo. |
Trong một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố vào tháng 11/2021, trong số 19.000 người trưởng thành ở 17 nền kinh tế tiên tiến được khảo sát về điều gì mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của họ, chỉ có khoảng 6% trong số 1.006 người trưởng thành ở Hàn Quốc xác định nghề nghiệp của bản thân là nguồn ý nghĩa chính. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong số tất cả 17 quốc gia được khảo sát.
Ngoài ra, nghề y lần đầu tiên đứng đầu danh sách công việc được người dân Hàn Quốc ưa chuộng, với mức độ phổ biến tăng gấp đôi trong 5 năm, từ 8% năm 2019 lên 16% vào năm 2024, theo khảo sát công bố hôm thứ Tư của công ty tư vấn và phân tích Gallup tại Hàn Quốc.
Tính đến năm 2020, các bác sĩ ở xứ sở kim chi kiếm được mức lương trung bình hàng năm khoảng 260 triệu won (187.000 USD). Con số này cao nhất trong số các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, nơi thu nhập trung bình hàng năm của họ ở mức 108.482 USD, theo dữ liệu từ Bộ Y tế và Phúc lợi.
Giáo sư Lee Eun-hee cho biết thêm: "Khác với những thế hệ trước, các bậc cha mẹ Hàn Quốc ở độ tuổi 40 mở tài khoản ngân hàng cho con cái để chúng có kinh nghiệm đầu tư sớm. Xu hướng này nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của việc tích lũy của cải".
Quyết định hôn nhân
Theo dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Pew, nếu ở 14 quốc gia khác, "gia đình và con cái" được xếp hạng đầu tiên là nguồn gốc của một cuộc sống có ý nghĩa, tại Hàn Quốc, yếu tố này đứng thứ 3, sau tiền bạc, sức khỏe thể chất và tinh thần.
Nỗi ám ảnh về tiền bạc này ngày càng rõ rệt hơn khi len lỏi vào khía cạnh hôn nhân, nền tảng hình thành của gia đình.
|
|
Hôn nhân ở Hàn Quốc cũng chú trọng vấn đề tài chính. Ảnh minh họa: Marina Abrosimova/Pexels. |
Hur, một sinh viên tốt nghiệp ở độ tuổi 20 cho hay hôn nhân là "hiện thực". Cô ngụ ý rằng tình yêu khó có thể nảy nở nếu không có mảnh đất màu mỡ ổn định về tài chính.
"Tôi không thể tưởng tượng được việc kết hôn ngay cả với người tôi yêu nếu anh ấy không thể thể đảm bảo tài chính ổn định cho tương lai mà không biết được sẽ kéo dài bao lâu. Tiêu chuẩn về tài chính này giúp tôi thu hẹp đối tượng tiềm năng, vì chỉ tình yêu thôi thì chưa đủ", cô nói.
Theo một nghiên cứu năm 2022 của Viện nghiên cứu dân số YuWa (Trung Quốc), Hàn Quốc là quốc gia đắt đỏ nhất để nuôi một đứa trẻ từ sơ sinh đến 18 tuổi, với tổng chi phí lên tới hơn 300 triệu won, gấp khoảng 7,8 lần tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người của xứ kim chi.
Trung Quốc đứng thứ hai, với chi phí trung bình gấp gần 6,3 lần GDP bình quân đầu người, theo sát là Italy với 6,28 lần GDP bình quân đầu người.
Nguyên nhân sâu xa
Ham muốn kiếm tiền mạnh mẽ đã khiến nhiều thanh niên Hàn Quốc thích sử dụng tiền vay để đầu tư. Sau đó, họ dùng lợi nhuận từ những khoản đầu tư này để trả nợ thay vì chỉ tiết kiệm tiền hoặc tập trung vào việc tăng thu nhập như cách làm của cha mẹ họ.
Theo Cơ quan Giám sát Tài chính, người Hàn Quốc đã tích lũy khoản nợ 476,9 nghìn tỷ won trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ tháng 7/2022, với 30% (134 nghìn tỷ won) được vay bởi các cá nhân ở độ tuổi 20 và 30, chủ yếu để đầu tư vào nhà ở và chứng khoán.
|
|
Xã hội Hàn Quốc xem trọng tiền bạc xuất phát từ nguyên nhân tôn giáo và phát triển kinh tế. Ảnh minh họa:Shutterstock. |
Nhà xã hội học Cheong Soo-bok đi sâu vào tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này trong cuốn sách Cultural Grammar of Koreans xuất bản năm 2007 của mình.
Cuốn sách chỉ ra rằng Nho giáo Hàn Quốc không nhấn mạnh đến cuộc sống sau khi chết mà tập trung vào việc sống tốt trong kiếp sống hiện tại. Điều này khiến việc thành công trong cuộc sống, đặc biệt là tích lũy của cải, trở nên thiết yếu đối với người Hàn Quốc.
Nhìn từ góc độ thực tế hơn, giáo sư Lee Eun-hee nhận thấy rằng vấn đề tiền bạc có mối liên hệ chặt chẽ với điều kiện sống đắt đỏ ở Seoul. Điều này dường như thúc đẩy các mục tiêu đảm bảo tài chính ngày càng vượt quá tầm kiểm soát.
Theo bà Lee, về lâu dài, Hàn Quốc sẽ phải làm cho cuộc sống bên ngoài khu vực thành thị trở nên khả thi và hấp dẫn hơn, nơi cuộc sống không còn tập trung vào tiền bạc.
Theo lifestyle.znews