Du khách thích gì thời hậu Covid-19?
Cập nhật lúc 22:28, Thứ bảy, 10/12/2022 (GMT+7)
Kết quả khảo sát doanh nghiệp và chuyên gia của Vietnam Report thực hiện trong tháng 10 - 11.2022 cho thấy có 5 xu hướng phát triển của ngành du lịch trong bối cảnh hậu Covid-19.
Theo báo cáo, có 5 xu hướng phát triển của ngành du lịch trong bối cảnh hậu Covid-19. Những xu hướng đó gồm số hóa ngành du lịch ngày càng trở nên phổ biến. Khảo sát của Vietnam Report thực hiện trong tháng 11.2022 cho thấy, kênh đặt dịch vụ được phần lớn khách du lịch lựa chọn khi du lịch là qua ứng dụng như Traveloka, Booking.com… (78,5%), tiếp đó là qua website của công ty du lịch (56,9%), rồi mới đến đặt trực tiếp tại văn phòng của đại lý, công ty du lịch (36,9%). Khảo sát cũng cho thấy xu hướng khách du lịch ưu tiên các phương thức thanh toán không tiếp xúc, hạn chế tiền mặt nhiều hơn với tỷ lệ khách hàng sử dụng thẻ tín dụng lên tới 72,3%, chuyển khoản 52,3%, ví điện tử 46,2% rồi mới đến tiền mặt (33,9%).
|
Du lịch nội địa hay các chuyến đi ngắn ngày dần trở thành xu hướng
|
Xu hướng thứ hai là du khách dù để giải trí hay công tác thường có xu hướng chọn các điểm đến trong nước. Trong tương lai, xu hướng này dự kiến sẽ tạo ra nhu cầu về các kế hoạch du lịch theo khu vực, chẳng hạn như người châu Á đi du lịch trong châu Á, người châu Âu đi du lịch trong châu Âu... Các điểm du lịch trong nước được phần lớn khách du lịch ưu tiên lựa chọn như miền Trung (78,5%), miền Bắc (70,8%), miền Nam (56,9%), sau đó là các khu vực lân cận như Đông Nam Á (61,5%) và châu Á (56,9%). Đáng lưu ý, hơn 1/3 khách du lịch lựa chọn du lịch tại các địa điểm trong và gần tỉnh/thành phố mà họ ở. Bên cạnh đó, cũng có 75,4% số khách du lịch lựa chọn các chuyến đi ngắn từ 2 - 3 ngày, hoặc 4 - 5 ngày.
|
Du lịch nội địa và ngắn ngày lên ngôi
|
Một xu hướng khác là du lịch bền vững phát triển. Du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhận thức rõ hơn về tác động của họ, không chỉ đối với môi trường mà còn về mặt xã hội và cộng đồng nơi họ sinh sống. Gần 94% số khách du lịch tham gia khảo sát cho biết họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các dịch vụ du lịch, đặc biệt là dịch vụ ăn uống, để thúc đẩy du lịch bền vững. Chẳng hạn, thông qua việc du lịch vào thời gian thấp điểm để giảm sức chứa của điểm du lịch; sẵn sàng giảm bớt sự thoải mái khi du lịch (chẳng hạn chọn phương tiện công cộng thay vì taxi); chấp nhận thời gian di chuyển giữa các điểm đến dài hơn (chẳng hạn đi tàu hỏa thay vì đi máy bay)…
Từ đó, xuất hiện hình thức mới là du lịch dựa vào cộng đồng. Hình thức này mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Du khách có thể có trải nghiệm đích thực. Nhiều khách du lịch trong nước coi du lịch cộng đồng là một phần giúp thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Đó là mua đặc sản địa phương từ người dân địa phương; mua thực phẩm từ các nhà hàng địa phương thay vì các chuỗi nhà hàng…
Xu hướng cuối cùng được dự báo là du lịch chăm sóc sức khỏe sẽ lên ngôi. Theo Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), du lịch gắn với sức khỏe sẽ tăng trưởng mạnh mẽ thời hậu Covid-19. Theo Viện Sức khỏe Toàn cầu (GWI), loại hình du lịch này có thể chạm mức doanh thu 919 tỉ USD vào năm 2022. Du lịch sức khỏe là dịch vụ thiên về nghỉ dưỡng, thư giãn, làm đẹp và chăm sóc sức khỏe để thể chất cân bằng và tinh thần vui vẻ...
Theo Thanh niên