Mục tiêu 17 - 18 triệu khách trong tầm tay
Số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê cho biết sau 9 tháng kể từ đầu năm, khách quốc tế đến VN đạt 12,7 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 10,8 triệu lượt, chiếm 84,9% lượng khách quốc tế, tăng 38,7%. Khách đường bộ đạt gần 1,8 triệu lượt, chiếm 13,8%, tăng 68,1%.
Trong tháng 8, VN đón 1,433 triệu lượt khách, đưa tổng số khách ngoại vượt 17% so với giai đoạn hoàng kim trước đại dịch, đạt 11,4 triệu lượt khách so với hơn 11,3 triệu lượt khách quốc tế sau 8 tháng năm 2019. Tuy nhiên, có điểm cần lưu ý, trong khi tháng 9 là giai đoạn bước vào cao điểm nhưng lượng khách quốc tế lại chỉ còn 1,27 triệu lượt, giảm khoảng 300.000 lượt khách so với cùng kỳ 2019. Điều này khiến tổng lượng khách quốc tế đến VN sau 9 tháng năm 2024 lại kéo về thấp hơn khoảng 100.000 lượt khách so với đỉnh 2019.
Chỉ còn 3 tháng để bứt tốc khoảng 5 triệu lượt khách, kéo theo quan ngại về khả năng ngành du lịch không đạt mục tiêu đề ra trong năm nay. Nỗi lo càng tăng khi thị trường trọng điểm trước dịch là Trung Quốc vẫn cách khá xa mức phục hồi hoàn toàn. Đến hết năm 2019, VN đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm 1/3 tổng số khách du lịch quốc tế. Từ đầu năm đến nay, sau nhiều nỗ lực, Trung Quốc đã vươn lên là thị trường khách quốc tế lớn thứ 2 của du lịch VN (sau Hàn Quốc). Tuy vậy, tính đến hết tháng 8, VN mới đón gần 2,45 triệu lượt khách Trung Quốc, chỉ bằng 72,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Về vấn đề này, đại diện Cục Du lịch quốc gia cho rằng tuy thị trường lớn nhất của VN trước dịch là khách Trung Quốc chưa phục hồi hoàn toàn nhưng tốc độ tăng trưởng từ tháng 7 đến nay khá khả quan. Bù lại nữa, chúng ta đã khai thác khá tốt nhiều thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, thị trường khách châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch… và đặc biệt là thị trường Ấn Độ.
Vừa qua, VN đã đón thành công đoàn 4.500 du khách Ấn Độ, đóng góp lớn vào tăng trưởng du lịch trong tháng. Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia trong 8 tháng, lượng khách Ấn Độ tăng tới 263% so với cùng kỳ 2023, đạt 312.000 lượt, đưa thị trường tỉ dân mới nổi này lên vị trí thứ 8 trong 10 thị trường khách quốc tế đến VN đông nhất.
Du khách quốc tế trên tàu du lịch biển Silver Spirit cập cảng Tiên Sa, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng. ẢNH: NGUYỄN TÚ
Để đón lượng khách Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng cao trong thời gian tới, Bộ VH-TT-DL, Cục Du lịch quốc gia đã xây dựng chiến lược đẩy mạnh xúc tiến du lịch với thị trường đông dân nhất thế giới này. Cụ thể, các sự kiện đã được tổ chức như: Ngày VN tại Ấn Độ, diễn đàn xúc tiến du lịch giữa 2 quốc gia, các chương trình giới thiệu du lịch tại các hội chợ quốc tế...
Bên cạnh việc các hãng hàng không của VN mở thêm đường bay thẳng tới các thành phố lớn của Ấn Độ, Cục Du lịch quốc gia cũng phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp trên cơ sở nghiên cứu kỹ các hành vi tiêu dùng cũng như sở thích của người Ấn Độ. Đây là những sản phẩm du lịch cao cấp, đặc thù để đáp ứng nhóm khách có nhu cầu chi tiêu cao đến từ Ấn Độ. Đặc biệt, trong tháng 10 này, Cục sẽ phối hợp với các đơn vị lữ hành, các địa phương có điểm đến hấp dẫn để tổ chức chương trình quảng bá du lịch VN với quy mô lớn tại Ấn Độ.
"Cùng với đó, quý 4 là thời điểm vàng để các điểm du lịch của VN hút khách quốc tế đến từ Mỹ, châu Âu khi các nước này bước vào mùa nghỉ đông. Do vậy, con số 17 - 18 triệu lượt khách du lịch trong năm 2024 vẫn là mục tiêu khả thi", đại diện Cục Du lịch quốc gia nhìn nhận.
Đổi công thức xúc tiến, quảng bá
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đánh giá sự phục hồi tích cực của ngành du lịch thời gian qua chủ yếu đến từ chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, cùng với những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng đã thu hút khách quốc tế đến VN ngày càng tăng.
Gần đây, cùng với việc đẩy mạnh thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng bá trên nền tảng số, ngành du lịch nước ta cũng đã chủ động tham gia nhiều sự kiện, hội chợ du lịch quốc tế lớn, góp phần thúc đẩy lượng khách quốc tế đến VN. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận công tác quảng bá, xúc tiến du lịch vẫn tồn tại nhiều điểm nghẽn, nhất là khi nguồn kinh phí chỉ khoảng 2 triệu USD/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức đầu tư hơn 100 triệu USD/năm của các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia…
Trong khi đó, cơ chế giải ngân kinh phí từ Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch chưa được khơi thông; ngành du lịch chưa có lực lượng xúc tiến tại chỗ thông qua các văn phòng xúc tiến tại nước ngoài… Thực trạng này đặt ra yêu cầu du lịch VN phải có những phương thức, cách làm mới, sáng tạo trong quảng bá, xúc tiến để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng của thị trường, công nghệ.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nhận định: Trong bối cảnh các chiến dịch xúc tiến, quảng bá tầm quốc gia còn nhiều hạn chế, các địa phương đã rất chủ động tiếp cận thị trường, tổ chức nhiều chương trình xúc tiến trực diện để hút được lượng khách đúng và trúng. Đơn cử năm nay, Đà Nẵng dự kiến đón 9,8 triệu khách, với lượng khách quốc tế đạt khoảng hơn 4 triệu người. Đặt kỳ vọng vào các thị trường khách lớn truyền thống như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, các thị trường Đông Nam Á, Ấn Độ, châu Âu nên ngay từ đầu năm, cộng đồng doanh nghiệp (DN) du lịch Đà Nẵng đã luôn đồng hành cùng các cơ quan nhà nước để triển khai hàng loạt chương trình, chính sách phát triển sản phẩm mới cũng như kích cầu và đầu tư chiều sâu cho hoạt động xúc tiến vào các thị trường này. Trong 3 tháng còn lại của năm, Đà Nẵng sẽ tiếp tục có những chương trình xúc tiến rất sâu vào các thị trường có khả năng phục hồi nhanh như Malaysia, Indonesia, Philippines.
NGUỒN: CỤC DU LỊCH QUỐC GIA
"Chúng tôi sẽ tổ chức Ngày hội du lịch thành phố Đà Nẵng từ ngày 17 - 20.10. Đây là sự kiện kết nối khoảng hơn 200 đối tác lữ hành trong và ngoài nước cũng như hơn 500 đội ngũ dịch vụ cả nước về với Đà Nẵng. Đặc biệt, các DN du lịch Đà Nẵng thường xuyên xúc tiến quảng bá sâu trên các nền tảng nhắm đến hệ thống khách hàng trực tiếp. Khi khách đã thay đổi cơ bản xu hướng, chuyển sang tự tìm hiểu, tìm kiếm thông tin và đặt dịch vụ trực tiếp ở điểm đến thì Đà Nẵng bắt nhịp rất nhanh trong việc thay đổi hình thức tiếp cận khách hàng. Từ việc tiếp cận khách qua hệ thống trung gian, vẫn duy trì theo hình thức chuyên sâu nhưng giờ đây chúng tôi mở rộng thêm hình thức xúc tiến thẳng đến khách hàng cuối cùng. Với sự thuận tiện của thông tin điểm đến cũng như sự hấp dẫn, tính cạnh tranh cao trong tìm kiếm thông tin và triển khai đặt dịch vụ trực tiếp, chúng tôi tin rằng khách sẽ luôn trở lại Đà Nẵng", ông Cao Trí Dũng thông tin thêm.
Đồng tình, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch HĐTV Công ty Lữ hành Saigontourist, nhấn mạnh với hành vi du lịch thay đổi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch phải đa dạng hóa phương thức, tổng lực làm nhiều loại chương trình. Các công ty lữ hành chủ động liên hệ trực tiếp các đối tác cũ, tham gia các hội chợ quốc tế, chương trình xúc tiến, tổ chức hội thảo giới thiệu quảng bá, kết hợp nhiều đơn vị… Đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin chính sách giá cả dịch vụ, sản phẩm trực tiếp cho các đối tác để có được sản phẩm tốt nhất cho khách hàng. Ông Yên cũng lưu ý hiện nay xu hướng đối tượng khách lẻ đang tăng mạnh. Trong khi việc cung ứng dịch vụ cho khách lẻ thường thông qua OTA (các nền tảng kết nối du lịch trực tuyến như Booking, Agoda, Traveloka…) nhưng chi phí rất cao, khoảng 30 - 40%. Do đó, các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú… phải có công cụ quảng bá trên nhiều nền tảng mạng xã hội để lượng khách lẻ có thể book trực tiếp tới đơn vị mình (B2C).
"Cục Du lịch quốc gia đã có sẵn nhiều thước phim, clip, hình ảnh quảng bá du lịch. Các đơn vị dịch vụ có thể tải từ kho dữ liệu về, gắn logo đơn vị này lên rồi quảng bá đồng loạt hình ảnh điểm đến VN. Cả ngàn, cả vạn đơn vị cùng sử dụng một kho dữ liệu, cùng chung tay quảng bá thì mức độ lan tỏa sẽ rất tốt. Cần rất đa dạng phương thức truyền thông, quảng bá, không thể chỉ trông chờ những cách làm truyền thống như trước đây", ông Yên đề xuất.
Vẫn chờ bứt phá
Mặc dù mục tiêu phục hồi về thời hoàng kim 2019 của du lịch VN đang có nhiều tín hiệu khả quan nhưng khoảng cách với các "đối thủ" như Thái Lan, Malaysia… vẫn đang khá xa.
Cụ thể, nếu đạt mục tiêu, hết năm nay, Thái Lan sẽ đón gần 37 triệu lượt khách quốc tế, mang về doanh thu lên tới 95,5 tỉ USD. Malaysia cũng đã có cuộc bứt tốc ngoạn mục khi trở thành điểm đến đông khách nhất Đông Nam Á năm 2023 và năm nay phấn đấu đón 27,3 triệu lượt du khách nước ngoài. Thế nhưng, cuộc đua vẫn đang diễn ra đầy kịch tính khi kết thúc nửa năm 2024, Thái Lan đã giành lại vị thế người dẫn đầu nhờ các chính sách nới lỏng visa, miễn thị thực song phương với Trung Quốc và nhiều hoạt động xúc tiến du lịch khác. VN, nhờ vào chính sách thị thực mới có hiệu quả, cũng đã vượt qua Singapore để vươn lên vị trí thứ 3 các quốc gia đón khách quốc tế nhiều nhất trong khu vực giai đoạn đầu năm nay. Các chuyên gia và DN du lịch cho rằng trong khi cuộc đua đang chứng kiến nhiều biến động, VN cần tận dụng thời cơ để tăng tốc, bứt phá.
Thật ra đây cũng là lý do để Hiệp hội Du lịch VN tự tin đặt mục tiêu đón 20 triệu lượt du khách quốc tế cho cả năm 2024, cao hơn cả mục tiêu 18 triệu lượt mà ngành du lịch đề ra. Chủ tịch Hiệp hội Vũ Thế Bình lý giải: Con số mạnh dạn này dựa trên cơ sở độ mở của chính sách thị thực và quyết tâm của các DN du lịch. Quan trọng nhất là nếu so với tiềm năng và nhu cầu của ngành du lịch thì con số 18 triệu lượt khách quốc tế vẫn còn khá thấp. Do đó, các DN đều đang rất nỗ lực để kéo đà bứt phá nhanh hơn, mạnh hơn nữa.
Để làm được như vậy, theo ông Vũ Thế Bình, các DN rất mong từ phía nhà nước sẽ có thêm những chính sách mở hơn, đột phá hơn. Nhìn xung quanh, chính sách visa của các nước thay đổi rất nhanh, linh hoạt, phục vụ đúng nhu cầu của khách. Chúng ta có nhiều cố gắng nhưng chưa linh hoạt bằng các nước. Các chính sách hỗ trợ DN du lịch tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư nâng cấp, làm mới hệ thống sản phẩm, dịch vụ hoặc giảm gánh nặng chi phí cũng còn rất "yếu", gần như không tiếp cận được…
"Muốn du lịch đột phá, vượt lên trên mạnh mẽ hơn thì đòi hỏi sự đầu tư thật sự, quan tâm thật sự từ chính sách. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xác định lâu nay, việc triển khai chính sách của chúng ta rất chậm và khó. Vì thế, các đơn vị, DN hiện nay cần tận dụng triệt để những cái chúng ta đang có, khai thác mức cao nhất việc liên kết để tạo ra sản phẩm tốt, mở rộng nguồn khách tới VN. Trong đó, chú trọng chuyển đổi du lịch xanh, du lịch số, tạo ra sản phẩm phù hợp với yêu cầu của khách hàng cũng như xu hướng du lịch bền vững mà cả thế giới đang hướng tới. Có sản phẩm du lịch tốt, đánh trúng nhu cầu thì sẽ thu hút được đa dạng nguồn khách và giữ chân họ ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn", ông Vũ Thế Bình nói.
Thị trường khách nội - ngoại nghịch chiều
Tổng công ty Cảng hàng không VN - CTCP thông tin: 8 tháng năm 2024, các cảng hàng không đón hơn 75,8 triệu lượt khách, trong đó có gần 27,5 triệu khách quốc tế - một con số ấn tượng với mức tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, thị trường nội địa lại chứng kiến sự sụt giảm 17,3%, đạt hơn 48,3 triệu lượt khách. Bức tranh tương phản này cũng được phản ánh qua số liệu chuyến bay. Trong khi các chuyến bay quốc tế tăng vọt 22%, đạt 170.362 lượt, thì các chuyến bay nội địa lại giảm 19,5%, chỉ đạt 289.772 lượt. Tổng số chuyến bay trong 8 tháng qua là 460.135 lượt, giảm nhẹ 7,9% so với cùng kỳ 2023.
|
Theo Thanh niên