Báo cáo Hạnh phúc Thế giới - bao gồm các cuộc phỏng vấn với hơn 100.000 người từ 137 quốc gia - cho thấy mức độ hài lòng và tử tế cao hơn đáng kể ở tất cả các khu vực trên toàn cầu so với trước đại dịch.

Nghiên cứu cho thấy đại dịch COVID-19 không ảnh hưởng đến hạnh phúc tổng thể của mọi người trên thế giới, và thậm chí đa số còn cảm thấy lạc quan hơn.

Mặt khác, khi nhóm tham gia được yêu cầu đánh giá cuộc sống của họ trên thang điểm từ 1 đến 10, mức trung bình của những năm 2020-2022 xấp xỉ giai đoạn 2017-2019.
leftcenterrightdel
 Nhờ sự sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau trong đại dịch, người dân trên thế giới vẫn tìm thấy hạnh phúc

Theo báo cáo, mọi thứ tồi tệ hơn một chút ở các nước phương Tây và tốt hơn một chút ở phần còn lại của thế giới, nhưng nhìn chung “những khó khăn chắc chắn đã được bù đắp bằng việc khám phá và chia sẻ khả năng quan tâm lẫn nhau trong thời điểm khó khăn”.

Những chỉ số đo lường “sự khốn khổ” trên toàn cầu nhìn chung đều giảm. Mặc dù đại dịch khiến người cao tuổi tử vong nhiều hơn, nhóm người tham gia trên 60 tuổi có sự cải thiện về mức độ hạnh phúc rõ ràng hơn so với thế hệ trẻ hơn.

John Helliwell - giáo sư kinh tế tại Đại học British Columbia (Canada) và là đồng biên tập của báo cáo - cho biết: “Thật tuyệt vời. Mọi người bắt đầu quan tâm đến hàng xóm, trò chuyện thường xuyên hơn với các thế hệ khác trong gia đình. Từ đó cảm giác bị cô lập cũng giảm bớt… Ngay cả trong những năm khó khăn này, cảm xúc tích cực vẫn phổ biến gấp đôi cảm xúc tiêu cực”.

Những hành động tử tế hàng ngày đã được chứng minh là giúp tăng cường hạnh phúc, chẳng hạn như giúp đỡ một người lạ, quyên góp từ thiện và làm thiện nguyện... hiện đã cao hơn mức trước đại dịch.

Nghiên cứu cho thấy hiệu ứng hạnh phúc của việc “có ai đó để nương tựa trong lúc khó khăn” tăng lên trong thời kỳ đại dịch và vì 80% số người được khảo sát cho biết họ có ai đó để nương tựa, điều đó đã có tác động đáng kể.

Trong bảng xếp hạng hạnh phúc tổng thể, Phần Lan vẫn đứng đầu trong năm thứ sáu liên tiếp và Afghanistan đứng cuối bảng.

Cuộc thăm dò ý kiến do công ty phân tích và tư vấn Gallup hỗ trợ thực hiện đánh giá những yếu tố đóng góp vào cuộc sống của mọi người.

GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ khỏe mạnh, tự do lựa chọn cuộc sống, sự hào phóng và xã hội không tham nhũng được cho là những động lực chính của hạnh phúc. Dù vậy, một số người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19, bao gồm những người vô gia cư, không nằm trong nhóm đối tượng được khảo sát.

Theo phụ nữ TPHCM