leftcenterrightdel
 Quả thoải mái về các bệnh tâm lý tại chốn văn phòng cũng không thực sự đem lại hiệu quả tích cực. Ảnh minh họa: Mart Production/Pexels.
 

Gen Z (sinh năm 1997-2012) mong muốn được bàn luận về sức khỏe tinh thần ngay cả ở chốn văn phòng. Một cuộc khảo sát tại Mỹ với 3.000 người tham gia vào năm 2023 cho thấy khả năng Gen Z gặp khó khăn với sức khỏe tinh thần cao gần gấp 2 lần các thế hệ khác.

Thêm vào đó, một nửa Gen Z được khảo sát cho biết họ thấy thoải mái chia sẻ về vấn đề này ở nơi làm việc, và con số này nhiều hơn 20% so với các thế hệ khác.

Kết quả khảo sát thực chất không quá ngạc nhiên. Gen Z lớn lên trong bối cảnh các phong trào chống kỳ thị các bệnh tâm lý cũng như khuyến khích mọi người đi điều trị đang phát triển. Hơn nữa, thế hệ này chứng kiến tỷ lệ trầm cảm và lo lắng tăng cao. Theo đó, họ cảm thấy ngày càng có động lực để cởi mở về những khó khăn tâm lý, theo Business Insider.

Chủ đề tâm lý lên xu hướng

Trong một cuộc khảo sát về các doanh nghiệp Mỹ của nhóm tư vấn Mercer được Phòng Thương mại Mỹ công bố gần đây, các công ty đã báo cáo sự gia tăng vượt bậc về nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần trong vài năm qua.

Trước tình hình này, 94% các công ty với hơn 500 nhân viên đã bổ sung thêm các phúc lợi về sức khỏe tâm thần từ việc mở rộng khả năng tiếp cận trị liệu đến các chương trình đào tạo về sức khỏe tâm thần tại văn phòng. Trên khắp các công ty ở Mỹ, bàn luận về sức khỏe tâm thần đang trở nên thịnh hành.

Người Mỹ còn đang lo lắng về một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần. Từ năm 2015-2023, tỷ lệ người Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm đã tăng từ khoảng 20% lên gần 30%, theo Gallup. Chỉ trong hai thập kỷ, số người Mỹ được điều trị sức khỏe tâm thần đã tăng từ 27 triệu vào năm 2002 lên gần 56 triệu vào năm 2022.

leftcenterrightdel
 Trong một cuộc thăm dò ý kiến người trưởng thành Mỹ năm 2022 do Hiệp hội Tâm thần Mỹ thực hiện, 79% cho biết họ coi sức khỏe tâm thần là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng (public-health emergency). Ảnh minh họa:Ketut Subiyanto/Pexels.
 

Ở những người trẻ tuổi, vấn đề còn tồi tệ hơn. Một cuộc khảo sát của KFF/CNN năm 2022 cho thấy khả năng thường xuyên/luôn cảm thấy chán nản hoặc lo lắng ở những người trưởng thành dưới 30 tuổi cao hơn những nhóm tuổi khác.

Sức khỏe tâm thần kém sẽ làm giảm sự tham gia gắn kết cũng như hiệu suất trong công việc, gây thiệt hại ước tính khoảng 50 tỷ USD mỗi năm đến nền kinh tế. Theo đó, bộ phận nhân sự đã giới thiệu không ít nguồn lực và chương trình khác nhau để giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc.

Chúng bao gồm các ứng dụng chăm sóc sức khỏe trực tuyến, các nhóm hỗ trợ đồng trang lứa, hội thảo về sức khỏe tâm thần cũng như không gian dành cho thiền và yoga.

leftcenterrightdel
Các doanh nghiệp bỏ không ít công sức để khắc phục các vấn đề tâm lý của nhân viên. Ảnh minh họa:Shvets Production/Pexels. 
 

Các công ty cũng đang thúc đẩy thay đổi văn hóa làm việc. Bằng chứng là cuộc khảo sát của Liên minh Quốc gia về Bệnh Tâm thần cho thấy 3/4 nhân viên thấy thảo luận về sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc hoàn toàn ổn cũng như nhiều người tin rằng người quản lý cũng nên giúp nhân viên cảm thấy thoải mái khi làm điều đó.

Thêm vào đó, trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, mọi người sẵn sàng tâm sự về những lo lắng khi làm việc cũng như Gen Z tích cực chia sẻ các mẹo để tránh rơi vào môi trường làm việc độc hại. Các chương trình truyền hình cũng nêu bật sức khỏe tâm thần, cho thấy sự đồng thuận chung rằng các công ty cần phải ý thức hơn về vấn đề này.

Những nỗ lực phản tác dụng

Tuy nhiên, có một vấn đề nảy sinh. Nơi làm việc quá đặt nặng sức khỏe tâm thần không phải lúc nào cũng sẽ nhận về kết quả tích cực. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc nhắc quá nhiều về những khó khăn tâm lý cũng có thể phản tác dụng.

Đặc biệt, ý nghĩa của những thuật ngữ tâm lý như lạm dụng, chấn thương, lo lắng và trầm cảm ngày càng được mở rộng theo thời gian đã góp phần gây ra vấn đề này. Lúc này, ngay cả những trải nghiệm cảm xúc bình thường cũng có thể được xem là dấu hiệu của rối loạn tâm lý.

Một số nhà tâm lý học cho rằng những nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề tâm lý đã khiến con người đeo đẳng vào những trải nghiệm tiêu cực và dễ đánh giá những khó chịu bình thường là bất thường. Điều này có thể dẫn đến việc mọi người cư xử như thể họ mắc chứng rối loạn tâm thần vốn cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

leftcenterrightdel
 Một môi trường làm việc lành mạnh là nơi mà mọi người cảm thấy được ủng hộ và khuyến khích làm những công việc có ý nghĩa chứ không phải là nơi chỉ chăm chú vào sức khỏe tinh thần. Ảnh minh họa:Felicity Tai/Pexels.
 

Tập trung quá mức vào sức khỏe tâm thần cũng có thể dẫn đến rumination (đắm chìm trong những cảm xúc tiêu cực). Nghiên cứu cho thấy rằng rumination khiến tình trạng trầm cảm và lo lắng trở nên trầm trọng hơn. Những nỗ lực của công ty nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như bổ sung các bài kiểm tra cảm xúc hoặc hoặc trau dồi ngôn ngữ về tâm lý trong giao tiếp, cũng có thể vô tình khuyến khích rumination.

Đa số các nhà lãnh đạo không được đào tạo để xử lý bệnh tâm lý một cách đúng đắn khiến vấn đề có thể trở nên phức tạp hơn. Thêm vào đó, chia sẻ quá nhiều về sức khỏe tinh thần với đồng nghiệp và quản lý có thể làm mờ ranh giới nghề nghiệp và cuộc sống cá nhân.

Hậu quả, khả năng phân biệt đối xử trong công ty tăng cao gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự thăng tiến nghề nghiệp. Chưa kể, những nhà quản lý nói quá mức về khó khăn của mình có thể làm giảm uy tín trong mắt nhân viên.

Theo lifestyle.znews