Bộ phim English Vinglish (tên tiếng Việt: Tiếng Anh là chuyện nhỏ) kể về Shashi Godbole - một phụ nữ nội trợ người Marathi kiểu truyền thống, ở thành phố Pune (Ấn Độ). Ngoài việc toàn tâm toàn ý chăm lo cho gia đình, bao gồm chồng cùng 2 con ở độ tuổi mới lớn và mẹ chồng, Shashi có niềm vui nho nhỏ là làm bánh ngọt và đi giao bánh cho những người quen đặt mua. Đó là món bánh laddoo (laddu) truyền thống, một loại bánh ngọt vo viên, được làm chủ yếu từ bột mì, đường, bơ. Món bánh này thường được sử dụng trong các dịp lễ hội truyền thống của người dân vùng tiểu lục địa Ấn Độ.

leftcenterrightdel
 Poster phim

Ngay từ đoạn mở đầu phim, người xem thấy rõ Shashi như chất keo, kết dính đại gia đình với nhau, dưới dạng phục vụ tận tâm cho cả nhà một cách hiển nhiên, hầu như tất bật đến độ không có thời gian để thưởng thức một tách cà phê buổi sáng. Chỉ có điều, chồng cô không thích việc vợ mình phải đi ra ngoài giao hàng bởi trong mắt người đàn ông ấy, việc kinh doanh của Shashi chẳng có tác dụng gì cho kinh tế gia đình.

Đồng thời, trong mắt cô con gái vị thành niên của Shashi, người mẹ chính là một nỗi xấu hổ bởi mẹ cô không rành tiếng Anh giao tiếp mà chỉ có thể sử dụng tiếng Hindi bản địa - bất kể đó là 1 trong 22 ngôn ngữ được công nhận của đất nước Ấn Độ. Mỗi lần người cha bận công việc và người mẹ phải đi họp phụ huynh, cô con gái mới lớn của Shashi luôn cảm thấy xấu hổ vì vốn tiếng Anh yếu kém của mẹ mình. Điều đó khiến Shashi chạnh lòng, rằng như thể tiếng Anh quan trọng hơn cả tình yêu thương của một bà nội trợ dành cho gia đình mình.

Một ngày, chị gái của Shashi là Manu, sống ở thành phố New York (Mỹ), mời gia đình Shashi đến dự hôn lễ của con gái bà. Tuy nhiên, Shashi sẽ một mình đến New York trước 5 tuần để giúp Manu tổ chức hôn lễ; chồng và 2 con cô sẽ đến sau. Lúc đó, câu chuyện dường như mới thực sự bắt đầu, chính xác hơn là bắt đầu gây khó cho một phụ nữ nội trợ người Ấn chỉ biết nói tiếng Hindi trên đất Mỹ. Dù được người nhà ở Mỹ chào đón nồng nhiệt, có lần Shashi cũng gặp phải một trải nghiệm đầy tổn thương ở chốn công cộng, trong một tiệm cà phê giữa thành phố New York, nơi một nhân viên phục vụ đã cư xử thô lỗ với Shashi vì cô không thể giao tiếp bằng tiếng Anh.

Shashi đã lén gia đình người chị, sử dụng số tiền để dành từ việc bán bánh đăng ký học khóa đàm thoại tiếng Anh cấp tốc trong 4 tuần, khi nhìn thấy một quảng cáo lớp học như thế trên xe buýt công cộng ở New York. Từ việc loay hoay tìm cách đi xe điện với nhiều trạm dừng, cho đến lần đầu học tiếng Anh ở một lớp học đều là những người lạ không chung tiếng nói lẫn quốc tịch, với Shashi, là một hành trình khám phá bản thân trên cả mong đợi.

Khóa học ngắn hạn ấy, bên cạnh việc nâng cao khả năng đàm thoại tiếng Anh, đã đánh thức trong Shashi lòng tự tôn và sự thấu hiểu bản thân nhất thiết phải có. Để từ đó, cả gia đình cô đã phải nhìn lại cách hành xử từng có lúc vô tình gây tổn thương cho nhau và nhìn ngắm Shashi với một vẻ đẹp mới.

leftcenterrightdel
 Sao nữ Sridevi trong một cảnh phim quay tại thành phố New York, Mỹ

Phim kết thúc bằng hình ảnh Shashi hỏi thăm cô tiếp viên hàng không trên chuyến bay cùng cả nhà về lại Ấn Độ, rằng trên máy bay có báo tiếng Hindi không, bằng giọng tiếng Anh đủ khiến chồng cô cảm thấy ngầm tự hào về người phụ nữ nội trợ của gia đình mình.

Với lối kể chuyện nhẹ nhàng, tinh tế, chia sẻ và đầy thấu hiểu về thân phận phụ nữ Ấn Độ, English Vinglish chẳng những mang đến cho người xem ở Ấn Độ mà còn cả người xem quốc tế những khoảnh khắc vô cùng ngọt ngào, như thể vừa được mời thưởng thức món bánh laddoo truyền thống.

"Tôi làm bộ phim này để xin lỗi mẹ tôi"

English Vinglish là một bộ phim nói tiếng Hindi của điện ảnh Ấn Độ, cũng là tác phẩm điện ảnh đầu tay của nữ đạo diễn Gauri Shinde, kiêm luôn việc viết kịch bản.

Câu chuyện được lấy cảm hứng từ mẹ của Shinde, một phụ nữ nói tiếng Marathi - thuộc ngữ hệ Ấn - Âu, chủ yếu được người Marathi ở Maharashtra nói. Mẹ của Shinde là người điều hành công việc kinh doanh dưa chua ngay tại nhà, ở Pune - thành phố lớn thứ nhì ở bang Maharashtra và là thành phố đông dân thứ bảy tại Ấn Độ.

Pune còn được gọi là “Oxford về phương Đông” do có sự hiện diện của một số cơ sở giáo dục nổi tiếng. Thành phố này nổi lên như một trung tâm giáo dục chính trong những thập niên gần đây, với gần một nửa tổng số sinh viên quốc tế trong nước đang theo học. Sinh trưởng ở một nơi như thế, hẳn nhiên việc người mẹ không thông thạo tiếng Anh cũng khiến Gauri Shinde luôn cảm thấy xấu hổ với bạn bè, thuở còn đi học.
Trong một lần trả lời phỏng vấn sau khi phim ra mắt, Gauri Shinde đã thừa nhận: “Tôi làm bộ phim này để xin lỗi mẹ tôi”.

"Nữ hoàng Bollywood" và nhà làm phim đầu tay

Trước đó, nữ đạo diễn Gauri Shinde và sao nữ Sridevi hoàn toàn không quen biết nhau. Vậy nhưng nhà làm phim đầu tay này đã nhận được sự đồng ý tái xuất màn ảnh sau 15 năm vắng bóng, ngay khi huyền thoại sống Bollywood đọc qua kịch bản đậm tính nữ quyền dành cho phụ nữ Ấn Độ, từ chính Shinde trao gửi trong một cuộc gặp chính thức.

leftcenterrightdel
 Sridevi vào vai nhân vật bà nội trợ Shashi

Sridevi (sinh năm 1963) được nhìn nhận là nữ siêu sao đầu tiên của điện ảnh Bollywood, khi từng tham gia diễn xuất trong các phim nói tiếng Telugu, Tamil, Hindi, Malayalam và Kannada của điện ảnh Ấn Độ. Sridevi bắt đầu sự nghiệp với tư cách diễn viên “nhí” khi mới 4 tuổi, trong một bộ phim tiếng Tamil, vào năm 1967.

Sau những thành công ở nam Ấn Độ với các bộ phim tiếng Telugu, Sridevi tiếp tục thành công với phim tiếng Tamil và nhất là với những phim tiếng Hindi. Cô từng có nhiều phim tiếng Hindi đạt doanh thu phòng vé nội địa cao nhất trong năm. Điều này đã tạo nên “chỗ đứng” vững chắc và sâu rộng cho vị thế diễn xuất của Sridevi ở Bollywood.

Trong thời đỉnh cao của Sridevi, nhà làm phim Steven Spielberg của Hollywood đã từng tiếp cận cô để mời vào một vai nhỏ trong phim Jurassic Park (tên tiếng Việt: Công viên kỷ Jura). Tuy vậy, sau khi đánh giá tầm vóc của vai diễn này, Sridevi đã từ chối. Sridevi là nữ diễn viên được trả lương cao nhất ở Ấn Độ từ năm 1985 đến năm 1993.

English Vinglishđược công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim quốc tế Toronto 2012. Phim nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt trong 5 phút từ giới làm phim và phê bình quốc tế.Đây cũng từng là tác phẩm điện ảnh chính thức của Ấn Độ tranh giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

Bộ phim lớn cuối cùng Sridevi đóng vai chính trước khi tạm dừng sự nghiệp diễn xuất là bộ phim tình cảm lãng mạn Judaai, phát hành năm 1997. Judaai đã mang về cho Sridevi đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc lần thứ tám tại giải thưởng Điện ảnh Filmfare. Đây là giải thưởng thường niên nhằm tôn vinh sự xuất sắc về mặt nghệ thuật và kỹ thuật trong ngành công nghiệp điện ảnh nói tiếng Hindi của Ấn Độ.

Trong những năm 1996-1997, mẹ của Sridevi bị biến chứng do ung thư não gây ra. Sau cái chết của mẹ cô vào năm 1997, Sridevi tạm ngừng hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh.

Và Sridevi tái xuất huy hoàng chẳng kém thời hoàng kim, với bộ phim English Vinglish ra mắt năm 2012, ở tuổi 49. Sridevi đã được báo chí quốc tế ca ngợi là “Meryl Streep của Ấn Độ”.

Theo phụ nữ TPHCM