"Giơ tay cho thử thách vòng eo hoạt hình. Làm theo tư thế này khiến tôi có đôi chút khó khăn", diễn viên Dương Mịch viết chú thích dưới bức ảnh được cô đăng tải hôm 21/3 trên Weibo.
Trong bức ảnh, ngôi sao 34 tuổi phô bày đường cong cơ thể, đặc biệt là vòng eo siêu nhỏ bằng tư thế nằm úp thân người trên xuống sàn, lưng cong 90 độ, phần chân gác lên ghế.
Chỉ vài giờ sau, thành viên nhóm nhạc thần tượng Trương Nghệ Phàm cũng chia sẻ hình ảnh tương tự. Được người nổi tiếng tích cực lăng xê, thử thách "vòng eo hoạt hình" nhanh chóng được giới trẻ Trung Quốc hưởng ứng.
Những người nổi tiếng Trung Quốc hưởng ứng trào lưu "eo hoạt hình".
Tuy nhiên, cũng giống hầu hết trào lưu khoe độ mảnh mai của cơ thể từng làm mưa làm gió trước đây, thử thách "eo hoạt hình" cũng bị cảnh báo gây hại cho cơ thể.
Không chỉ là những chấn thương thể chất khi cố gắng thực hiện một tư thế quá khó, nhiều phụ nữ trẻ còn đang bị áp đặt những tiêu chuẩn làm đẹp thiếu lành mạnh mà về lâu về dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần.
Ám ảnh trắng trẻ gầy
Những thử thách khoe độ dẻo, mảnh mai của cơ thể không còn xa lạ gì với phụ nữ châu Á. Năm 2016, nhiều người cố giấu vòng eo của mình sau tờ giấy A4 để dọc hay đo đường cong bằng cây bút chì.
Không ít cô gái cố gắng chứng minh mình có cơ thể thuộc dạng "mình hạc xương mai" bằng cách thực hiện thử thách tay chạm rốn và đặt son lên xương quai xanh.
Đầu năm nay, xu hướng mặc đồ trẻ em để chụp ảnh tự sướng và khoe vóc dáng tràn ngập trên Internet Trung Quốc. Trào lưu này được cho bắt nguồn từ "phong cách BM" chỉ dành cho người siêu gầy có thể mặc đồ từ size S trở xuống.
Xu hướng mặc đồ trẻ em bị chỉ trích tại Trung Quốc.
Những cô gái có vòng eo 55 cm hay cổ tay chỉ dày 4 cm nhận được nhiều lời tán thưởng. Còn đối với những ai không thể thực hiện được những thử thách này, cảm giác tự ti, thua kém khiến họ phải nhờ cậy đến các ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh.
Tiến sĩ Pan Wang, giảng viên cao cấp về Nghiên cứu châu Á từ Đại học New South Wales (Australia), cho biết các trào lưu khoe cơ thể là sản phẩm của “nền kinh tế hormone”.
"Trong nền kinh tế hormone, phụ nữ có thể thực hiện những thử thách về cơ thể và kiếm tiền từ nó. Chúng ta thấy nhiều hot girl trên mạng ngày nay rất giống nhau. Họ gầy, trắng, trẻ, có đường cong nữ tính theo đúng tiêu chuẩn vẻ đẹp truyền thống".
Theo bà Wang, những tiêu chuẩn sắc đẹp ngày một méo mó và phụ nữ dường như bị trói buộc vì điều đó. "Tất cả đều được tạo ra để phục vụ cho quan điểm của nam giới".
"Phụ nữ đang cố gắng bắt chước người nổi tiếng hoặc giới tinh hoa để khiến bản thân trở nên 'xinh đẹp' trong xã hội mình đang sống và gia tăng các cơ hội nhất định", bà Wang nói thêm.
Gia tăng rối loạn ăn uống
Tiến sĩ Gemma Sharp, nhà tâm lý học lâm sàng đồng thời là nhà nghiên cứu cấp cao về hình ảnh cơ thể và rối loạn ăn uống từ Đại học Monash (Australia), cho biết thật buồn khi thấy những bài đăng mô tả vẻ đẹp phi thực tế có thể thúc đẩy chứng rối loạn ăn uống ở những người trẻ tuổi.
"Những thử thách này hoàn toàn không bình thường. Chúng khiến chúng ta phải cố gắng nhỏ nhắn, nhẹ cân.
Nhiều trào lưu khoe cơ thể bị lên án vì củng cố các quan niệm ngoại hình méo mó.
Hình ảnh trên mạng xã hội có sức ảnh hưởng đặc biệt vì những người trẻ tuổi sẽ so sánh mình với người trong ảnh. Họ có thể sẽ nói: 'Tôi cần phải bỏ đói bản thân, tôi cần phải ăn uống lộn xộn để trông như vậy'".
Tiến sĩ Sharp cho rằng mạng xã hội có thể là một môi trường thực sự kích thích những người gặp vấn đề về hình ảnh cơ thể.
Nếu cảm thấy đau khổ trước những hình ảnh đó, người trẻ có thể dọn dẹp nguồn cung cấp dữ liệu mạng xã hội của mình hoặc nhờ đến sự trợ giúp của chuyên gia.
"Tôn vinh sự đa dạng của cơ thể về hình dạng và kích thước là điều vô cùng quan trọng. Không chạy theo những trào lưu mới nhất, ngày càng nhiều cô gái sẵn sàng chia sẻ vẻ đẹp độc đáo của riêng họ để phản đối việc lột tả cơ thể không lành mạnh hoặc phô bày thân hình một cách không thoải mái", tiến sĩ Sharp cho biết.
Theo Zing