leftcenterrightdel
 Thư viện TP Gaza bị những cuộc không kích từ phía quân đội Israel phá hủy - Nguồn ảnh: Washington Post

Thư viện TP Gaza và Trung tâm Văn hóa Rashad al-Shawa - nơi diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Tổng thống Palestine Yasser Arafat vào 25 năm trước - giờ đây đều trở thành đống đổ nát sau 2 tháng chiến sự tại dải Gaza. Chính quyền TP Gaza chỉ trích các cuộc tấn công của Israel là một nỗ lực “cố ý phá hủy các tài liệu và sách lịch sử, nhằm truyền bá tình trạng thiếu hiểu biết trong xã hội”.

Chiến tranh nổ ra tại Gaza khi lực lượng Hamas tấn công vào miền nam Israel vào ngày 7/10. Đáp lại, Israel đã thực hiện nhiều cuộc không kích và tấn công trên bộ nhắm vào các thành phố đông người Palestine, đến nay đã làm ít nhất 16.000 người thiệt mạng, phần lớn trong số 2,3 triệu người dân ở mảnh đất ven biển trở thành người vô gia cư. Họ mắc kẹt trong một khu vực nhỏ bé, đầy xung đột, có ít thức ăn, nước uống, nhiên liệu, thiếu điều kiện chăm sóc y tế hoặc nơi trú ẩn an toàn.

Những bức ảnh do chính quyền TP Gaza ghi nhận cho thấy cảnh đổ nát bên trong tòa nhà thư viện chính, với những cuốn sách nằm rải rác trên sàn, phủ đầy mảnh vụn và bụi bặm. Chỉ một vài kệ sách còn nguyên vẹn. Hệ thống thư viện của thành phố từng là không gian tụ tập cho các sự kiện cộng đồng, thu hút nhiều thế hệ gia đình, sinh viên và các nhà văn. Theo trang web của TP Gaza, thư viện có khoảng 10.000 đầu sách bằng tiếng Ả Rập, tiếng Anh và tiếng Pháp.

Trung tâm Văn hóa Rashad al-Shawa và Thư viện Diana Tamari Sabbagh đi kèm mở cửa từ năm 1988. Abdalhadi Alijla - một học giả, nhà văn, nhà nghiên cứu chính trị người Thụy Điển, đến từ Gaza - nhớ lại: “Trong ký ức từ năm tôi 15 tuổi, thư viện là một nơi yên tĩnh. Ở đó có một quán cà phê bình dân và bầu không khí nơi này luôn mát mẻ, đặc biệt là vào mùa hè”.

Theo tổ chức phi lợi nhuận về quyền con người Euro-Med Monitor (trụ sở tại Thụy Sĩ), nhiều cơ sở văn hóa khác nhau tại dải Gaza đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công từ phía Israel, bao gồm ít nhất 6 trung tâm văn hóa và 5 hiệu sách lâu đời. Trong đó, đáng chú ý nhất là Bảo tàng Văn hóa Al-Qarara (xây dựng vào năm 1958) và Bảo tàng Rafah.
Chính quyền TP Gaza kêu gọi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) bảo vệ các cơ sở văn hóa tại dải Gaza, lưu ý rằng những nơi này “được bảo vệ theo luật nhân đạo quốc tế”.

UNESCO cho biết, họ “quan ngại sâu sắc về tác động bất lợi mà chiến tranh có thể gây ra đối với bất kỳ di sản văn hóa nào ở Palestine và Israel”, đồng thời bày tỏ lo ngại về tình trạng bảo tồn các địa điểm ở Gaza do thiếu sự hỗ trợ của địa phương, chính sách công về di sản và văn hóa. UNESCO lưu ý: “Các địa điểm văn hóa là cơ sở hạ tầng dân sự không thể bị nhắm mục tiêu, không thể được sử dụng làm địa điểm quân sự”. 

Theo phụ nữ TPHCM