Công ty tôi hiện có khoảng 30% nhân sự Gen Z (tuổi từ 22-26) và đang có dấu hiệu xung đột thế hệ với 70% nhân sự lứa 8X và 9X đời đầu chúng tôi.

Chi tiêu khủng cho thời trang, đồ phiên bản giới hạn, bỏ hàng chục triệu săn vé xem show thần tượng… chỉ là một vài phác họa bề ngoài, là chuyện cá nhân không ảnh hưởng gì tới môi trường làm việc. Điều mang tính cách biệt với thế hệ cũ nằm ở quan niệm của Gen Z về việc đi làm và tập trung cho công việc.

leftcenterrightdel
 Sự khác biệt trong quan niệm và thái độ làm việc của Gen Z đang tạo xung đột với các thế hệ trước (ảnh minh họa)

Thế hệ chúng tôi khi mới đi làm có mục tiêu sẽ cống hiến hết mình cho công việc, làm hết khả năng để hoàn thành việc được giao; còn thu nhập, lương thưởng thì... tính sau kèm niềm tin năng lực sẽ được cấp trên tập thể đánh giá và quyết định thỏa đáng... Nhưng Gen Z có tư duy ngược lại.

Đa phần các bạn Gen Z sẽ hoàn thành đúng công việc chuyên môn như trong hợp đồng ban đầu. Thực tế, nhiều bạn năng lực tốt, có thể làm được nhiều việc hơn nữa, nhưng họ không cống hiến thêm thời gian và năng lực, vì họ sẽ dành điều đó cho những đam mê cá nhân để phát triển bản thân một cách đa diện, không chỉ gò bó với công việc.

Hàng tuần, tôi đều phải giải quyết các đơn xin nghỉ phép cho các bạn với những lý do rất khác với thế hệ chỉ dám làm đơn vì “bận việc gia đình" “con bệnh”...

Có bạn xin nghỉ để tham gia chiến dịch thu gom pin; có bạn xin nghỉ để tham gia sự kiện cosplay (hóa thân thành nhân vật phim yêu thích) để gây quỹ; có bạn ngay từ lúc tuyển dụng đã đưa ra yêu cầu được nghỉ định kỳ một ngày trong tuần để cùng hội nhóm đi… nhặt rác làm sạch các con kênh trong thành phố.

Có vẻ họ là thế hệ không chỉ muốn xây dựng sự nghiệp bản thân mà còn mong muốn tạo ra các giá trị xã hội và muốn tham gia giải quyết các vấn đề vĩ mô, thượng tầng như: môi trường, bình đẳng giới, biến đổi khí hậu…

Bạn đồng nghiệp cùng lứa với tôi tếu táo rằng “Gen Y (1981-1996) không đi làm, không cống hiến, không phấn đấu thì con đói vợ meo, gia đình khốn khổ; Còn Gen Z thất nghiệp về bố mẹ nuôi”.

Tôi lại nghĩ rằng thế hệ chúng ta vì gia cảnh nên phải cố gắng làm việc dù có bị đối xử không công bằng thì vẫn phải cố giữ công việc, cống hiến nhiều rồi cũng có khi bị xem đó là việc đương nhiên phải làm, chẳng có sự tách biệt giữa công việc - cuộc sống. Vì miếng cơm manh áo mà chôn giấu cả ước mơ của bản thân cũng chẳng phải hay.

Còn các bạn trẻ bây giờ làm việc không quá bị áp lực kinh tế, làm theo hợp đồng giấy trắng mực đen rõ ràng để các doanh nghiệp quen dần với văn hóa làm việc theo thỏa thuận của hai bên. Các bạn có thời gian dành cho những mối quan tâm của bản thân cũng là điều tốt.

leftcenterrightdel
 Những điểm tích cực cuả Gen Z cần được ghi nhận trong thời đại mới (ảnh minh họa)

Một điều khác gây xung đột thế hệ có lẽ chính là thái độ mạnh dạn chỉ lỗi cấp trên trong các cuộc họp. Nếu trước đây các cấp quản lý là người thay mặt team báo cáo thì giờ, các bạn nhân viên trẻ là người không ngại trình bày và thẳng thắn chỉ ra những nhược điểm của các vận hành cũ, của những người cũ. Nhiều người cho rằng các bạn trẻ với sự thẳng thắn đến mức quá đáng, không biết trên dưới, phá bỏ quy tắc công sở, nhưng xét trên khía cạnh công việc, đây lại là điều có lợi cho doanh nghiệp.

Gen Z ngày nay có tư duy táo bạo từ quan niệm, thái độ, đến cách viết email cũng khiến tôi thích thú sau nhiều năm đọc văn mẫu. Không còn mở đầu bằng “Dear…” kết bằng “ Best regards" hay “Trân trọng", ngôn ngữ giao tiếp của một thế hệ bùng nổ thông tin rất khác.

Ví dụ dưới đây là email từ một nữ nhân viên sinh năm 2002 vừa ra trường, vào làm việc vị trí content social. Cô ấy khiến tôi không thể không chấp nhận các đề nghị:

“Chị Th. cho em cầm micro,

Sau 2 tuần làm việc, em nhận ra mình thích công việc nhưng không phải theo cách hiện nay.

Với công việc của một người nội dung mạng xã hội và truyền tải thông tin cho một hệ thống bệnh viện, em nghĩ rằng văn phòng không phải là nơi làm việc phù hợp để cho ra những nội dung đáp ứng nhu cầu thực tế. Em nghĩ, những nơi thích hợp nhất để em làm việc:

Top 1: Hành lang, khu ngồi chờ khám

Top 2: Canteen bệnh viện

Top 3: Hội thảo, CLB sinh hoạt người bệnh

(em có thế gửi ảnh phần mềm Timestamp Camera để chị theo dõi vị trí và không gian)

Vấn đề thứ 2 em muốn trao đổi chính là giờ giấc làm việc. Chị biết, giờ làm việc của BV bắt đầu từ 4g sáng và kết thúc 16g hàng ngày. Nên em muốn làm việc khung giờ cao điểm của bệnh viện là 6g-15g thay vì khung giờ của văn phòng là 9g-18g. Các công việc sau 15g, chị nên phân công cho bạn khác. Chị cũng biết là môi trường mạng xã hội cần có người túc trực 24/24 và trong team của chúng ta, em biết có nhiều bạn có nguyện vọng làm việc ca tối, ca đêm.

Gửi trả lại micro cho chị

Chờ nghe tiếng chị phản hồi

Hương háo hức”

Khi nhiều người có thể cho rằng thế hệ Gen Z hay “ra vẻ", "láo toét"... tôi lại thích sự nhạy bén, lăn xả rất hiện đại và sòng phẳng của các bạn trẻ.

Tôi thấy họ đi làm nhưng vẫn quan tâm đến trách nhiệm xã hội, có trách nhiệm với cộng đồng; không ngại thẳng thắn trình bày bất cập trong công việc, thậm chí đòi hỏi được minh bạch về tài chính, về hoạt động kinh doanh; không ngại thay đổi; không gò theo khuôn mẫu... Những điều ấy rất đáng quý.

Theo xu hướng thời đại, có lẽ Gen Z sẽ sớm chiếm ưu thế trong các môi trường làm việc và đó cũng là lúc thế hệ cũ cần chuyển mình để thích nghi và học hỏi phong cách sống mới.

Theo phụ nữ TPHCM