leftcenterrightdel
 Gánh nặng nợ sinh viên, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao, đặc biệt là giá thuê nhà là những rào cản tài chính lớn với thế hệ trẻ. Ảnh minh họa:Michaela Vatcheva/Bloomberg.

Chỉ tính riêng khu vực trung tâm thành phố Tampa, giá thuê một căn hộ một phòng ngủ đã lên tới hơn 2.000 USD/tháng, vượt xa khả năng tài chính của David Nuñez.

"Tôi may mắn có gia đình thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn hiện nay", nhân viên lĩnh vực marketing, có mức lương 33.000 USD/năm, chia sẻ.

Giống Nuñez, nhiều Gen Z ở Mỹ đang chọn sống chung với cha mẹ để tiết kiệm chi phí. Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy chỉ 16% người trẻ 18-24 tuổi ở Mỹ tự chủ tài chính hoàn toàn. Con số này thấp hơn nhiều so với 32% của thế hệ trước vào năm 1980.

Xu hướng này đang tạo gánh nặng cho nhiều bậc phụ huynh. Theo khảo sát của Pew, tỷ lệ cha mẹ hỗ trợ con cái trưởng thành đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua, lên 60% vào năm 2023. Mức hỗ trợ trung bình lên tới 1.400 USD/tháng, bao gồm tiền ăn, học phí và các chi phí khác, theo Business Insider.

"Xã hội kỳ vọng người trẻ ra ở riêng khi 18, 19 tuổi, nhưng chỉ có một người trong nhóm bạn của tôi chọn sống độc lập", Nuñez nói.

Nguyên nhân

Dù có trình độ học vấn cao hơn các thế hệ trước và tỷ lệ làm việc toàn thời gian tăng lên, Gen Z vẫn phải đối mặt với những rào cản tài chính.

Trong 20 năm qua, khoản nợ trung bình của sinh viên Mỹ đã tăng hơn gấp đôi, lên tới hơn 37.000 USD/người.

Chi phí nhà ở leo thang cũng là một trở ngại lớn. Theo ước tính của Zillow, thu nhập cần thiết để mua nhà đã tăng 80% trong 4 năm qua. Giá thuê nhà cũng tăng 60% kể từ năm 2015, trong khi mức lương không theo kịp lạm phát.

"Nhiều người trẻ phải chấp nhận những công việc có mức lương không đủ để nuôi sống bản thân", Monica Kirkpatrick Johnson, giáo sư xã hội học tại ĐH bang Washington (Mỹ), nhận định.

leftcenterrightdel
 Tiền lương không theo kịp tốc độ lạm phát, khiến người trẻ càng thêm eo hẹp về tài chính. Ảnh minh họa:Kolchinaphoto/Pexels. 

Trong bối cảnh khó khăn này, nhiều người trẻ lựa chọn nương tựa gia đình. Tỷ lệ người 25-34 tuổi sống chung với bố mẹ tại Mỹ đã tăng 87% trong hai thập kỷ qua. Các cột mốc quan trọng khác như kết hôn và sinh con cũng bị trì hoãn.

Thực tế này khiến nhiều người đặt câu hỏi về khái niệm "trưởng thành" trong xã hội hiện đại.

Giáo sư tâm lý học Jeffrey Jensen Arnett đã định nghĩa giai đoạn 18-29 tuổi là "giai đoạn trưởng thành mới nổi" (emerging adulthood), khi người trẻ vẫn đang tìm chỗ đứng trong xã hội và chưa thể tự lập hoàn toàn về tài chính.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với quan điểm này. Khảo sát của Pew năm 2019 cho thấy 64% người Mỹ tin rằng người trẻ nên tự lập về tài chính trước 22 tuổi.

Nỗi lòng phụ huynh

Teresa Bailey, chuyên gia tư vấn tài chính, cho rằng thế hệ cha mẹ Gen X (nhóm người sinh năm 1965-1980) là những người cởi mở trong việc hỗ trợ tài chính cho con cái.

Jo Clark (50 tuổi) luôn tâm niệm sẽ hỗ trợ hai con gái sau khi tốt nghiệp đại học. Bà đã xây thêm một căn nhà để con gái út 24 tuổi có thể sống thoải mái.

"Tôi muốn con có cơ hội tiết kiệm cho tương lai. Mục tiêu của tôi là chúng có thể tiết kiệm đủ tiền đặt cọc mua nhà riêng", người mẹ sinh sống tại Anh chia sẻ.

Ali Lupo, người mẹ trẻ ở New York, cho biết cô và chồng dự định sẽ hỗ trợ con gái về học phí, bảo hiểm y tế và đám cưới.

"Tôi yêu thương, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho con cái để chúng thành công, nhưng không phải là nuông chiều", Lupo nói.

leftcenterrightdel
 Trước khó khăn về tài chính của con cái, nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng hỗ trợ. Ảnh minh họa:Pavel Danilyuk/Pexels. 

Tuy nhiên, không phải tất cả các bậc phụ huynh đều lựa chọn hỗ trợ con cái vô điều kiện.

Cody và Erika Archie, cặp vợ chồng ở Texas (Mỹ), đã bắt đầu thu tiền thuê nhà 200 USD/tháng từ con gái ngay sau khi cô tốt nghiệp trung học năm 2022.

Archie cho biết cha mẹ sẽ không thu tiền thuê nhà và sẽ hỗ trợ học phí nếu con gái học đại học. Tuy nhiên, khi cô con gái không học đại học và hiện làm tại công ty bảo hiểm 40 giờ/tuần, đó là lúc người trưởng thành đi làm toàn thời gian cần ngừng dựa vào tài khoản ngân hàng của bố mẹ.

JP Krahel, chủ nhiệm khoa kế toán tại ĐH Loyola Maryland (Mỹ), cho rằng người trẻ không chỉ nên tự lập mà còn nên học cách tiết kiệm, tạo dựng một nền tảng vững chắc cho tương lai.

"Nếu bạn sống trong xe hơi bên lề đường, liệu bạn có được coi là tự lập về tài chính? Có thể, nhưng bạn sẽ khó có một tương lai tươi sáng", ông nhận định.

Theo lifestyle.znews