Gen Z Trung Quốc chọn sống cô đơn vì vỡ mộng
Cập nhật lúc 15:28, Thứ năm, 27/05/2021 (GMT+7)
Đối diện với sự bất công và cạnh tranh gay gắt trong xã hội, ngày càng nhiều người thuộc thế hệ Z của Trung Quốc (sinh từ năm 1995 đến 2010) lựa chọn cuộc sống thanh đạm và cô đơn.
Theo Zhou Xin, cây viết chuyên về mảng kinh tế, chính trị của South China Morning Post, thật khó để định lượng phạm vi tâm lý xã hội mới này.
Tuy nhiên, thái độ buông xuôi về công việc, cuộc sống của thế hệ Z xứ tỷ dân chắc chắn đang trở nên phổ biến trong một cấu trúc xã hội ngày càng cứng nhắc với khoảng cách giàu - nghèo sâu sắc.
Giữa nhịp sống hối hả và đầy cạnh tranh ở các thành phố lớn, ngày càng nhiều người thuộc thế hệ Z của Trung Quốc lựa chọn cuộc sống thanh đạm và cô đơn. Ảnh: Reuters.
Zhou lấy ví dụ tại ký túc xá một trường đại học hàng đầu ở thành phố Thượng Hải, nơi hai người trẻ tên Li và Wang sống cùng nhau.
Li đến từ thị trấn nhỏ ở phía bắc tỉnh Giang Tô, còn Wang là người gốc Thượng Hải. Sau khi tốt nghiệp, cả hai đều tìm được việc làm tại một công ty công nghệ với mức lương khởi điểm 10.000 nhân dân tệ/tháng (1.553 USD).
Về phía Li, anh phải chi 1/3 tiền lương để thuê nhà và cần làm việc cật lực nếu muốn tiết kiệm đủ tiền mua căn hộ ở thành phố - nơi mỗi m2 trung bình có giá khoảng 6.000 nhân dân tệ (931 USD).
Mặt khác, Wang được thừa kế ít nhất 2 căn hộ từ cha mẹ, với tổng trị giá 20 triệu nhân dân tệ (3,1 triệu USD).
Li rất khó để bắt kịp Wang. Với tất cả điều kiện khác, chàng trai tỉnh lẻ ở thế bất lợi trong thị trường hôn nhân.
Li có thể chấp nhận rủi ro để khởi nghiệp hoặc chọn rời khỏi Thượng Hải. Tuy nhiên, nhưng anh cũng có thể ở lại thành phố và giậm chân tại chỗ.
Một phụ nữ đứng trong gian hàng trên đường phố Thượng Hải, Trung Quốc ngày 17/5. Xã hội Trung Quốc ngày càng ít đáp ứng tham vọng của thế hệ trẻ hơn. Ảnh: EPA-Yonhap.
Ở đây, theo Zhou, thái độ buông xuôi thể hiện sự phản kháng thầm lặng của người trẻ đối với sự bất công, thường là hệ quả của các yếu tố cấu trúc và thể chế mà không thể thay đổi bằng nỗ lực cá nhân.
Tâm lý này cũng xuất phát từ nhận thức rằng môi trường cạnh tranh không còn công bằng và không có lý do gì để tìm kiếm sự thăng tiến trong học tập hoặc nghề nghiệp.
Còn quá sớm để nói rằng thời đại tham vọng của Trung Quốc đã kết thúc vì đất nước này vẫn sở hữu nền kinh tế sôi động và vô số cơ hội cho người trẻ. Tuy nhiên, xã hội Trung Quốc, giống như các nền kinh tế phát triển khác, đang trở nên ít đáp ứng tham vọng của thế hệ trẻ hơn.
Hiện tại, tâm lý buông bỏ vẫn là lựa chọn cá nhân đối với những người vỡ mộng trước thực tế, nhưng xu hướng này có thể chuyển thành tác động tiêu cực đối với tương lai kinh tế và xã hội của Trung Quốc.
Xét cho cùng, Zhou nhận định, một quốc gia không thể vươn cao nếu nhiều người trẻ chấp nhận đầu hàng.
Theo Zing