leftcenterrightdel
 Giá thực phẩm tại các trung tâm bán hàng nổi tiếng của Singapore đã tăng 15% trong giai đoạn từ năm 2019-2023 - Ảnh: Philip Ingram (Alamy)

Khoảng 1,5 triệu người Singapore sẽ nhận được từ 450-850 SGD (375-628 USD) tiền mặt trong tháng Tám, từ chương trình hỗ trợ các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình trang trải chi phí (GSTV).
Theo chương trình GSTV nâng cao, những người đủ điều kiện sẽ nhận được thêm từ 100-150 SGD so với năm 2023, tùy thuộc vào giá trị tài sản gia đình.

Bộ Tài chính Singapore (MOF) cho biết, người Singapore trưởng thành (21 tuổi trở lên) có thu nhập chịu thuế hằng năm từ 34.000 SGD trở xuống và sống trong những ngôi nhà có giá chưa đến 21.000 SGD sẽ nhận được 850 SGD; những người sở hữu nhà có giá từ 21.000-25.000 SGD sẽ nhận được 450 SGD. Tổng cộng, khoản giải ngân GSTV đạt tới 1,4 tỉ SGD bằng tiền mặt và tiền nạp vào tài khoản Medisave - tăng khoảng 200 triệu SGD so với năm 2023.

Đây là một phần của khoản thanh toán tăng thêm được công bố trong kế hoạch ngân sách năm 2023 của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính lúc bấy giờ là ông Lawrence Wong. Ông Wong cho biết: “Trong kế hoạch ngân sách mới, tôi sẽ làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ các hộ gia đình”.

Chương trình diễn ra trong bối cảnh người dân Singapore kêu gọi chính phủ hỗ trợ tài chính do giá cả liên tục tăng. Theo Cục Thống kê Singapore, giá cả tại các trung tâm bán hàng nổi tiếng của đất nước đã tăng 15% từ năm 2019-2023. Một cuộc khảo sát cho thấy, giá một đĩa cơm gà - món ăn truyền thống được ưa chuộng của Singapore - tăng khoảng 20% chỉ trong 2 năm 2022-2023. “Chi phí sinh hoạt ở Singapore đang tăng quá cao” - một nhân viên kỹ thuật ngoài 50 tuổi chia sẻ với tờ Nikkei Asia.

Trong một chương trình khác, khoảng 650.000 người Singapore đủ điều kiện từ 65 tuổi trở lên được nhận 450 SGD vào tài khoản CPF MediSave trong tháng Tám. Ước tính, nhóm người cao tuổi thuộc “thế hệ tiên phong” của quốc gia này - những người sinh trước năm 1950 và trở thành công dân Singapore trước năm 1987 - sẽ nhận được tổng số tiền hơn 150 triệu SGD.

Một số quốc gia khác tại khu vực Đông Nam Á cũng đang thực hiện kế hoạch phát tiền mặt hoặc chuyển khoản cho người dân nhằm ứng phó với giá cả sinh hoạt tăng cao. Chính quyền của cựu Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin có kế hoạch chi 500 tỉ baht (14 tỉ USD), gửi 10.000 baht thông qua ví điện tử đến tất cả người Thái từ 16 tuổi trở lên.

Ngày 16/8, Quốc hội Thái Lan đã bầu bà Paetongtarn Shinawatra - lãnh đạo Đảng Pheu Thai - làm thủ tướng mới. Dù vậy, theo tờ Bangkok Post trích dẫn nguồn tin trong Đảng Pheu Thai, chương trình phát tiền qua ví điện tử của chính phủ vẫn sẽ tiếp tục diễn ra.

Malaysia cũng công bố mở rộng hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình có thu nhập thấp tổng cộng 10 tỉ ringgit (2,1 tỉ USD) trong năm 2024, tăng 2 tỉ ringgit so với năm 2023.

Trong năm 2024, Philippines dự kiến trao khoản hỗ trợ 5.000 peso (89 USD) cho các hộ gia đình có thu nhập từ 23.000 peso mỗi tháng trở xuống. Khoảng 12 triệu hộ gia đình là đối tượng thụ hưởng chương trình này.

Tại Indonesia, chính quyền của Tổng thống Joko Widodo vào tháng 1/2024 đã công bố khoản hỗ trợ tiền mặt hằng tháng 200.000 rupiah (13 USD) cho các hộ gia đình thu nhập thấp.

Tuy vậy, trước tình hình lạm phát ở các nước Đông Nam Á đang có dấu hiệu hạ nhiệt, vấn đề liệu có nên tiếp tục các chương trình hỗ trợ người dân đã được đặt ra. Trả lời phỏng vấn của Reuters vào tháng 1/2024, Thống đốc Ngân hàng Thái Lan - Sethaput Suthiwartnarueput chia sẻ: “Nếu muốn tăng tốc độ tăng trưởng tiềm năng dài hạn của nền kinh tế, bạn phải thực hiện các biện pháp mang tính cấu trúc, tăng năng suất, chứ không chỉ là các biện pháp kích thích ngắn hạn”.

Ngoài ra, một số chính phủ đang tìm cách hạn chế số lượng người nhận trợ cấp để giảm chi phí, giúp giảm tác động đến tình hình tài chính công.

Theo phụ nữ TPHCM