Khi Amelia Grace Wilson-Williams bắt đầu học đại học, cô ấy không tưởng tượng được bản thân sẽ quay về sống với bố mẹ.
Trong khi sinh viên Đại học Công nghệ Sydney (Australia) bắt đầu đầu tìm kiếm những căn nhà cho thuê để sống một mình hoặc ở ghép với sinh viên khác, Wilson-Williams nhận ra cô không thể làm điều đó khi phải học toàn thời gian và sống dựa vào các khoản trợ cấp dành cho sinh viên của Chính phủ Australia.
Wilson-Williams cho biết tiền thuê nhà quá cao đã khiến cô phải sống cùng gia đình trong thời gian học tập. Ảnh: Guardian.
|
Wilson-Williams cho biết tiền thuê nhà quá cao đã khiến cô phải sống cùng gia đình trong thời gian học tập. Ảnh:Guardian.
|
Chi phí thuê nhà quá cao, nữ sinh buộc phải sống tại nhà cùng bố mẹ ở Penrith - cách trường khoảng 50 km và mất 90 phút để đi lại.
“Ngay cả trong khu vực Penrith, bạn phải trả khoảng 400 USD/tuần cho việc thuê nhà. Chi phí sẽ tăng lên nếu bạn chuyển đến gần thành phố hơn", Wilson-Williams nói.
Giá thuê nhà tăng phi mã
Theo Guardian, cuộc khủng hoảng tiền thuê nhà, các khoản hỗ trợ bị đình trệ buộc nhiều người trẻ không chuyển ra ngoài hoàn toàn, một số người khác đối mặt với giá thuê nhà tăng mạnh ngay ở các vùng ngoại ô - nơi được mệnh danh là "thánh địa" dành cho sinh viên.
Sinh viên Ruby cho biết vào năm ngoái, điều khó khăn nhất của cô khi chuyển từ Newcastle đến Sydney để theo đuổi việc học là tìm chỗ ở.
Cuối cùng, cô và chồng thuê được một căn hộ 2 phòng ngủ ở Glebe với chi phí đắt hơn mong đợi. Tuy nhiên, cuối năm ngoái, chủ nhà đã tăng thêm 90 USD, đẩy giá thuê lên 650 USD/tuần.
“Thậm chí, tôi không thể tìm được căn hộ có giá tương tự gần trường đại học. Nếu không tìm được cách khác, chúng tôi buộc phải chuyển nhà và đi làm. Cuối cùng, tôi cảm thấy không khác ở cùng bố mẹ và thực sự sợ hãi khi phải đứng dậy và chuyển nhà lần nữa”, Ruby chia sẻ.
Cô nói với người đại diện rằng cô không đủ tiền thuê nhà vì đang là sinh viên và mặc cả xuống còn 625 USD/tuần.
“Nó đắt hơn nhiều so với những gì tôi mong đợi trong khi tiền trợ cấp không tăng. Tôi cảm thấy xấu hổ khi cho mọi người biết tiền thuê nhà của mình là bao nhiêu”, Ruby nói.
Theo Viện nhà ở và phúc lợi Australia, tỷ lệ thanh niên 20-24 tuổi sống cùng cha mẹ tăng từ 45% (2008) lên 58% (2018). Dữ liệu từ Ngân hàng dự trữ Australia cho thấy năm 2020, số hộ gia đình đã giảm đáng kể khi một số thanh niên chọn quay về sống với cha mẹ hoặc chọn sống với bạn đời.
Kể từ đó (tháng 9/2020), giá thuê có mức tăng kỷ lục - tăng 22,2% trên toàn quốc kể, theo CoreLogic. Trong khoảng 2 năm, giá thuê trung bình hàng tuần tăng từ 430 USD/tuần lên 519 USD/tuần.
Theo thống kê, trong 12 tháng qua, ở Glebe (gần Đại học Sydney), giá thuê nhà tăng lên 33,4% và tăng 6,8% trong tháng vừa rồi, đẩy mức trung bình lên 843,57 USD/tuần.
Ở vùng ngoại ô Kensington (gần Đại học New South Wales), giá thuê tăng 38,9% và hiện ở mức 854,97 USD/tuần. Tại Melbourne, giá thuê tăng 21,1%, mức trung bình 534,23 USD/tuần.
Trong khi đó, sinh viên sống cùng cha mẹ chỉ được nhận trợ cấp 166 USD/tuần, sinh viên sống độc lập nhận được 281 USD/tuần.
Ông Boymal lo ngại việc hình thành các kỹ năng của người trẻ tuổi, bao gồm tự nhận thức, phong cách riêng... nếu họ sống cùng gia đình. Ảnh: Pexels.
|
Ông Boymal lo ngại việc hình thành các kỹ năng của người trẻ tuổi, bao gồm tự nhận thức, phong cách riêng... nếu họ sống cùng gia đình. Ảnh:Pexels.
|
Ảnh hưởng nghiêm trọng
Ông Jonathan Boymal, Giám đốc học thuật tại Đại học RMIT, cho biết cách người trẻ tiếp cận nhà ở khi học đại học có một “sự thay đổi thế hệ”. Điều này càng trầm trọng hơn do đại dịch.
Cậu con trai 17 tuổi của ông Boymal nói rằng việc cậu ở nhà sau khi tốt nghiệp trung học là điều “không cần bàn cãi”, bởi khả năng tiết kiệm và các kết nối xã hội không nhất thiết phải trực tiếp.
“Chúng bỏ lỡ các trải nghiệm khi cha mẹ giúp nấu ăn, dọn dẹp, lập ngân sách, đồng thời bỏ lỡ những góc nhìn khác khiến chúng cởi mở hơn nếu sống cùng người lạ", ông Boymal nói và nhận định việc sống cùng gia đình ảnh hưởng đến cảm giác thân thuộc và kết nối với những thứ bên ngoài.
Ông cũng lo ngại việc hình thành các kỹ năng của người trẻ tuổi, bao gồm tự nhận thức, phong cách riêng... Điều này sẽ không được bồi đắp nếu họ dành cả tuổi thanh xuân ở nhà.
Tiến sĩ Alison Barnes, Chủ tịch Liên đoàn giáo dục đại học quốc gia, nói rằng cuộc khủng hoảng nhà ở đang đặt sinh viên dưới “áp lực rất lớn”, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe tâm thần.
“Một số người chọn ở nhà với cha mẹ, nhưng đó không phải lựa chọn dành cho tất cả. Lo lắng và trầm cảm có thể trở thành vấn đề lớn đối với những sinh viên đang phải tranh giành nhà ở. Với giá thuê nhà tăng vọt nhưng trợ cấp chỉ 40 USD/ngày cho những người sống xa nhà, thật khó khăn cho nhiều người", TS Barnes nói.
Trong khi đó, Bailey Riley, Chủ tịch Hội Sinh viên quốc gia, cho biết có sự gia tăng số lượng sinh viên tìm đến trong khi chật vật kiếm chỗ ở do giá thuê nhà tăng trên toàn quốc.
“Những vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn khi các khoản thanh toán phúc lợi trì trệ, buộc nhiều sinh viên phải sống trong điều kiện tồi tệ", Riley nói.
Bà Kristin O'Connell, người phát ngôn của Trung tâm chống nghèo đói Australia, nói rằng các khoản thanh toán của sinh viên buộc nhiều người trưởng thành phải phụ thuộc tài chính vào gia đình.
“Những sinh viên dựa vào các khoản trợ cấp của chính phủ để tồn tại có thu nhập thấp nhất trong cả nước”, bà O'Connell nói và kêu gọi nâng các khoản thanh toán phúc lợi lên ít nhất bằng mức chuẩn nghèo (88 USD/ngày).
“Số tiền này thậm chí không đủ để trang trải chi phí cho một căn phòng. Cuộc khủng hoảng nhà ở chứng kiến giá thuê ở phân khúc thấp nhất trên thị trường tăng nhanh hơn nhiều so với mức trung bình", bà O'Connell nhận định.