Mơ ước xa xôi
Simon Hsieh (26 tuổi) bộc bạch: “Tôi không quá kén chọn về thực phẩm và tôi cần tiết kiệm nhiều nhất có thể. Tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ mua được một căn hộ, nhưng mọi thứ ở Đài Bắc quá đắt đỏ và tôi không kiếm được nhiều tiền”.
Lương hằng tháng của Hsieh là 38.500 Đài tệ (1.190 USD), anh phải chi gần 1/3 số này cho tiền thuê căn hộ chung với 2 người khác. Anh cũng gửi một phần thu nhập cho cha mẹ sống ở vùng quê phía tây Đài Loan, cố gắng tiết kiệm phần còn lại. Chỉ thỉnh thoảng anh mới đi hát karaoke với bạn bè. Anh tâm sự: “Đôi khi tôi cảm thấy ước mơ mua nhà là điều không tưởng. Tôi không muốn mãi mãi ăn đồ ăn giảm giá ở cửa hàng tiện lợi. Tôi hy vọng có thể tự nấu ăn tại nhà của mình”.
|
Kim Do-yeon - một nhân viên bán hàng 26 tuổi - ngỡ ngàng khi bước vào căn hộ xã hội mà cô vừa được thuê ở quận Dongjak, Seoul với giá chỉ 7 USD/tháng - Ảnh: Jean Chung (Los Angeles Times) |
Đối với những người lao động như Hsieh, việc sở hữu nhà đang trở nên xa vời hơn so với trước đây. Tỉ số giá nhà trên thu nhập trung bình hằng năm của hộ gia đình ở Đài Bắc năm 1993 là khoảng 8,03 đã tăng vọt lên 15,5 vào năm 2023. Theo giáo sư Shane Su (Khoa Kinh tế, Đại học Quốc gia Đài Loan), yếu tố lớn nhất khiến khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng ở Đài Loan là bất bình đẳng về nhà ở. Giáo sư Su giải thích: “Nhiều người trẻ ngày nay sẽ không thể mua được nhà nếu không có sự giúp đỡ của cha mẹ”.
Dịch giả tự do Gloria Peng (25 tuổi, ở Đài Bắc) bán nến thủ công ở chợ ngoài trời vào cuối tuần để kiếm thêm thu nhập. Cô cũng đi bộ nhiều nhất có thể để tiết kiệm chi phí đi lại. Cô chia sẻ: “Nhiều người được gia đình giúp đỡ tài chính để mua căn nhà đầu tiên. Nhưng cha mẹ tôi không giàu, họ chỉ có một tiệm bánh hành. Tôi không thể hỏi xin tiền họ được”.
Là nơi sinh sống của 10 triệu người, thủ đô Seoul (Hàn Quốc) là một trong những nơi có giá nhà ở đắt đỏ nhất thế giới. Giá trung bình của 1 căn hộ đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua, lên khoảng 685.000 USD. Căn hộ thuộc diện nhà ở xã hội mà nữ sinh viên Choi So-ul (24 tuổi) mới dọn đến vào đầu tháng Năm có giá thuê hằng tháng thuộc nhóm rẻ nhất ở Seoul: chỉ 10.000 won, tương đương khoảng 7,4 USD. Cô nói: “Sau khi nhận được tin nhắn thông báo đủ điều kiện thuê căn hộ, tôi nhìn đi nhìn lại nó suốt 1 tuần liền. Tôi cảm thấy như cuối cùng mình cũng có thể bắt đầu tiết kiệm cho tương lai”.
Căn hộ mới của cô chỉ rộng 21m2 nhưng được trang bị máy điều hòa, bếp từ, tủ lạnh và máy giặt. Người trẻ Hàn Quốc hiện cần nhiều thời gian hơn để kết hôn hoặc lập gia đình. Điều đó càng thúc đẩy nhu cầu thuê nhà ở dành cho 1 người gia tăng. Seo Won-seok - chuyên gia chính sách bất động sản tại Đại học Chung-Ang (Hàn Quốc) - nhận xét: “Sự cạnh tranh về nhà ở hiện rất cao và có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn. Điều này nói lên rằng chúng ta cần nhiều nhà ở xã hội hơn để giảm bớt những bất lợi cho giới trẻ”.
Rời những thành phố đắt đỏ
Ding Xuan - kinh doanh trực tuyến - đã phải trả tiền thuê 9.000 USD/năm cho 1 căn phòng trong căn hộ chung ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đắt đỏ. Giống như nhiều người khác, công việc của Ding Xuan không được tốt kể từ đại dịch COVID-19. Khi số giờ làm việc và mức thu nhập giảm, cô quyết định chuyển đến sống ở nơi nào đó có chi phí sinh hoạt thấp. Và cô đã chọn TP Lăng Hải, tỉnh Liêu Ninh cách Bắc Kinh 440km về phía đông bắc.
Những năm gần đây, nhiều người trẻ tại Trung Quốc, đặc biệt là phụ nữ, có chọn lựa giống như Ding Xuan. Họ chọn sống ở các thành phố nhỏ, có giá bất động sản thấp. Ding Xuan cũng đang điều hành một tài khoản mạng xã hội kể về cuộc sống ở Lăng Hải với hơn 80% người theo dõi cô là nữ. Cô cho biết: “Phụ nữ phải đối mặt với một rào cản vô hình tại nơi làm việc. Khi bước sang tuổi 30, nếu bạn muốn kết hôn hoặc sinh con, bạn sẽ bị phân biệt đối xử trên thị trường lao động. So với cuộc đua danh lợi và sự phân biệt đối xử ở những thành phố lớn, tôi nghĩ tìm được chỗ ở tại một thành phố nhỏ hơn là cách giúp cuộc sống của mình thoải mái hơn”.
Theo phụ nữ TPHCM