leftcenterrightdel
 (Từ trái sang) Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson sẽ chia sẻ giải thưởng Nobel Kinh tế 2024 với số tiền mặt trị giá 1 triệu USD - Ảnh: Niklas Elmehed/Nobel Prize

Ủy ban Nobel của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết vào ngày 14/10: “3 nhà kinh tế đã chứng minh được tầm quan trọng của các thể chế xã hội đối với sự thịnh vượng của một quốc gia".

Viết trên mạng xã hội X, Ủy ban giải thích: "Nghiên cứu của những người đoạt giải giúp chúng ta hiểu lý do tại sao các xã hội có nền pháp quyền kém và các thể chế bóc lột dân chúng không tạo ra tăng trưởng hoặc thay đổi theo hướng tốt hơn”.

Theo học thuyết của 3 nhà kinh tế, những quốc gia phát triển "các thể chế bao hàm" - thúc đẩy quyền bình đẳng và cơ hội, cho phép sự tham gia rộng rãi của người dân vào quá trình ra quyết định - theo thời gian đã trở nên thịnh vượng.

Trong khi những quốc gia phát triển "các thể chế khai thác" - cho phép một nhóm nhỏ người nắm quyền khai thác tài nguyên và đàn áp phe đối lập - lại liên tục trải qua mức tăng trưởng kinh tế thấp.

Ủy ban Nobel trích dẫn công trình của bộ 3: "Khi người châu Âu xâm chiếm các vùng đất rộng lớn trên thế giới, các thể chế trong những xã hội đó đã thay đổi". Trong khi ở nhiều nơi, mục đích của việc này là khai thác người dân bản địa, thì ở những nơi khác, nó lại đặt nền móng cho các hệ thống chính trị và kinh tế bao hàm.

Ủy ban nói thêm: "Những người đoạt giải đã chỉ ra một lời giải thích cho sự khác biệt về sự thịnh vượng của các quốc gia, xuất phát từ các thể chế xã hội được hình thành trong thời kỳ thuộc địa".

Jakob Svensson - Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Khoa học Kinh tế của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển – nhận xét: “Giảm sự chênh lệch lớn về thu nhập giữa các quốc gia là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta. Những người đoạt giải đã chứng minh được tầm quan trọng của các thể chế xã hội để đạt được điều này”.

Cả 3 nhà nghiên cứu đều đang làm việc tại Mỹ: Acemoglu và Johnson làm việc tại Viện Công nghệ Massachusetts và Robinson tiến hành nghiên cứu của mình tại Đại học Chicago.

Mặc dù một số người cho rằng giải thưởng Kinh tế không phải là Giải Nobel, do không nằm trong di chúc của nhà khoa học người Thụy Điển quá cố Alfred Nobel, nó luôn được trao cùng với các giải thưởng khác vào ngày 10/12, nhân kỷ niệm ngày mất của ông vào năm 1896.

Các giải thưởng Nobel khác đã được công bố vào tuần trước trong các lĩnh vực y học hoặc sinh lý học, vật lý, hóa học, văn học và hòa bình.

Theo phụ nữ TPHCM