Vào một buổi sáng se lạnh đầu năm, 3 chiếc máy bay hạ cánh trên đường băng duy nhất của Whitehorse, vùng lãnh thổ Yukon hẻo lánh của Canada.
Hai chiếc đầu tiên chở các nhân viên từ Sở y tế của Yukon, những người sẽ tiêm vaccine Covid-19 cho khoảng 100 cư dân lớn tuổi, thuộc diện ưu tiên của Beaver Creek.
Còn chiếc máy bay thứ ba chở CEO Rodney Baker (35 tuổi) và vợ ông là nữ diễn viên Ekaterina (32 tuổi) - người đã phá luật cách ly và bay đến Beaver Creek với mục đích duy nhất là nhận được liều vaccine Moderna.
Trong vài giờ tiếp theo, cặp vợ chồng giàu có đi vào thị trấn, đóng giả là nhân viên nhà nghỉ địa phương, được tiêm vaccine và sau đó nhanh chóng tẩu thoát.
Rodney Baker và Ekaterina bị phạt 2.300 USD vì vi phạm cách ly để giành suất tiêm vaccine ưu tiên. Ảnh: Ekaterina Baker.
Khi Canada phải vật lộn với tình trạng thiếu vaccine, trò lừa dối của vợ chồng Baker khiến nhiều người phẫn nộ. Vụ việc cũng cho thấy thủ đoạn đê hèn của những người giàu có đang cố gắng lợi dụng quyền lực, tiền bạc để giành suất tiêm vaccine.
Trên khắp thế giới, vaccine Covid-19 đang được ưu tiên dành cho nhân viên y tế, lực lượng chống dịch tuyến đầu, nhóm dễ bị tổn thương, ảnh hưởng bởi đại dịch.
Nhiều người giàu có không thuộc đối tượng ưu tiên nhưng lại không quen với việc chờ đợi đang tìm mọi cách để có được vaccine. Một số chi hàng nghìn USD cho các chuyến du lịch tiêm vaccine tại nước ngoài, trong khi số khác tận dụng mối quan hệ để chen ngang hoặc mua "thẻ vaccine" từ những cư dân nghèo khổ.
"Người giàu không muốn đợi đến lượt mình. Họ coi việc chen hàng, giành suất tiêm vaccine đơn giản như mua vé máy bay hạng thương gia, đặt phòng khách sạn cao cấp", R. Couri Hay, nhà báo, nhà nghiên cứu xã hội 25 năm kinh nghiệm ở New York, nói.
Khoe khoang đặc quyền trên mạng xã hội
Đầu năm nay, khi Singapore bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm chủng, Kim Lim, rich kid nổi tiếng đảo quốc sư tử, là một trong những người đầu tiên chia sẻ hình ảnh được tiêm vaccine Covid-19 lên trang cá nhân.
Ngay lập tức, cô bị dân mạng chỉ trích vì bị cho sử dụng quyền thế, tiền bạc của gia đình để "chen ngang", giành suất tiêm sớm dù không thuộc đối tượng ưu tiên.
"Nhiều người thắc mắc rằng chúng tôi có đủ điều kiện để được tiêm vaccine trước hay không? Những người bạn bác sĩ đã khuyên vì tôi là sếp, nên tôi cần cho nhân viên thấy việc tiêm vaccine là cần thiết", Kim Lim đáp trả chỉ trích.
Rich kid Kim Lim khoe ảnh được tiêm vaccine sớm. Ảnh: kimlimhl.
Trong khi danh sách chờ tới lượt tiêm có thể rất dài, trường hợp những người giàu, có địa vị tìm đủ cách để sớm có trong tay liều vaccine Covid-19 luôn bị lên án mạnh mẽ.
Tháng 5/2021, Thái Lan bước vào một đợt bùng phát Covid-19 mới. Số ca nhiễm trong một ngày là 5.800, nhiều hơn tổng số trường hợp ghi nhận trong cả đợt dịch trước tháng 11/2020.
Các hộp đêm sang trọng, nơi chuyên phục vụ những người đàn ông quyền lực và giàu có, trở thành những ổ dịch lớn nhất cả nước.
Khi làn sóng dịch bệnh càn quét ngày càng mạnh mẽ, “phuyai”, được biết đến như “giới thượng lưu” ở Thái Lan, bắt đầu tìm mọi cách để có được vaccine nhanh nhất có thể.
Nhiều người ồ ạt đặt tour du lịch vaccine. Một chuyến đi Mỹ có giá 4.000-9.000 USD trong khi tour sang Nga có giá 6.000 USD, theo ABC News.
Rachpol Yamsaeng, điều hành công ty du lịch Unithai Trip có trụ sở tại Bangkok, cho biết anh đã nhận được "hàng trăm nghìn cuộc gọi" từ khi công ty quảng cáo các "kỳ nghỉ vaccine" tại Mỹ.
"Nhiều khách hàng của tôi không muốn chờ đến lượt ở Thái Lan. Họ sẵn sàng chi 8.300 USD cho hai mũi tiêm ở Mỹ. Điều đó giúp họ cảm thấy an toàn hơn khi trở về Thái Lan", Yamsaeng nói.
Một số người giàu có đã bắt đầu khoe khoang những chuyến du lịch đặc quyền của họ trên mạng. Điều này khiến những cư dân bình thường - đặc biệt là những người mất người thân hoặc kế sinh nhai trong đại dịch - cảm thấy kinh tởm.
Rachpol Yamsaeng giới thiệu về "kỳ nghỉ vaccine" tại Mỹ. Ảnh: ABC News.
Sittichat Angkhasittisiri, người đứng đầu một cộng đồng ở khu ổ chuột lớn nhất thủ đô - Khlong Toey, chua chát nói: "Người giàu mở tiệc và người nghèo phải gánh chịu hậu quả".
Làn sóng phẫn nộ lên đến đỉnh điểm khi một người giàu có tại Bangkok đã khoe khoang trên mạng xã hội về việc mua thẻ tiêm chủng từ những cư dân nghèo khổ của thành phố vào tháng 5.
Theo New York Times, dù bị coi là tầng lớp nghèo khổ, những người dân ở khu ổ chuột Khlong Toey lại là lực lượng lao động quan trọng ở Bangkok. Họ là những người giao hàng, giao đồ ăn, công nhân xây dựng các khu chung cư sang trọng và các trung tâm thương mại.
Tỷ lệ thất nghiệp vốn đã cao do Thái Lan đóng cửa biên giới, nay lại tăng vọt ở Khlong Toey. Để sống sót, một số gia đình đã phải bán thẻ tiêm vaccine mà họ nhận được với tư cách là cư dân của khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao cho những người có điều kiện.
Mariam Pomdee, người đứng đầu một cộng đồng tại Khlong Toey, nói: "Người giàu vốn đã có đặc quyền lại đang đạp lên người nghèo. Họ tin rằng tiền có thể mua bất cứ thứ gì".
"Ai đến trước thì được trước"
Tại châu Âu, khi việc tiêm vaccine Covid-19 vẫn còn diễn ra với tốc độ nhỏ giọt vào hồi tháng 3, giới nhà giàu bắt đầu "đâm đạp" sang nước ngoài.
Các nhà phê bình đã chỉ trích hành vi này là phi đạo đức vì vaccine nên được ưu tiên cho những người cần hơn. Tuy nhiên, các công ty lữ hành biện minh rằng đây là sự lựa chọn hợp lý khi cung và cầu là yếu tố quyết định.
Christian W. Mucha, người mở dịch vụ du lịch tiêm chủng tại Áo, nói rằng bất cứ ai vào trang web của ông đều thấy ngay câu slogan: "Ai đến trước thì được trước. Tự do dành cho bạn".
Câu khẩu hiệu này được lồng vào hình ảnh một hòn đảo nhiệt đới bình dị giữa biển xanh. Nó đưa ra thông điệp mọi người không cần phải chờ đợi hàng tháng theo lịch tiêm chủng và thủ tục hành chính. Công ty lữ hành sẽ giúp khách hàng đến nơi tiêm vaccine nhanh chóng, dễ dàng và thoải mái.
Mức giá thấp nhất mà công ty của Mucha cung cấp là 3.500-4.700 USD. Khách hàng sẽ đi máy bay tới Siberia tiêm xong rồi về nước. Họ có thể chọn loại vaccine của Nga hoặc Trung Quốc.
Những khách giàu hơn có thể chọn gói lên đến 25.000 USD, kết hợp tiêm chủng với nghỉ dưỡng cùng các dịch vụ đắt đỏ khác.
Họ sẽ được đưa tới các điểm đến như Vịnh Ả Rập hay Ấn Độ, nghỉ dưỡng 3 tuần trong thời gian chờ tiêm đủ 2 liều vaccine. Ngoài ra, dịch vụ ở Dubai còn cung cấp xe limousine đưa đón tại khách sạn hạng sang và cả quản gia riêng.
Nhiều người giàu trên khắp thế giới đang tìm mọi cách để có vaccine Covid-19. Ảnh: NurPhoto.
Tại Anh, công ty du lịch Knightsbridge Circle đang đưa ra gói đến Dubai tiêm vaccine dành riêng cho giới thượng lưu, với mức giá lên đến 47.000 USD.
Khách hàng giàu có sẽ đến Dubai trên khoang máy bay hạng nhất, tiêm vaccine của Pfizer-BioNTech hoặc Sinopharm.
Ở Đức, nhiều công ty lữ hành cũng từng kiếm bội tiền nhờ dịch vụ du lịch kết hợp tiêm vaccine.
Tuy nhiên, Karl Lauterbach, thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội Đức, chỉ trích đây là "mô hình kinh doanh phi đạo đức", bởi những liều vaccine còn lại sau khi các nước giàu mua thừa mới tới lượt những nước nghèo đang vật lộn tìm nguồn cung vaccine khan hiếm.
Hiện tại, Israel đã từ chối phục vụ người từ bên ngoài lãnh thổ cho đến khi người dân trong nước được tiêm chủng đầy đủ.
Tại Mỹ, bang Florida bắt đầu tiêm chủng sớm. Ban đầu, người tiêm không cần chứng minh địa điểm cư trú. Nhưng điều này đã thay đổi sau khi nhiều người Canada lách luật, đến đây để kiếm cho mình liều vaccine. Florida hiện cấm tiêm chủng cho người dân đến từ những nơi khác.
Theo Zing