Đứng trên đường băng màu xanh dương của sân bay ở Palm Jumeirah, một hòn đảo nhân tạo tại Dubai, Busra Duran mặc chiếc váy hồng sặc sỡ, đeo kính, đi giày cùng tông màu. Cô nàng đang cố kiễng chân, tạo dáng với phông nền là chiếc trực thăng màu đỏ cùng những tòa cao ốc.
Chồng Duran, Gökhan Gündüz, vội vàng ghi lại khoảnh khắc "sống ảo" cho bà xã. Họ chỉ có 12 phút tham quan miễn phí sân bay trực thăng này nên mọi thứ phải thật gấp rút.
Mục đích chính của chuyến du lịch đến Dubai là nâng cấp trang cá nhân đang có 608.000 follower của Duran. Vì vậy, họ phải có càng nhiều hình đẹp càng tốt.
Trong vài ngày qua, cặp vợ chồng đã đăng ảnh đi chơi golf, ăn tối trong nhà hàng, nghỉ dưỡng tại khách sạn... Lối sống Dubai ngập tràn trên trang cá nhân giúp Duran có thêm người theo dõi và mơ đến một ngày được trải nghiệm cuộc sống thượng lưu đúng nghĩa.
|
Dubai trở thành "thiên đường" đối với các ngôi sao mạng xã hội. |
"Cô ấy đang thể hiện phong cách sống của mình ở Dubai, để thu hút mọi người. Không chỉ Busra, Dubai cũng được hưởng lợi vì điều đó", Gündüz nói với The Guardian.
Từng là vùng đất cằn cỗi nhỏ hẹp ở rìa sa mạc, Dubai đã trở thành thỏi nam châm thu hút các ngôi sao mạng xã hội, được mệnh danh là "vùng đất Instagram" trong những năm gần đây.
Với sự phát triển của khách sạn và các thương hiệu cao cấp mong muốn sử dụng phương tiện truyền thông xã hội làm quảng cáo giá rẻ, Dubai đã trở thành nơi sản sinh "giới thượng lưu" trong không gian ảo, đội ngũ những Influencer không ngừng gia tăng lượng người theo dõi.
"Cô ta có bao nhiêu follow?"
Tại văn phòng cung cấp dịch vụ tham quan bằng máy bay trực thăng Falcon, chủ sở hữu Captain Husam Gamal gọi một nhân viên đến để kiểm tra thông tin đăng ký của Duran.
"Cô ấy là ai? Cô ta có bao nhiêu người theo dõi trên Instagram và sẽ đăng những gì?", anh ta hỏi.
"Trong thế giới này, mạng xã hội, số follow là tất cả", Gamal nhấn mạnh với nhân viên. Mối quan hệ cộng sinh giữa những người có ảnh hưởng và các doanh nghiệp địa phương của Dubai là điều dễ nhận thấy.
|
Chuyến du lịch đến Dubai là điều không thể thiếu trong hồ sơ của các Influencer. Ảnh:Instagram. |
Influencer cần hình ảnh, trong khi những công ty như của Gamal coi người có ảnh hưởng là một phần cần thiết trong chiến lược quảng cáo của họ.
Thế nhưng, công ty có thể gặp rắc rối nếu chọn sai người. Họ phải đảm bảo những thứ được các Influencer chia sẻ sẽ mang lại hình ảnh tích cực cho công ty nói riêng và thành phố nói chung.
Theo The Guardian, ở Dubai, không có thứ gì là tự nhiên hay ngẫu nhiên. Mọi thứ được xây dựng một cách có ý thức để đảm bảo "tính thẩm mỹ Instagram". Từ những tòa cao tầng nhẵn nhụi đến các ốc đảo nhấp nhô, các quán cà phê và cả nhưng nhà hàng phục vụ thức ăn nhanh đều được tạo ra để thúc đẩy tiêu dùng trực tuyến.
Sai lầm của Dubai
Sự lớn mạnh của thế hệ Influencer đã đem lại cho Dubai nhiều lợi ích: kích cầu du lịch, tăng trưởng kinh tế và tạo ra "nền kinh tế hậu dầu mỏ" đầu tiên thành công ở Trung Đông.
Thế nhưng, phía sau lớp vỏ hào nhoáng đó, Dubai giờ đây ngột ngạt và không còn nhiều chỗ trống. Các tòa cao ốc che khuất những khu dân cư bình dân nhưng cũng chỉ để làm nền trong các bức hình sống ảo trên mạng.
Jim Krane, tác giả cuốn sách City Of Gold: Dubai And The Dream Of Capitalism, nói: "Kinh doanh thương hiệu là một chiến lược rủi ro cao, như năm nay thất bại của Dubai trước Covid-19 đã chứng minh điều đó. Thật xui xẻo khi trở thành tụ điểm tiệc tùng giữa một đại dịch toàn cầu".
Vốn được xây dựng dựa trên ảo tưởng về sự đam mê không giới hạn, Dubai tự biến mình thành "vũ trụ song song" khi các quốc gia khác phải vật lộn với đại dịch. Hình ảnh chơi bời, tiệc tùng bất chấp Covid-19 giúp nơi đây có thêm khách tham quan, song chẳng bao lâu đã phải trả giá vì sự lơi lỏng, chủ quan của mình.
|
Dubai mắc sai lầm vì "thả cửa" làm du lịch trong mùa dịch. |
Kể từ tháng 7 năm ngoái, Dubai cho phép du khách từ khắp nơi trên thế giới nhập cảnh, miễn là họ có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Những du khách châu Âu đang cố thoát khỏi mùa đông lạnh lẽo và các đợt phong tỏa nghiêm ngặt chống Covid-19 hồi cuối năm ngoái đã đổ xô đến thành phố Trung Đông xinh đẹp.
Thế nhưng, chỉ vài tháng sau, tỷ lệ nhiễm bệnh ở đây tăng gấp 4 lần. Vào thời điểm đó, các quán bar và câu lạc bộ vẫn mở cửa muộn để thu hút khách du lịch.
UAE quyết tâm duy trì nền kinh tế dựa vào du lịch của mình bất chấp sự chỉ trích từ truyền thông châu Âu.
Sau khi phát hiện các ca nhiễm có liên quan đến du khách trở về từ UAE, Đan Mạch đã ngừng các chuyến bay đến Dubai trong khi Đức áp đặt nghiêm ngặt hơn biện pháp kiểm tra nhập cảnh.
Từ cuối tháng 1/2021, Anh đã áp đặt trở lại lệnh cấm bay hoàn toàn với Dubai và xóa tên thành phố này ra khỏi danh sách "hành lang du lịch". Theo CNBC, lệnh cấm này có thể khiến các khách sạn, resort... của Dubai thiệt hại khoảng 47 triệu USD/tháng.
Theo Zing