E1 là một trong những địa điểm tiệc tùng lớn nhất London. Nơi đây từng tổ chức những cuộc vui sôi động kéo dài liên tục 27 giờ và thường xuyên đón lượng khách đến 1.600 người.

Thế nhưng đã 16 tháng qua, nơi này không một bóng khách.

Theo AFP, Will Paterson, giám đốc của E1, đã dành cả tháng trời để chuẩn bị mở cửa hộp đêm trở lại. Tuy nhiên trước quy định phòng dịch mới được thắt chặt, anh đành chấp nhận dừng hoạt động thêm 4 tuần.

                                        Hộp đêm Leeds PRYZM (Anh) vắng khách, chỉ có mình người giám đốc ngồi lại. Hình ảnh chụp vào ngày 18/9/2020. Ảnh: AFP.


Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thông báo về việc các nhà hàng, hộp đêm tại Anh có thể kinh doanh trở lại vào ngày 21/6.

Tuy nhiên mới đây, khi Anh phải đối mặt với sự lây lan của biến chủng SARS-CoV-2 mới có nguồn gốc từ Ấn Độ, lộ trình tái thiết kinh doanh của các tụ điểm giải trí đã bị tuyên bố trì hoãn thêm 4 tuần, cho đến ngày 19/7.

Giám đốc Paterson đã không còn đủ kiên nhẫn nữa.

"Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều biện pháp phòng dịch trong những tháng qua để đảm bảo có thể mở cửa trở lại, thế mà tình thế lại thay đổi", anh chia sẻ trên AFP.

Chưa thể tiếp tục kinh doanh, nhưng điều khiến Paterson đau đầu hơn cả chính là việc thiếu hụt nhân viên. Anh lo sợ các nhân viên của mình không thể chờ đợi và tìm kiếm cơ hội việc làm khác.

"Không biết được sẽ phải trì hoãn thêm bao nhiêu lần nữa. Nhiều người sẽ tìm kiếm một ngành nghề khác đủ ổn định hơn để lo tiền ăn, thuê nhà và các chi phí sinh hoạt", Paterson nói.

Một yếu tố khác khiến cho nhiều nhân viên không thể gắn bó với Paterson là bởi quy định việc làm mới khắt khe hơn tại London hậu Brexit.

Thiệt hại 100 triệu bảng cho mỗi tuần đóng cửa


Michael Kill, giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp Night Time, cho biết nhiều chủ nhà hàng, hộp đêm đã ráo riết kế hoạch tái hoạt động sau khi nghe tin vui từ chính quyền.

Nhưng hiện tại các kế hoạch không thể thực hiện được nữa. Kill cho rằng giới trẻ sẽ "bị bỏ đói về mặt giải trí xã hội".

Anh chia sẻ: "Nhiều nơi đã chuẩn bị nguồn tài chính để có thể mở cửa trở lại vào ngày 21/6. Chúng tôi cần chính phủ bám sát kế hoạch đã đề ra".

                                                                       Hộp đêm tại Anh sôi động vào thời điểm chưa xuất hiện dịch Covid-19. Ảnh: The Guardian.


Còn theo Emma McClarkin, người đứng đầu Hiệp hội Beer & Pub Anh, mỗi hộp đêm phải chịu thiệt hại đến 100 triệu bảng/tuần nếu như tiếp tục phải ngưng hoạt động.

McClarkin cho rằng 1/4 các hộp đêm sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn vào tháng bảy và chính quyền cần đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ. Nếu không, ngành công nghiệp giải trí này sẽ thật sự lao đao.

Người dân Anh chưa ủng hộ mở cửa hộp đêm trở lại


Bất chấp sự mong mỏi được kinh doanh trở lại của các hộp đêm, người dân Anh, đặc biệt là giới trẻ, vẫn cho rằng hoạt động kinh doanh này cần tiếp tục dừng hoạt động. Đặc biệt trong bối cảnh nước Anh đã ghi nhận đến 128 nghìn người tử vong do Covid-19 tính từ đầu năm 2020.

Theo một cuộc khảo sát từ YouGov được công bố vào ngày 14/6, có đến 71% người được hỏi (bao gồm độ tuổi từ 18 đến 24) ủng hộ biện pháp phòng dịch chặt chẽ mới từ chính quyền, trong đó có việc tiếp tục đóng cửa tụ điểm giải trí như hộp đêm, quán rượu.

Kate Nicholls, giám đốc điều hành của UKHospitality, đại diện cho các doanh nghiệp bao gồm hộp đêm, khách sạn, sân chơi bowling và công viên giải trí cho biết: "Doanh nghiệp cần phải vận hành một cách thận trọng".

"Chính quyền trì hoãn việc mở cửa các nhà hàng, hộp đêm dẫn đến sự giảm sút lớn về doanh thu. Nhưng chúng ta cũng có sự hỗ trợ ngược lại khi mặt bằng cho thuê được giảm giá. Việc gia hạn các quy định phòng dịch là biện pháp cuối cùng của chính quyền rồi", anh nói.

Theo Zing