Bốn tháng sau khi chương trình tiêm chủng của Australia được khởi động, hầu hết người dưới 40 tuổi vẫn chưa đủ điều kiện tiêm vaccine ngừa Covid-19. Chính phủ Australia đang triển khai vaccine theo từng giai đoạn, dựa trên độ tuổi và mức độ dễ bị tổn thương.

Chiến dịch tiêm chủng của Australia cũng bị đình trệ do gặp vấn đề về nguồn cung, các lô hàng không được giao đúng hạn hay những lo ngại về vaccine AstraZeneca.

Những dòng người xếp hàng dài chờ đợi bên ngoài các điểm tiêm chủng ở Sydney, Melbourne, trong đó nhiều người trong độ tuổi 25-40. Một số người trẻ tuổi được chấp thuận tham gia tiêm chủng, do tiếp xúc với nhân viên tuyến đầu. Họ lập tức chớp lấy cơ hội.

                    Dòng người chờ đợi bên ngoài điểm tiêm chủng ở Melbourne cuối tháng trước. Ảnh: 9News.

Julia Bald, người viết nhạc 28 tuổi, là một trong số đó. Cô bước ra khỏi phòng khám với tâm trạng phấn chấn sau khi được tiêm "điều kỳ diệu của y học hiện đại".

"Tôi nghĩ mọi người đều khát khao có được nó", Bald nói về những người bạn. "Mọi người đều như kiểu 'hãy cho tôi vào đi! Tôi muốn được tiêm ngay bây giờ'".

Đối với nhiều người thuộc thế hệ Y, chỉ những người sinh ra từ năm 1981 đến năm 2000, vaccine là sự bảo vệ cho cha mẹ họ, là cơ hội tự do đi lại và là một bước quan trọng để quay trở lại cuộc sống bình thường. Nhiều chuyên gia cho biết thái độ nhiệt tình của giới trẻ Australia trái ngược hẳn với thế hệ cha mẹ họ, những người vẫn do dự với vaccine.

Kể từ tháng 5, tất cả người trên 50 tuổi ở Australia đều đủ điều kiện tiêm vaccine AstraZeneca. Tuy nhiên, một số người chần chừ vì những báo cáo về nguy cơ đông máu hiếm gặp sau khi tiêm vaccine này. Không ít người lớn tuổi ở Australia đã hủy lịch hoặc từ chối tiêm sau khi biết AstraZeneca là lựa chọn duy nhất.

Chính phủ Australia khuyến nghị người dưới 50 tuổi tiêm vaccine khác ngoài AstraZeneca, nhưng lựa chọn duy nhất hiện tại là Pfizer, loại vaccine mà nước này có nguồn cung hạn chế. Vì tỷ lệ nhiễm nCoV trong nước tương đối thấp, giới chức Australia xác định nhóm trẻ tuổi hơn có thể đợi tới khi nước này có nguồn cung Pfizer lớn hơn, hoặc một loại vaccine công nghệ mRNA khác.

Sarah Martin, 36 tuổi, đã kiến nghị chính phủ cho phép người trẻ tiêm chủng sau khi cô may mắn được tiêm vaccine ở một phòng khám gần như vắng người vài tuần trước.

"Gần như không có ai ở trung tâm tiêm chủng đại trà đó, nên tôi xin được tiêm. Tôi đã may mắn", cô kể.

Bản kiến nghị của cô đã thu hút được gần 4.000 chữ ký.

Đợt bùng dịch mới ở Melbourne khiến nhiều người trẻ chưa được tiêm chủng cảm thấy lo sợ và thất vọng. Ổ dịch mới khiến thành phố đông dân thứ hai của Australia ở bang Victoria phải phong tỏa. Đây là lần phong tỏa thứ tư mà người dân nước này phải chịu kể từ khi đại dịch bùng phát.

Hiện tại, chỉ 2% người Australia đã tiêm chủng đầy đủ. Nhiều người tỏ ra phẫn nộ khi vẫn bị kẹt ở nhà trong khi thế giới đã triển khai vaccine được 7 tháng. Đối với nhóm thế hệ Y, những người ngày ngày theo dõi mạng xã hội và ghen tị với tốc độ tiêm chủng ở Anh, Mỹ, cảm giác này đặc biệt mạnh mẽ.

Aashna Pillai, 29 tuổi, nói việc đẩy thế hệ của cô xuống dưới danh sách ưu tiên tiêm chủng khiến họ ngày càng cảm thấy bị bỏ rơi. Pillai cho biết cô đã thay đổi 4 công việc trong năm qua để có thể sống sót qua đại dịch.

"Quan điểm của mọi người về thế hệ của chúng tôi là 'ồ họ còn trẻ, họ sẽ phục hồi tốt sau khi mắc Covid-19, họ sẽ ổn thôi'. Vì vậy chúng tôi bị loại ra khỏi danh sách ưu tiên", cô nói.

Pillai thêm rằng việc trải qua một đợt phong tỏa khác, thay vì sử dụng vaccine để thoát khỏi đại dịch, đang kìm hãm cuộc sống của giới trẻ. Cơ hội đang vụt mất, dù đó là giấc mơ tới nước ngoài hay cảm giác tự tin để bắt đầu một sự nghiệp mới.

"Tôi đã bỏ lỡ cả năm và việc trì hoãn tiêm chủng hiện tại là một bước lùi khác", cô nói.

Nhiều người trẻ Australia chất vấn tại sao họ phải chờ đợi trong khi vaccine còn dư vì tỷ lệ tiêm chủng trong nhóm người lớn tuổi thấp. Ngày càng nhiều chuyên gia kêu gọi chính phủ Australia mở rộng phạm vi tiêm vaccine cho tất cả người dân.

Ngoài ra, thiếu minh bạch về triển khai vaccine cũng khiến nhiều người trẻ ở quốc gia này thêm lo lắng. Họ không biết khi nào chương trình tiêm vaccine mới mở rộng phạm vi đến họ hay Australia hiện có bao nhiêu liều vaccine Pfizer.

Chính phủ Australia chỉ cam kết rằng tất cả người trưởng thành sẽ được tiêm ít nhất một liều vaccine trước cuối năm nay. Hiện tại, chưa tới 20% dân số Australia được tiêm một liều vaccine, trong khi đó tỷ lệ này tại Mỹ và Anh lần lượt là 67% và 75%.

"Tôi bất ngờ về việc thiếu thông tin. Thông tin dường như được truyền miệng nhiều hơn là qua truyền thông chính thức của chính phủ", Bald nói.

Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine Covid-19 tại điểm tiêm chủng ở Sydney đầu tháng 5. Ảnh: Reuters.

Nhiều người trẻ cho biết tìm kiếm thông tin từ các nguồn không chính thức đôi khi giúp họ có cơ hội tiêm chủng. Một số địa điểm tiêm chủng đã tiêm vaccine cho người xếp hàng, thay vì phải bỏ đi số vaccine thừa sắp hết hạn.

Tarun, 31 tuổi, là một trong số đó. Lúc đăng ký tiêm, anh không biết bản thân không đạt điều kiện về nhóm tuổi. Nhưng khi Tarun có mặt tại phòng khám, các y tá đã tiêm cho anh.

"Tôi nghĩ thật công bằng khi họ nói 'bạn đã ở đây, do đó bạn cũng có thể được tiêm'. Bởi chẳng phải đó là mục tiêu cuối cùng hay sao?", anh nói. "Bạn muốn mọi người được tiêm chủng, nhưng nếu ai đó không tới, bạn hoàn toàn có thể thay thế bằng một người khác".

Những rắc rối về quy định kiểm soát đại dịch khiến nhiều người lo lắng và chấp nhận rủi ro biến chứng khi tiêm vaccine. Nhiều người sợ bỏ lỡ các cơ hội, nhất là khi ngày càng có nhiều thông tin về những đặc quyền tự do đi lại tiềm năng dành cho những người đã tiêm chủng.

"Tôi rất muốn tiêm vaccine", Pillai nói. "Tôi đang trong giai đoạn quan trọng của cuộc đời, nhưng đang buộc phải ở nhà bởi vì không có vaccine".

Theo vnexpress