Subtle Asian Traits (SAT), một nhóm riêng tư trên Facebook, thu hút hơn 1,8 triệu thành viên, nổi tiếng với các meme, bài đăng hài hước. Kể từ khi thành lập cách đây hai năm, nhóm đóng vai trò như một diễn đàn để những người trẻ trên khắp thế giới chia sẻ và theo dõi những câu chuyện về châu Á.

Các chủ đề được thảo luận trên SAT rất đa dạng từ trà sữa trân châu, Kpop cho đến “bố mẹ hổ” - những bậc phụ huynh hà khắc trong nuôi dạy con cái.

SAT được thành lập bởi 8 bạn trẻ Australia gốc Á quen nhau ở Melbourne, với mục đích ban đầu là gắn kết và chia sẻ kinh nghiệm sống.

Tony Xie (19 tuổi), một trong những người sáng lập nhóm, đang là sinh viên kỹ thuật năm thứ hai tại Đại học Melbourne, cho biết: “Lúc đầu, chúng tôi chỉ muốn tạo ra một không gian vui nhộn, vì khi đó chưa có gì giống như vậy trên mạng".

phan biet chung toc anh 1

Các thành viên của Subtle Asian Traits tại Australia.

Nhưng các meme dí dỏm và sự hài hước của SAT đã thu hút người châu Á trên khắp thế giới, giúp nhóm có số lượng thành viên gia tăng nhanh chóng.

Khi mở rộng hoạt động, những người sáng lập nhận thấy cần có cách vận hành khác. Xie cho biết nhóm đã tuyển dụng một đội hơn 40 tình nguyện viên để phê duyệt mọi bài đăng.

“Chúng tôi muốn có một cộng đồng tôn vinh sự khác biệt và tương đồng giữa các nền văn hóa châu Á trên khắp thế giới. Chúng tôi muốn một không gian trực tuyến mà bạn có thể cảm thấy an toàn”, Xie nói.

Chống phân biệt chủng tộc

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc chống lại người châu Á ngày càng gia tăng.

Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, cho biết đại dịch đã “gây ra làn sóng thành kiến đáng lo ngại đối với những người thuộc sắc tộc Đông Á”.

Chính vì vậy, bên cạnh những chủ đề dí dỏm, hài hước, các thành viên của SAT gần đây còn tập trung thảo luận về cách đối phó với sự gia tăng nạn phân biệt chủng tộc.

Rei Lo (26 tuổi, sống tại New York, Mỹ), người tham gia SAT một năm trước, đã chia sẻ các phác họa chân dung của chính mình và nạn nhân châu Á liên quan đến tội ác thù hận.

Bản phác thảo đầu tiên của cô được khơi nguồn từ vụ việc người đàn ông Myanmar và hai con trai bị hành hung ở bang Texas xảy ra hồi tháng 3. Kẻ tấn công đã thừa nhận cố gắng giết gia đình nạn nhân vì tin rằng họ là người Trung Quốc và lây nhiễm virus cho mọi người.

“Khi tôi đọc câu chuyện đó, tôi không thể quên nó. Những tội ác này quá mất nhân tính và khủng khiếp. Tôi cảm thấy có trách nhiệm phải lên tiếng về những vấn đề này”, Lo nói.

Lo đã chia sẻ tác phẩm nghệ thuật của mình lên SAT và nhận được hơn 15.000 lượt thích và 1.500 bình luận.

Cô nhớ lại một nhận xét đặc biệt khiến cô rơi nước mắt. “Một người nói rằng trong toàn bộ thời gian bị cách ly và thấy những cuộc tấn công phân biệt chủng tộc, cô ấy cảm thấy thất vọng và đau đớn không thể diễn đạt. Cô ấy cảm ơn nghệ thuật của tôi vì đã ghi lại điều đó”.

Crystal Abidin, một nghiên cứu viên cao cấp về Internet tại Đại học Curtin ở Perth (Australia), cho biết: “Trong một nhóm như SAT, bạn đang nói chuyện với khán giả mục tiêu của mình, chứ không chỉ tham gia vào một không gian rất đa dạng và có khả năng vô ích”.

Ngay cả đối với những thành viên ít nói, im lặng, việc chỉ tiếp thu nội dung và cảm xúc của cộng đồng, cũng có thể có tác động tích cực, mời gọi họ tham gia.

phan biet chung toc anh 4

Rei Lo là tác giả loạt tranh về nạn nhân của phân biệt chủng tộc.

Trong quá khứ, rất ít bài viết chính trị được người điều hành nhóm phê duyệt. Xie nói rằng những bài đăng như vậy đôi khi có thể trở thành chủ đề nóng và phần bình luận bị biến thành một "nơi độc hại".

Nhưng một số thành viên tỏ ra thất vọng vì họ muốn có một không gian trò chuyện nghiêm túc trong nhóm. Cuối cùng, người kiểm duyệt đã giới thiệu thẻ “thảo luận” cho các bài đăng như vậy.

Các thành viên có thể dễ dàng tìm thấy chúng và tham gia thảo luận về nhiều chủ đề khác nhau, từ mối quan hệ gia đình đến vụ nổ gần đây ở Beirut.

Các chủ đề hài hước vẫn có thể được tìm thấy bên cạnh những câu chuyện thời sự. Nhưng Abidin nói rằng meme đôi lúc có thể là chính trị và hài hước có thể được sử dụng như một công cụ để hoạt động trực tuyến.

“Sự hài hước là cách bôi trơn các cuộc trò chuyện khó khăn và tạo sân chơi cho những người trẻ tuổi tham gia thảo luận chính trị. Có thể nói rằng SAT tạo ra không gian trực tuyến khiêm tốn và lịch sự để giải quyết các cuộc thảo luận nghiêm túc, ngay cả khi các thành viên bất đồng quan điểm", Abidin nói.

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người gốc Á trở thành nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc.

Ngày 3/3, Jonathan Mok - sinh viên gốc Á tại ĐH College London (Anh) - bị nhóm người chửi bới và đánh đạp trên đường Oxford gần ga tàu điện ngầm Tottenham Court Road.

Cuối tháng 3, 4 cô gái trong độ tuổi 15, 16 dùng ô đánh liên tục vào người phụ nữ châu Á 51 tuổi trên xe buýt tại Bronx (New York, Mỹ). Thủ phạm đã bị bắt và đối mặt với các tội danh như tấn công, đe dọa và quấy rối người khác.

Teriann Nguyen - người gốc Việt hiện sống ở Mỹ - chia sẻ với Zing việc nhiều học sinh gốc Việt tại trường Trung học Bolsa Grande thuộc Học khu Garden Grove Unified (GGUSD - khu học chánh lớn thứ 14 ở bang California, Mỹ) bị bạn học phân biệt đối xử và gọi là "virus corona".

Theo Zing