leftcenterrightdel
 Lương cao hay nhiều phúc lợi không còn hấp dẫn nhiều người trẻ xứ sở kim chi chọn làm việc tại ngân hàng. Ảnh minh họa: SeongJoon Cho/Bloomberg.

Các nhà quan sát thị trường tại Hàn Quốc cho biết ngày càng nhiều nhân viên ngân hàng từ 30 tuổi trở xuống, chủ yếu là Gen Z (sinh năm 1997-2012), rời đi, bất chấp mức lương cao và công việc ổn định.

Các ngân hàng có phong cách quản lý nghiêm ngặt từ trên xuống, trong đó nhân viên phải tuân theo mệnh lệnh và có rất ít cơ hội để sáng tạo hoặc linh hoạt.

Dù vậy, họ cũng đang cố gắng cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống bằng cách tăng cường phúc lợi tốt và cho phép nhân viên tự do hơn trong sắp xếp lịch làm việc trong tuần, theo The Korea Times.

Môi trường nghiêm khắc và cứng nhắc

Một quan chức có 15 năm kinh nghiệm tại một trong năm tổ chức cho vay thương mại hàng đầu giải thích rằng các công ty dịch vụ tài chính, bao gồm cả ngân hàng, đặc trưng bởi lối vận hành theo những chuỗi mệnh lệnh nghiêm ngặt từ trên xuống dưới.

Văn hóa này tương tự văn hóa trong quân đội, nơi mọi người phải tuân theo mọi mệnh lệnh mà không được thắc mắc. Nếu không làm theo yêu cầu, họ sẽ bị trì hoãn hoặc thậm chí từ chối thăng chức hoàn toàn. Điều này phổ biến và được xem như một thông lệ trong quản lý doanh nghiệp.

Người quan chức nói thêm đa số nhân viên đều làm những gì được yêu cầu mà không phàn nàn. Tuy nhiên, nhân viên mới lại thường mắc phải những tình huống hoặc nhiệm vụ được giao mà họ không thích hoặc cảm thấy khó chịu. Vì vậy, họ có khả năng thôi việc hơn.

Theo báo cáo về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) do ba tập đoàn tài chính hàng đầu của Hàn Quốc (KB, Shinhan và Hana) phát hành vào tuần đầu tiên của tháng 7, tỷ lệ thôi việc của nhân viên từ 30 tuổi trở xuống trung bình là 4,77%. Con số này đã tăng gấp 8 lần so với 0,57% vào năm 2020.

leftcenterrightdel
Môi trường làm việc kém linh hoạt tại các ngân hàng khiến nhiều người trẻ Hàn Quốc rời đi kiếm việc mới. Ảnh minh họa:The Korea Economic Daily. 
  

Năm 2023, tỷ lệ này của KB đạt 5,7%, tăng từ mức 5,5% của năm 2022 và cao hơn đáng kể so với mức 1,3% của năm 2020. Trong đó, nhóm tuổi trẻ nhất có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất, vượt xa mức 2,2% ở nhóm tuổi 30-50 và 1,2 % ở nhóm trên 50 tuổi.

Con số vốn đã cao của Shinhan là 7,1% đối với nhóm dưới 30 tuổi đã tăng nhẹ lên 7,3% vào năm ngoái.

Trong khi đó, tỷ lệ thôi việc của Hana đứng ở mức 1,31% vào năm ngoái, tăng 0,28 điểm phần trăm so với mức 1,03% vào năm 2020.

Tỷ lệ nghỉ việc chung của năm 2023 là 7,2%, cao hơn 1,4 điểm phần trăm so với mức 5,8% của năm trước. Đối với nhân viên cấp thấp và mới vào nghề, tỷ lệ thôi việc tăng lên 8,9%, so với 6,6% của các vị trí quản lý và 5,9% ở nhân viên cấp trung đến cấp cao.

Ưa chuộng công ty khởi nghiệp về tài chính

Theo khảo sát về 209 nhân viên thuộc thế hệ Millennials sinh từ năm 1980-1995 và Gen Z của nền tảng tuyển dụng Job Korea, 49,3% số người tham gia cho biết họ không hài lòng với công việc của mình.

leftcenterrightdel
Kakao Pay, công ty con về thanh toán di động và ví kỹ thuật số của tập đoàn công nghệ khổng lồ Kakao, sở hữu 90% nhân viên thuộc thế hệ Millennials và Gen Z. Ảnh:Kakao Pay. 
 

Hơn một nửa số đó nói cảm giác bất mãn đó đủ lớn để họ tìm việc mới. Khoảng 47,6% cho biết hiện tại họ chưa có ý định thay đổi công việc nhưng sẵn sàng cân nhắc khi gặp cơ hội tốt. Gần 80% cho biết họ đang nghĩ đến việc nhảy việc.

Các công ty khởi nghiệp Fintech bao gồm Naver, Kakao Pay và Viva Republica là một trong những nhà tuyển dụng được Gen Z ưa chuộng nhất.

Bên cạnh đó, độ tuổi trung bình của nhân viên Toss, ứng dụng di động của công ty Viva Republica, là 32. Toss được biết đến với môi trường làm việc linh hoạt khuyến khích làm việc hợp tác cùng kỳ nghỉ hào phóng.

Theo lifestyle.znews