|
Người Hàn Quốc có số giờ làm việc nhiều nhất trong thế giới công nghiệp hóa |
Một ngày cuối tuần, Lee Sang-hyuk kể về văn hóa làm thêm giờ tại một công ty dược phẩm lớn mà anh từng làm việc gần Seoul. “Tôi dần nhận ra cuộc sống và sức khỏe của mình đang sa sút do làm việc quá nhiều giờ. Tôi không có năng lượng và bỏ bê các mối quan hệ cá nhân”.
Lee kể, anh bị đau lưng vì dành nhiều giờ ngồi ở bàn làm việc và tâm trạng trở nên lo lắng và mất tập trung. “Trong những lần gặp gỡ bạn bè, tôi thậm chí không thể tận hưởng điều đó, vì tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến là công việc. Tôi nghĩ mình là vấn đề, cuối cùng để tự cứu lấy mình, tôi đã nghỉ việc” - người đàn ông 35 tuổi chia sẻ.
Câu chuyện của Lee không phải là trường hợp cá biệt ở Hàn Quốc.
Hồi tháng 3, chính phủ Hàn Quốc đề xuất sửa đổi hệ thống giờ làm việc, cho phép lên tới 69 giờ một tuần. Luật hiện hành cho phép áp dụng nguyên tắc 40 giờ làm việc một tuần cơ bản cộng với thời gian làm thêm giới hạn tối đa là 12 giờ. Vì thế, đề xuất này đã gây ra phản ứng dữ dội từ giới trẻ, nhiều người gọi đây là một “chính sách vô trách nhiệm và vô nhân đạo" xa rời thực tế.
|
Một cuộc khảo sát cho thấy 59% số người được hỏi không được trả tiền làm thêm giờ |
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có thời gian làm việc dài nhất trong thế giới công nghiệp hóa. Đây thường được coi là một di sản của sự tăng trưởng kinh tế vượt trội của họ. Nhưng làm việc quá nhiều giờ lại mang đến cho người lao động tình trạng kiệt sức, nó cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ tự tử ở Hàn Quốc. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho những người từ 10 đến 39 tuổi.
Theo Kim Ji-hyun, trưởng ban chính sách của Youth Community Union, một nhóm hoạt động ủng hộ điều kiện làm việc tốt hơn cho thanh niên: “Những người trẻ tuổi đã biết làm việc nhiều giờ có hại như thế nào. Họ nhận ra, ngay cả khi họ làm việc chăm chỉ ở nơi làm việc hiện tại, không phải lúc nào lợi ích và lợi nhuận của công ty cũng đến được với người lao động".
Những người trẻ ngày càng trở nên lo lắng về việc gắn bó với một công ty duy nhất trong một thời gian dài, đặc biệt là do chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Một cuộc khảo sát của JobKorea, cổng thông tin việc làm, tiết lộ 55% nhân viên thuộc thế hệ trẻ không có ý định theo đuổi các vị trí quản lý, trong khi 47% cho biết họ đang chuẩn bị chuyển sang công ty khác.
|
Giới trẻ Hàn Quốc đang chống lại áp lực truyền thống là ở lại làm việc với một công ty duy nhất cho đến khi nghỉ hưu |
Lee Myung-ha, 36 tuổi, làm việc cho một cơ quan chính phủ và thường xuyên túc trực 24/24 để điều hành các hoạt động kinh doanh quốc tế. Đôi khi cô làm việc đến 4 giờ sáng và cảm thấy mình luôn bị áp lực phải chứng minh rằng mình đã làm hết sức mình. “Tôi cảm thấy mình không còn là chính mình” - cô nói.
Một cuộc khảo sát của Gapjil 119, một tổ chức dân sự vận động chống lạm quyền và ngược đãi tại nơi làm việc, cho thấy 59% số người được hỏi làm thêm giờ cho biết họ không được trả tiền cho việc đó. Giám đốc điều hành của Gapjil 119, Oh Jin-ho cho biết: “Ngoại trừ hành vi quấy rối tại nơi làm việc, câu hỏi phổ biến nhất mà chúng tôi nhận được liên quan đến tiền lương và giờ làm việc".
Ông Oh nói, đề xuất kéo dài 69 giờ giống như luật khuyến khích tử vong do làm việc quá sức, một nguyên nhân gây tử vong chính thức cướp đi sinh mạng của khoảng 500 người mỗi năm, mặc dù con số thực có thể cao hơn.
|
Cựu công chức Lee Myung-ha trở thành quản lý một cửa hàng rượu ở Seoul |
Một cuộc khảo sát gần đây của Bộ Lao động Hàn Quốc cho thấy giới trẻ mong muốn được làm việc một tuần 42 giờ.
Tại hiệu thuốc tư nhân ở Bucheon, gần Seoul, Lee cho biết một cuộc sống cân bằng là điều cần thiết. Anh tin rằng Hàn Quốc cần một nền văn hóa làm việc hiệu quả hơn để duy trì khả năng cạnh tranh toàn cầu. “Theo tôi, bước đầu tiên là giới hạn giờ làm việc hợp lý để đảm bảo đủ thời gian nghỉ ngơi cho người lao động. Để chúng ta có một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc là làm chủ được cuộc sống của mình".
|
Lee Sang-hyuk tại hiệu thuốc do anh làm chủ ở Bucheon, gần Seoul |
Theo phụ nữ TPHCM