Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2019, Bryan Foo nói với bố mẹ rằng anh sẽ chuyển ra ngoài trong vòng một năm tới, theo Today.

Lúc đó, phụ huynh của Foo không đủ thuyết phục vì sao con trai cần dọn ra ở riêng. Nhưng khi đại dịch Covid-19 xảy ra vào năm 2020, trùng với mốc thời gian anh đặt ra ban đầu, Foo, một nhà tư vấn kinh doanh, có đủ lý do phù hợp để tiếp tục thuyết phục bố mẹ mình.

Ở nhà, bố mẹ anh không đóng các cửa để gió có thể thổi thông thoáng toàn bộ căn hộ 5 phòng. Bởi vậy, mọi cánh cửa trong nhà đều được mở ngay cả khi Foo và mẹ họp online, còn em gái học trực tuyến.

“Chúng tôi nhận ra rằng thật bất tiện khi cả 3 người đều cần học hoặc họp online cùng lúc. Nhờ đó, tôi thuyết phục được bố mẹ và họ hiểu rằng tôi cần một khoảng không gian riêng để trưởng thành”, Foo (28 tuổi) nói.

  Foo (bên phải) và bạn cùng nhà Jin Dong Yang (27 tuổi) tại căn hộ thuê chung. Ảnh: Ili Nadhirah Mansor/TODAY.


Hiện Foo thuê một căn hộ 4 phòng ngủ ở Redhill với 2 người bạn thời đại học. Mỗi người trả khoảng 1.100 SGD (820 USD).

“Chuyển ra ở riêng là để được tự do và độc lập. Nó cũng vì sự phát triển cá nhân nữa”, anh cho biết.

Foo là một trong số những người Singapore trẻ tuổi, độc thân chọn ra sống riêng trong bối cảnh các giá trị truyền thống dần thay đổi, độ tuổi kết hôn muộn hơn. Xu hướng này đang tăng nhanh trong những năm gần đây và dường như trở nên trầm trọng hơn do Covid-19, theo Today.

Xu hướng


Đại dịch đã thúc đẩy nhiều lao động thuộc thế hệ Millennials tìm kiếm môi trường làm việc tại nhà thuận tiện hơn bằng cách chuyển ra khỏi nhà bố mẹ.

Thông thường, con cái ở Singapore sẽ ở cùng với gia đình cho đến khi kết hôn và đủ điều kiện nhận nhà ở xã hội từ Hội đồng Nhà ở và Phát triển (HDB). Những người độc thân ở Singapore chỉ có thể mua căn hộ HDB khi họ bước sang 35 tuổi. Đồng thời, họ chỉ được mua những căn hộ nhỏ ở các khu mới xây dựng của chính phủ.

Từ năm 1990-2020, số lượng người Singapore và thường trú nhân dưới 35 tuổi sống một mình hoặc xa cha mẹ đã tăng từ 33.400 lên 51.300, theo số liệu từ Cục Thống kê.

Trước đây, các cư dân thường tránh thuê nhà ở Singapore vì quá đắt đỏ. Một căn hộ 3 phòng của HDB nằm ở rìa thành phố đã có giá thuê khoảng 2.800 SGD/tháng, bằng 1/2 mức lương trung bình.

Tuy nhiên, một số công ty bất động sản cho biết tỷ lệ người Singapore thuê nhà ngày một tăng.

              Số người trẻ Singapore thuê nhà ở riêng tăng mạnh trong dịch Covid-19. Ảnh: Ooi Boon Keong/TODAY.


Tại công ty bất động sản Hmlet, nơi cung cấp mô hình sống chung co-living, tỷ lệ khách thuê là cư dân Singapore đã tăng từ 10% lên gần 40% kể từ nửa cuối năm ngoái. Những người thuê này chủ yếu ở độ tuổi từ 27-35.

Giselle Makarachvili, Giám đốc điều hành của Hmlet, cho biết nhiều người Singapore muốn thuê nhà để có sự tự lập và riêng tư hơn.

“Bên cạnh các chuyên gia trẻ tuổi chiếm phần lớn số người thuê, chúng tôi cũng nhận thấy sự gia tăng các cặp vợ chồng chuyển đến căn hộ trong thời gian chờ căn hộ HDB đã đặt trước hoàn thành xây dựng”, bà nói. Đại dịch đang khiến việc xây dựng bị đình trệ do thiếu nguồn cung nhân lực nước ngoài.

Alan Cheong, Giám đốc điều hành nghiên cứu và tư vấn của công ty tư vấn bất động sản Savills Singapore, cũng có chung nhận định.

“Ngày càng nhiều người độc thân muốn tách khỏi gia đình và chuyển tới sống ở các khu co-living”, ông nói.

Tìm kiếm sự tự do


Quyết định chuyển ra ở riêng đến với kiến trúc sư Louise Hong (28 tuổi) rất tự nhiên. Cô gặp bạn trai tại trường đại học ở Australia. Sau một thời gian ngắn làm việc ở xứ chuột túi, cả hai quyết định chuyển về Singapore.

Bạn trai của cô, một công dân Malaysia, phải thuê phòng ở ngoài. Về phía Hong, em gái cô đã quen với việc sử dụng toàn bộ căn phòng ngủ họ từng ở chung trong 6 năm cô đi du học. Bởi vậy, Hong quyết định ra ở cùng bạn trai.

                                  Zainuddin chọn ra sống riêng để sống thêm tự lập. Ảnh: Zainuddin Zahir.


Tuy nhiên, đối với một số người trẻ độc thân, quyết định chuyển ra ngoài sống của họ được cân nhắc kỹ hơn và thường đưa ra sau khi 30 tuổi.

“Con số 30 khiến tôi có cái nhìn rõ hơn về cuộc sống và thúc giục tôi đưa ra một số thay đổi”, Zainuddin Zahir (31 tuổi), một nhân viên marketing kỹ thuật số thuê nhà ở Telok Kurau, nói.

Sau khi đến nhà riêng của một số người bạn tách ra khỏi bố mẹ, Zainuddin cảm thấy mình cũng cần thay đổi môi trường và chọn chuyển ra ngoài vào đầu năm nay.

Lara Loi (31 tuổi), nhà thiết kế sản phẩm, có kế hoạch tiếp tục thuê nhà ngay cả khi qua 35 tuổi.

“Mọi người xung quanh tôi đều cho rằng họ muốn mua nhà. Nhưng đó là câu chuyện chung của người Singapore rồi. Bạn trưởng thành thì mặc định bạn phải mua nhà, không quan trọng xuất thân từ đâu hay làm nghề gì”, cô nói.

Song đối với Loi, mua nhà đồng nghĩa với việc bị ràng buộc trong nhiều năm với khoản nợ thế chấp và không được di dời linh hoạt.

Từng tham gia chương trình trao đổi sinh viên ở Mỹ và làm việc tại nước ngoài một thời gian ngắn, Loi luôn nghĩ về lối sống du mục, dễ dàng nhảy việc hoặc chuyển đi nơi khác. Nó cũng khiến cô thêm khao khát sự tự lập khi trở lại Singapore. Bởi vậy, khoảng cuối những năm 20 tuổi, cô kiên quyết ra ở riêng.

“Đối với tôi, ý nghĩ phải mua nhà khiến bản thân sợ hãi rất nhiều”, cô chia sẻ.

Zainuddin cũng không theo đuổi giấc mơ chung của nhiều người Singapore - sở hữu một căn nhà.

Anh cũng có kế hoạch ra nước ngoài sống một vài năm và sẵn sàng tiếp tục đi thuê nhà trong thời gian dài. Tuy nhiên, Zainuddin thừa nhận rằng anh có thể cân nhắc lại nếu kết hôn.

                                  Loi yêu thích lối sống du mục, liên tục dịch chuyển. Ảnh: Lara Loi.


Còn Foo thừa nhận có không gian riêng phát triển bản thân rất đáng để anh chịu gánh nặng tài chính tiền thuê nhà. Một trong số những lợi ích lớn nhất của Foo khi ở riêng là khối kiến thức anh thu thập được từ những người bạn cùng nhà.

“Trò chuyện với họ thực sự giúp tôi nảy ra nhiều ý tưởng và cơ hội”, anh cho biết.

Khó khăn chồng chất


Tuy nhiên, sự tự do, thoải mái cũng đi kèm với một cái giá nhất định. Chẳng hạn, Zainuddin mất thời gian để điều chỉnh cuộc sống của mình.

Trong tháng đầu tiên, Zainuddin “vung tay quá trán” vào tiền đi chợ. Nhiều loại thực phẩm nhanh chóng hết hạn, phải vứt bỏ một cách phung phí do anh không cân nhắc trước khi mua.

Mẹ của anh rất tự hào về tài nấu nướng của mình nên bà không bao giờ để Zainuddin vào bếp. Do đó, anh phải tự học cách tự nấu cơm khi sống riêng.

Khi Foo mới chuyển sang căn hộ mới cùng các bạn, họ nhận được thư phàn nàn từ hàng xóm về tiếng ồn di chuyển đồ đạc của họ.

3 chàng trai đã mua một hộp chocolate và đem đến nhà hàng xóm để xin lỗi. Họ cũng để lại số điện thoại để hàng xóm có thể liên lạc nếu họ làm ồn quá mức.

  Người trẻ cho biết tiền nhà là vấn đề lớn nhất nhưng rất xứng đáng để có tự do. Ảnh: Ooi Boon Keong/TODAY.


Nhưng khó khăn lớn nhất đối với hầu hết người trẻ này là căng thẳng tài chính. Kiến trúc sư Hong cho biết cô vẫn cần bố mẹ hỗ trợ để trả tiền thuê nhà hàng tháng. Dù đã chia 3, mỗi tháng cô vẫn cần chi trả 2.100 SGD (1.566 USD).

Năm đầu tiên thuê nhà cũng là khoảng thời gian vất vả đối với Loi. Mặc dù thất nghiệp suốt 4 tháng nhưng cô vẫn phải trả 1.200 SGD tiền thuê nhà. Vào thời điểm đó, số tiền này cao hơn 1/5 so với mức thu nhập của cô. Do đã chọn cách sống tự lập, cô không muốn trở về nhà để nhờ bố mẹ giúp đỡ tài chính.

Mặc dù khó khăn, Loi cho biết nó rất xứng đáng vì được tự do, và lối sống này giúp cải thiện sức khỏe tâm thần của cô.

Mặt khác, sống riêng cũng giúp cải thiện mối quan hệ gia đình. Hong cho biết cô trở nên gần gũi với gia đình mình hơn. Cô cố gắng sắp xếp thời gian về nhà 2 lần/tuần và cả gia đình trò chuyện qua điện thoại thường xuyên.

Những cuộc gặp gỡ của gia đình giờ đây là để dành thời gian chất lượng cho nhau, thay vì chỉ trao đổi đôi câu thông thường trong bữa tối, cô cho biết.

Theo Zing