Đã sớm tiếp cận với ChatGPT
Đang làm trong ngành công nghệ Nguyễn Đăng Khoa (quản lý Học viện Sẻ chia) cho rằng đã biết ChatGPT từ tháng 12 năm ngoái. Khi mới ra mắt thời gian ngắn đã tạo nên cơn sốt với những người làm nghề công nghệ.
Theo Khoa, từ đầu ChatGPT đã giới hạn người có thể tạo tài khoản từ một số quốc gia nhất định, trong đó không có Việt Nam. Điều đó càng làm cho Khoa tò mò, chia sẻ tài khoản trên các nhóm Facebook để dùng thử…
Khoa nhận thấy ChatGPT dễ sử dụng. Gõ tin nhắn như người bạn với nhau, để hỏi về các thông tin mình cần tìm, cần viết là AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ xâu chuỗi các câu hỏi lại thành câu trả lời hoàn chỉnh từ các dữ kiện mình hỏi và đã tiếp cận, trải nghiệm nó trong thời gian không ngắn.
Khoa từng hỏi: "Hãy viết một bài phát biểu về lợi thế cạnh tranh của TP.HCM với 3 từ khóa "đầu ngành" "năng động" "hạnh phúc" thì ChatGPT trả lời: Thành phố Hồ Chí Minh đang là đầu ngành trong việc tạo lập và phát triển nền kinh tế và xã hội. Nền kinh tế năng động và đa dạng, giúp TP.HCM trở thành một trung tâm kinh doanh và du lịch hấp dẫn…".
Khoa nói thêm, ChatGPT cập nhật dữ kiện liên tục từ kho tri thức, nó tạo ra thách thức lớn cho người làm nội dung, ảnh hưởng nhiều ngành nghề, tuy nhiên ta biết ứng dụng nó vào cuộc sống sẽ rất hay, giảm tải thời gian khi phải xử lý cùng một công việc. Có thêm một người bạn "Chat " mới, hỏi gì đáp ngay cũng rất vui.
Tuy nhiên luôn cần dữ liệu đầu vào, Khoa phải nhập thì nó mới trả lời, thời gian đầu sẽ chỉ là tò mò, khám phá thử cho biết. ChatGPT trả lời theo kiểu rất ngoại giao, thông tin chung chung từ các dữ kiện nó thu thập được để tránh xung đột các lợi ích.
Ngoài ra, ChatGPT giúp cho công việc của Khoa và bạn bè cũng khá nhiều, thông qua API (API là cơ chế cho phép 2 thành phần phần mềm giao tiếp với nhau bằng một tập hợp các định nghĩa và giao thức) có thể yêu cầu nó viết các bài viết, nội dung theo ý muốn. Rất nhiều lập trình viên cũng đang kết nối, ứng dụng nó vào thực tế để viết nội dung tự động cho website, mạng xã hội, hay nguồn tham khảo thông tin. Có thể yêu cầu AI sửa code cơ bản, xử lý những lỗi sai của đoạn mã lập trình,…
Ngoài Khoa thì nhiều bạn trẻ cũng đang tiếp cận dần với ứng dụng công nghệ mới này. Điều này cho thấy trên các mạng xã hội, nhiều bạn trẻ đã chia sẻ hình ảnh về những câu hỏi đặt ra cho ChatGPT. Nhiều hội nhóm của ChatGPT cũng được thành lập trong đó trao đổi cách tạo tài khoản đăng nhập và cách sử dụng.
Khi đề cập đến ChatGPT với một nhóm học sinh THCS thì đa phần lứa tuổi này vẫn chưa biết là gì. Dù lứa tuổi này sử dụng điện thoại thông minh, truy cập internet rất thường xuyên.
Nguyễn Hồng Hoan, học sinh Trường trung cấp nghề kỹ thuật Hùng Vương cho biết việc sử dụng điện thoại thông minh lướt mạng với Hoan là điều hiển nhiên trong nhịp sống mỗi ngày. Trung bình, khi rảnh rỗi nam sinh này đều dùng điện thoại để chơi game, nhắn tin và lướt mạng xã hội. Những ứng dụng thông thường mà Hoan đã biết như: Facebook, Google, YouTube, Tinder, TikTok… Tuy vậy, khi hỏi về ChatGPT thì hiện chưa biết và chưa từng nghe về ứng dụng mới này.
"Chắc em sẽ tìm hiểu xem nó như thế nào. Nếu nó trả lời được nhiều câu hỏi chắc sẽ thuận tiện cho việc học hơn nhiều thay vì em phải tra Google để tìm hiểu", Hoan chia sẻ.
Giới trẻ cần luyện tư duy để làm chủ công nghệ
Tiến sĩ Lương Thái Hà, giảng viên bộ môn truyền thông, marketing Trường ĐH Văn Lang nhìn nhận công cụ ChatGPT là một mô hình Machine Learning (máy học) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, giúp giải đáp những thắc mắc của người dùng ở nhiều lĩnh vực.
ChatGPT khác với công cụ tìm kiếm Google ở chỗ đề xuất nhiều lựa chọn cho yêu cầu tìm kiếm, theo dạng danh mục từ trên xuống dưới, trang này qua trang kia. Còn ChatGPT thì đưa ra một câu trả lời dưới dạng kết luận, và kết luận duy nhất này được ChatGPT trích xuất và phối trộn giữa hàng tỉ tham số và văn bản để đưa ra câu trả lời với "độ tự tin" cao nhất có thể. Nhưng xét về "độ chính xác" thì vẫn có những trường hợp, câu trả lời do ChatGPT đưa ra là chưa hoàn toàn hợp lý.
Theo góc nhìn cá nhân của tiến sĩ Hà, ChatGPT chắc chắn sẽ trở thành một xu hướng, một vòng quay không thể cưỡng lại trong tương lai. Những tính năng mà ChatGPT sở hữu không cho thấy nó giống như mạng xã hội, nên có thể giao diện sẽ không màu sắc bắt mắt như các mạng xã hội, vốn cũng là đặc điểm thu hút người dùng mạng. Thế nhưng sức hút của giao diện hỏi-đáp của ChatGPT là đáng kinh ngạc. Đạt được 100 triệu người dùng chỉ sau 2 tháng ra mắt, vượt xa so với các tên tuổi lớn trong mảng mạng xã hội như TikTok, Instagram.
"Và bây giờ, thực sự tôi nghĩ ChatGPT sẽ khởi đầu một cuộc cách mạng về công nghệ và nhiều lĩnh vực khác, chứ không đơn thuần là xu hướng như lúc đầu tôi nhận định nữa. Xu hướng thì có thể tồn tại ngắn ngày hoặc dài ngày, nhưng khi đã gọi đó là cuộc cách mạng thì ảnh hưởng của nó được tính bằng nhiều chục năm hoặc thế kỷ", tiến sĩ Hà nói.
Tiến sĩ Hà nói thêm: "Ví dụ khi tôi yêu cầu ChatGPT viết giúp đoạn văn bản xin tăng lương, với những tham số và dữ kiện đưa ra là ngành tôi đang hiện cộng tác, thâm niên, những điểm mạnh và điểm yếu của tôi… thì trong tích tắc ChatGPT tạo cho chúng ta có một đoạn văn bản có thể đánh giá là chặt chẽ về logic. Điều này thực sự giúp nhiều bạn trẻ trong tương lai tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong công việc. Thậm chí ChatGPT còn có thể đưa ra câu trả lời cho môn toán và viết code mẫu, dù độ chính xác vẫn còn là vấn đề cần giải quyết".
Trước khi ChatGPT ra đời, học sinh, sinh viên vẫn sử dụng Google để tìm gợi ý, hoặc website, văn bản tham khảo cho chủ đề mà chứng ta muốn nghiên cứu, sau đó chứng ta tự phải thực hiện thao tác lọc thông tin và tổng hợp thông tin để biến những thông tin rời rạc từ những văn bản khác nhau thành bài luận hoặc bài báo hoàn chỉnh. Nhưng hiện nay, ChatGPT có thể phần nào làm thay và tổng hợp thông tin.
Tuy nhiên, tiến sĩ Hà bình luận nếu sử dụng quá đà, giới sinh viên sẽ tạo thói quen ỷ lại, lười phân tích, tổng hợp dữ liệu. Từ đó làm giảm khả năng tư duy của các em. Khi tư duy bị mai một, thì đúng sai cơ bản còn khó phân biệt, huống hồ gì nói đến câu chuyện sáng tạo như ChatGPT.
Theo Thanh niên