Nghiên cứu chỉ ra 745.000 người chết do đột quỵ và bệnh tim, là hệ quả của việc làm việc trên 55 giờ một tuần, trong năm 2016. Con số này cao hơn 30% so với năm 2000, theo Reuters.
Hầu hết nạn nhân là nam giới trung niên hoặc cao tuổi. Thông thường, cái chết chỉ đến nhiều năm sau thời gian nạn nhân phải làm việc quá nhiều. Khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản, Australia… là khu vực bị tác động nhiều nhất.
|
Nghiên cứu của WHO cho thấy làm việc quá nhiều giờ trong tuần có thể làm gia tăng tỷ lệ tử vong do đột quỵ hay bệnh tim. Ảnh:Reuters. |
Nghiên cứu cũng cho thấy những người làm việc trên 55 giờ một tuần có nguy cơ đột quỵ cao hơn 35% và nguy cơ tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ cao hơn 17% so với những người làm việc 35-40 giờ một tuần.
Đây là thành quả phối hợp giữa WHO và Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) và là nghiên cứu đầu tiên về mối liên hệ giữa làm việc nhiều và tỷ lệ tử vong ở quy mô toàn cầu.
“Làm việc trên 55 giờ một tuần là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe”, bà Maria Neira, giám đốc bộ phận môi trường, biến đổi khí hậu và y tế của WHO, chia sẻ. “Chúng tôi mong các thông tin này sẽ thúc đẩy hành động và bảo vệ nhiều hơn đối với người lao động”.
Nghiên cứu sử dụng dữ kiện của giai đoạn 2000-2016, do đó không bao gồm đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các quan chức WHO cho rằng đại dịch sẽ làm gia tăng nguy cơ đối với sức khỏe.
“Đại dịch thúc đẩy xu hướng tăng giờ làm việc”, WHO nói. Tổ chức này ước tính 9% dân số thế giới đang làm việc quá nhiều giờ trong tuần.
Theo ông Frank Pega, quan chức phụ trách kỹ thuật của WHO, việc giới hạn giờ làm việc là giải pháp.
“Không tăng giờ làm việc trong khủng hoảng kinh tế là quyết định đúng đắn”, ông khẳng định.
Theo Zing