Dù mới 8 tuổi, Mengmeng dùng son môi, phấn mắt thuần thục như cách cô bé đọc chữ, theo SCMP.
Nữ sinh tiểu học ở Thượng Hải (Trung Quốc) này là một người mẫu nhí bán thời gian, từng xuất hiện trong nhiều quảng cáo và chương trình thời trang trẻ em kể từ khi cố bé bắt đầu học mẫu giáo. Các buổi chụp hình hoặc sự kiện thường yêu cầu Mengmeng phải trang điểm.
Thị trường mỹ phẩm cho trẻ bùng nổ tại Trung Quốc. Ảnh: Vogue Business.
Candice Yang, mẹ của Mengmeng, nói rằng cô muốn nâng cao mắt thẩm mỹ cho con gái. “Các cô gái nên được học về cách trân trọng vẻ ngoài từ thời thơ ấu”, cô cho biết.
Những gia đình như nhà Mengmeng đã góp phần làm gia tăng đáng kể lượng tiêu thụ mỹ phẩm dành cho trẻ em ở Trung Quốc.
Xu hướng này đi ngược hẳn so với những thành phần khác trong xã hội, chẳng hạn hầu hết trường học đề ra quy định nghiêm ngặt về ngoại hình của học sinh, thậm chí tiêu chuẩn hóa kiểu tóc.
Tham vọng cho con nổi tiếng
Theo Kaola, một nhà bán lẻ hàng nhập khẩu, doanh số bán đồ trang điểm dành cho trẻ em trên nền tảng của họ đã tăng hơn 1.200% vào tháng 5/2020 so với cùng kỳ năm 2019. Tổng doanh số bán hàng tính đến tháng 7/2020 cũng đã tăng 3 lần so với năm trước đó.
Thực trạng này được thúc đẩy bởi tham vọng lớn của các bậc cha mẹ trong việc biến con cái trở thành ngôi sao, theo Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc.
“Khi các nền tảng mạng xã hội phát triển rộng rãi, nhiều người đã thành danh thông qua hình thức livestream. Nhiều bậc phụ huynh hy vọng con cái cũng trở nên nổi tiếng như vậy. Do đó, họ ăn mặc, trang điểm cho con và ‘quảng cáo’ chúng trực tuyến”, ông nói với SCMP.
Một vlogger trang điểm nhỏ tuổi tại Trung Quốc khoe ảnh trước và sau khi làm đẹp. Ảnh: SCMP.
Trên một số ứng dụng truyền thông xã hội, chỉ cần tìm kiếm từ khóa “trẻ em trang điểm”, nó sẽ dẫn đến vô vàn video có nội dung những đứa trẻ đang dùng đồ mỹ phẩm, cố gắng tạo cho mình ngoại hình giống công chúa hoặc một số kiểu tạo hình tương tự.
Chẳng hạn, trên nền tảng Xiaohongshu, một cô bé khoảng 7 tuổi đăng clip hướng dẫn người xem cách trang điểm “chỉ trong 3 phút, phù hợp trình diễn trên sân khấu”.
Nhà nghiên cứu Chu cho biết ngoài ra, sự phát triển của ngành mỹ phẩm trẻ em là do các gia đình trung lưu Trung Quốc ngày càng tăng. Họ đầu tư nhiều hơn cho con vào các hoạt động ngoại khóa như ca hát, khiêu vũ - những môn thường yêu cầu trang điểm khi trình diễn.
“Đặt trong bối cảnh Trung Quốc, tôi nghĩ cho trẻ em tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa là một điều tốt. Chúng ta đã tập trung quá mức vào kết quả học tập trên trường lớp của trẻ. Vì vậy, sẽ rất tốt nếu chúng được phép làm điều gì đó khác”, ông chia sẻ.
“Tuy nhiên, chúng ta cần đặt ra ranh giới nhất định cho chuyện này. Nếu người lớn chúng ta ‘lấn vạch’, hoạt động ngoại khóa không chỉ tiêu tốn quá nhiều thời gian của trẻ nhỏ, mà còn khiến chúng hiểu lầm rằng ngoại hình là thứ cần được chú trọng nhất”, nhà nghiên cứu khẳng định.
Một số hoạt động ngoại khóa của trẻ em yêu cầu trang điểm. Ảnh: Andy Wong/AP.
Liu Xiaoyun, một bà mẹ ở Bắc Kinh, cho biết cô không cấm đoán 2 cô con gái, lần lượt 4 và 9 tuổi, thỉnh thoảng chơi với đồ mỹ phẩm của mình vì cô muốn “bảo vệ sự tò mò của chúng”.
“Nhưng thành thật mà nó, tôi cũng lo lắng rằng một khi các con đã quen với mỹ phẩm, chúng sẽ đánh giá người khác dựa trên vẻ ngoài của họ, hoặc nghĩ rằng chúng chỉ xinh đẹp khi trang điểm”, cô chia sẻ với SCMP.
Hiểm họa từ mỹ phẩm cho trẻ
Còn đối với Candice Yang, mẹ của Mengmeng, độ an toàn của thành phần mỹ phẩm là mối quan tâm lớn.
“Về cơ bản, các nghệ sĩ trang điểm những buổi trình diễn thời trang dành cho trẻ em thường sử dụng sản phẩm đến từ thương hiệu lớn, chất lượng tốt. Tuy nhiên, chúng chủ yếu được thiết kế để dùng cho người lớn. Tôi biết điều đó không tốt cho trẻ nhỏ nhưng đâu còn lựa chọn nào khác”, người mẹ nói.
Tại xứ tỷ dân, mỹ phẩm trẻ em được định nghĩa là đồ trang điểm cho trẻ từ 12 tuổi trở xuống. Hàng chục thương hiệu với hàng nghìn sản phẩm thuộc danh mục này xuất hiện đầy trên các nền tảng thương mại điện tử lớn, với mức giá khác nhau.
Thậm chí, nhiều món đồ trang điểm cho trẻ em được bày bán dưới dạng đồ chơi. Tuy nhiên, thành phần của chúng không được ghi rõ trên nhãn.
Sử dụng mỹ phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, thành phần có thể gây hại cho trẻ. Ảnh: He Wuchang/Asia News.
Lu Yao, bác sĩ da liễu tại Bệnh viện Trung ương Phụ nữ và Trẻ em Thành Đô, cho biết trong tuần lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6), ông đã tiếp nhận một số bệnh nhân trẻ tuổi bị kích ứng da do đồ trang điểm.
Theo bác sĩ, làn da của trẻ em dễ nhạy cảm với những thành phần có hại trong mỹ phẩm bởi hệ thống miễn dịch và nội tiết của chúng còn yếu.
“Vì vậy, nhìn chung đồ trang điểm có hại cho trẻ em hơn người lớn. Tuy nhiên, dựa trên các nghiên cứu hiện có trên toàn cầu, chúng tôi có lý do chính đáng để kết luận rằng khoảng 1 lần/tháng, trẻ em có thể sử dụng đồ mỹ phẩm đủ tiêu chuẩn trên một số phần trên da”, ông nói.
Theo Zing